Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất không giới hạn "trần lương" để thu hút nhân tài về nước làm việc

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng lời kêu gọi chung chung "về nước đóng góp" sẽ không hiệu quả nếu thiếu những dự án. Bà kiến nghị cần có những cơ chế, đơn đặt hàng cụ thể.

Báo Dân tríBáo Dân trí19/07/2025

Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra 3 kiến nghị quan trọng nhằm mở đường cho trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về hoặc đóng góp từ xa cho sự phát triển của đất nước.

Những giải pháp này không chỉ thể hiện tư duy đổi mới mà còn phản ánh sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tận dụng nguồn lực trí thức Việt kiều.

Đề xuất không giới hạn trần lương để thu hút nhân tài về nước làm việc - 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (bên phải ảnh) đưa ra 3 kiến nghị nhằm mở đường cho trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về hoặc đóng góp từ xa cho sự phát triển của đất nước (Ảnh: Đức Vũ).

Tạo điều kiện pháp lý thuận lợi

Kiến nghị đầu tiên của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến quốc tịch.

Theo bà, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã mang lại những thay đổi tích cực, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài giữ hoặc phục hồi quốc tịch Việt Nam mà không vi phạm pháp luật của nước sở tại. Mặt khác, quy trình đăng ký quốc tịch hiện nay đã được đơn giản hóa, chỉ cần nộp hồ sơ tại đại sứ quán, sau đó chuyển trực tiếp đến Bộ Tư pháp với thời hạn xử lý rõ ràng.

Đặc biệt, các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở nước ngoài cũng được quyền lựa chọn quốc tịch Việt Nam. Với quốc tịch Việt Nam, trí thức Việt kiều sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như công dân trong nước, bao gồm quyền sở hữu nhà đất và kinh doanh bất động sản, xóa bỏ những rào cản trước đây như phải nhờ người khác đứng tên.

Xây dựng môi trường làm việc cạnh tranh và hỗ trợ nghiên cứu

Kiến nghị thứ hai của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh công bằng dựa trên năng lực và đóng góp.

"Nhiều trí thức Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học, mong muốn đóng góp cho đất nước nhưng gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm hiện đại.

Tôi đề xuất đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học công lập, hệ thống phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu. Đồng thời, cần có cơ chế tự chủ tài chính và đãi ngộ linh hoạt, không giới hạn "trần lương" để thu hút nhân tài", Thứ trưởng Hằng chia sẻ.

Quan trọng hơn, bà khuyến khích không phân biệt giữa khu vực công và tư, bởi cả hai đều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Các trường đại học như Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã áp dụng chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ từ nước ngoài về công tác, nhưng vẫn cần thêm các quỹ hỗ trợ nghiên cứu để họ phát huy tối đa năng lực.

Đề xuất không giới hạn trần lương để thu hút nhân tài về nước làm việc - 2

Các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu gặp gỡ, đề xuất ý kiến tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Ảnh: Đức Vũ).

Đặt hàng đề tài cụ thể và kết nối hiệu quả

Kiến nghị thứ ba là các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần đưa ra các bài toán, đề tài nghiên cứu cụ thể để trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia.

Thứ trưởng Hằng nhấn mạnh rằng lời kêu gọi chung chung "về nước đóng góp" sẽ không hiệu quả nếu thiếu những dự án cụ thể.

Để hỗ trợ kết nối, bà đề xuất xây dựng một cơ sở dữ liệu tập hợp thông tin từ các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, giúp họ dễ dàng gửi ý tưởng, đề xuất và tham gia các dự án.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, như đại sứ quán và tổng lãnh sự quán, cần có quy trình rõ ràng để tiếp nhận và xử lý các đề xuất này.

Yêu cầu của trí thức trẻ: Cần cơ chế rõ ràng hơn

Tại diễn đàn, nhiều trí thức trẻ đã bày tỏ mong muốn được hỗ trợ cụ thể hơn về mặt cơ chế, chính sách để có điều kiện thuận lợi đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Tiến sĩ Đinh Vũ Ngọc Cường, nghiên cứu về khoa học vật liệu tại Việt Nam, đề xuất cần có cơ chế nhanh chóng để cấp bằng sáng chế, giúp các sáng kiến được triển khai kịp thời.

Ông cũng kiến nghị thành lập các khu nghiên cứu tập trung, kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, để chuyển đổi sáng chế thành sản phẩm thực tế.

Anh Nguyễn Phước Lập, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nhấn mạnh nhu cầu về các quỹ hỗ trợ nghiên cứu dành cho giảng viên trẻ trở về từ nước ngoài.

Trong khi đó, anh Đỗ Đức Tôn, công tác tại Kazakhstan, đề xuất công nhận chức danh học thuật tương đương và giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp khi hợp tác nghiên cứu với Việt Nam.

Lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của các trí thức trẻ, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng ghi nhận và nhấn mạnh rằng các giải pháp này không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Việc tận dụng trí tuệ của cộng đồng trí thức Việt Nam toàn cầu, thông qua mạng lưới được xây dựng từ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, là chìa khóa để hiện thực hóa tầm nhìn này.

Thứ trưởng kêu gọi các trí thức trẻ tiếp tục đóng góp ý kiến cụ thể, từ những dự án nghiên cứu, sáng kiến công nghệ đến các đề xuất cải cách chính sách.

Thứ trưởng nhấn mạnh sự đồng hành của Trung ương Đoàn và các cơ quan đại diện, những ý tưởng này sẽ được chuyển đến các bộ ngành để hiện thực hóa, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Nguồn: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/de-xuat-khong-gioi-han-tran-luong-de-thu-hut-nhan-tai-ve-nuoc-lam-viec-20250719140323441.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm