
Chương trình là hoạt động chính trị – văn hóa ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025), đồng thời hướng tới đợt sáng tác trọng điểm của giới văn học nghệ thuật TPHCM.
Ngay sau lễ dâng hương và tham quan chuyên đề “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025), 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2025) đoàn văn nghệ sĩ đã đến thăm Hội trường Thống Nhất – nơi ghi dấu thời khắc lịch sử 30-4-1975 khi xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.






Hành trình về nguồn do Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức, diễn ra từ ngày 27 đến 30-5, đi qua các địa danh lịch sử tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước. Thông qua chuyến đi, các văn nghệ sĩ sẽ thu thập chất liệu thực tế, tiếp thêm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật phục vụ tuyên truyền về lịch sử, truyền thống cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước.
Chuyến đi có sự tham gia của 108 đại biểu gồm các văn nghệ sĩ lão thành từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; văn nghệ sĩ tiêu biểu, xuất sắc của các Hội văn học, nghệ thuật thành phố, của các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở VH-TT TPHCM; văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong việc phát huy và giữ gìn nghệ thuật dân tộc, văn hóa truyền thống, tích cực tham gia chương trình chính trị - xã hội thành phố…

Ở tuổi 86, sức khỏe không cho phép đi xa, NSƯT Mạnh Dung vẫn đến dự chương trình trước khởi hành, mang một số kỷ vật từ thời chiến tranh mà ông còn giữ lại và gửi gắm nhiều chia sẻ với các nghệ sĩ trẻ trong đoàn công tác.
NSƯT Mạnh Dung xúc động nói: “Nghệ sĩ chúng tôi ngày đó từng chứng kiến những thời khắc đặc biệt của đất nước. Chúng tôi được mang lời ca tiếng hát đến các nông trường, căn cứ kháng chiến... Và, chúng tôi từng chứng kiến thời khắc đón những chiến sĩ của ta từ các nhà tù của địch. Người nào trở về cũng mang theo vô vàn vết thương trên thân thể. Hình ảnh họ nhắc nhớ chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng đó, những hy sinh đó để 50 năm qua chúng tôi còn được diễn, được hát, được sáng tạo, được sống trong hòa bình. Các bạn nghệ sĩ trẻ hôm nay may mắn không phải trải qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, chịu tiếng bom đạn giữa hai miền chiến tuyến hãy trân quý hòa bình. Hãy phát huy tinh thần người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”.

Do tuổi cao, sức yếu, các NSƯT Lê Thiện, Thanh Dậu không thể tham gia nhưng vẫn gửi gắm tình cảm, động viên các nghệ sĩ trẻ. NSƯT Lê Thiện chia sẻ: "Đây không phải là chuyến đi đầu tiên về nguồn của văn nghệ sĩ thành phố. Chúng ta đã đi Trường Sơn, đã đi Tây Bắc… Và chuyến đi lần này vô cùng ý nghĩa. Rất mong, các nghệ phát huy hết tình yêu của nghệ sĩ với các vùng đất của Tổ quốc, mỗi chuyến đi có thêm nhiều chất liệu sáng tác, sáng tạo trong lĩnh vực của mình”.



Nguồn: https://www.sggp.org.vn/doan-van-nghe-si-tphcm-theo-dau-chan-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-nam-1975-post796920.html
Bình luận (0)