Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Việt Nam

Ngày 22/5/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Trong vụ việc này, mặt hàng nói trên từ cả 3 nước đều bị đề nghị điều tra cả CBPG và CTC.

Bộ Công thươngBộ Công thương28/05/2025

1. Thông tin chung về vụ việc

- Mã vụ việc: A-552-851 (CBPG) và C-552-852 (CTC).

- Sản phẩm bị đề nghị điều tra: Gỗ dán cứng và trang trí, chủ yếu thuộc nhóm mã HS 4412 và 9403.

- Nguyên đơn: Hiệp hội thương mại công bằng với gỗ dán cứng Hoa Kỳ.

- Ngày nhận đơn: Ngày 22 tháng 5 năm 2025.

- Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp: Nguyên đơn nêu tên hơn 130 công ty của Việt Nam, gồm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như Công ty CP Tekcom, Công ty TNHH MTV Gỗ Khang Đạt, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng. 

- Thời kỳ điều tra CBPG/CTC đề xuất: Năm 2024.

- Thời kỳ điều tra thiệt hại đề xuất: 03 năm (2022-2024).

- Kim ngạch xuất khẩu: Theo số liệu do Nguyên đơn viện dẫn từ nguồn của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), trong giai đoạn 2022-2024, Việt Nam xuất khẩu lần lượt khoảng 401 triệu USD, 186  triệu USD và 244 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, đứng vị trí thứ 2 trong 3 nước bị điều tra, sau In-đô-nê-xi-a. 

- Các quốc gia bị đề nghị điều tra: Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam.

1.1. Thông tin cáo buộc bán phá giá:

 - Biên độ CBPG bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: Khoảng 112,33 đến 133,72% (thấp nhất trong số 03 nước bị điều tra).

- Nước và giá trị thay thế: Tương tự như các vụ việc gần đây, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng In-đô-nê-xi-a là quốc gia thay thế do cho rằng In-đô-nê-xi-a có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất gỗ bị điều tra. Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.

1.2. Thông tin cáo buộc trợ cấp

- Biên độ CTC bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: Nguyên đơn không đưa ra cáo buộc với biên độ trợ cấp.

- Các chương trình trợ cấp bị cáo buộc: Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu gỗ cứng và gỗ dán trang trí Việt Nam đã nhận được 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ. Các chương trình trợ cấp bị cáo buộc thuộc các nhóm:

(1) Nhóm các chương trình cho vay: gồm các chương trình cho vay ưu đãi của các Ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (SOCBs); chương trình bao thanh toán của SOCBs; bảo lãnh xuất khẩu của SOCBs; chương trình tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); chương trình hỗ trợ ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

(2) Chương trình tài trợ: gồm các chương trình tài trợ xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư.

(3) Nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: gồm các chương trình về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong các khu vực đặc biệt; ưu đãi thuế theo Nghị định số 24/2007/NĐ-CP; chương trình khấu hao nhanh và tăng chi phí được giảm trừ.

(4) Nhóm các chương trình ưu đãi miễn và hoàn thuế nhập khẩu: gồm các chương trình về miễn thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu vào khu công nghiệp; miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp FDI; miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô cho doanh nghiệp chế xuất và khu chế xuất xuất khẩu; gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu đãi cho các ngành công nghiệp phụ trợ. 

(5) Nhóm các chương trình ưu đãi về đất: gồm các chương trình miễn giảm tiền thuê đất/mặt nước cho ngành được khuyến khích; miễn thuế/phí sử dụng đất cho ngành được khuyến khích; miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; miễn hoặc giảm tiền thuê cho doanh nghiệp FDI; miễn hoặc giảm tiền thuê theo Quyết định số 189/2000.

(6) Cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi: gồm các chương trình cung cấp các tiện ích điện, nước và các tiện ích khác trong khu công nghiệp và khu chế xuất với mức giá ưu đãi; cung cấp gỗ xẻ đầu vào với mức giá ưu đãi

  (7) Trợ cấp xuyên quốc gia: Nguyên đơn cáo buộc do Chính phủ Trung Quốc sở hữu gần như toàn bộ diện tích khai thác rừng ở Trung Quốc, thông qua việc hạn chế cấp phép khai thác gỗ. Điều này đã dẫn tới việc ván (veneer) Trung Quốc đang được bán với giá thấp hơn giá thông thường. Các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam khi nhập khẩu ván để sản xuất sản phẩm bị điều tra, đã gián tiếp hưởng trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc.

2. Quy trình thủ tục điều tra tiếp theo

Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, có 02 cơ quan tham gia trong một vụ việc điều tra CBPG và CTC: DOC điều tra về hành vi bán phá giá và trợ cấp và chịu trách nhiệm chung về kết quả điều tra trong khi ITC chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Sản phẩm chỉ bị áp thuế CBPG/CTC nếu cả 02 cơ quan đều ban hành kết luận khẳng định. Nếu như trong vụ việc CBPG, chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng bị điều tra thì trong vụ việc CTC, Chính phủ cũng là đối tượng bị điều tra.

Quy trình thủ tục vụ việc điều tra CBPG và CTC tiếp theo như sau (Các mốc thời gian có thể được gia hạn):

Bước 1: Chính phủ nước bị điều tra (Việt Nam) tham vấn với DOC về đơn đề nghị điều tra CTC.

Bước 2: DOC có 20 ngày để xem xét đơn đề nghị điều tra và ban hành quyết định khởi xướng/hay không khởi xướng điều tra, dự kiến ngày 11 tháng 6 năm 2025. Trong một số trường hợp đặc biệt, DOC có thể gia hạn thời gian này lên tổng số 40 ngày.    

Bước 3: ITC có 45 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị để ban hành kết luận sơ bộ về thiệt hại. Trong trường hợp kết luận sơ bộ của ITC là không có thiệt hại, vụ việc sẽ được chấm dứt toàn bộ (tuy nhiên khả năng này thường thấp).    

Bước 4: DOC có 140 ngày kể từ ngày khởi xướng để ban hành kết luận sơ bộ về bán phá giá và có 65 ngày kể từ ngày khởi xướng để ban hành kết luận sơ bộ về trợ cấp.

Bước 5: DOC có 75 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ để ban hành kết luận cuối cùng về bán phá giá/trợ cấp.

Bước 6: ITC có 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành kết luận cuối cùng về bán phá giá/trợ cấp để đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại.

Bước 7: DOC có 07 ngày để ban hành Lệnh áp thuế CBPG/CTC (trong trường hơp kết luận có bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại).

(Các mốc thời gian có thể được gia hạn)

3. Khuyến nghị

Trên đây là một số thông tin liên quan đến vụ việc nhận hồ sơ đề nghị điều tra CBPG và CTC với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước.

Để chuẩn bị ứng phó với vụ việc, Cục PVTM khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Hoa Kỳ và dự kiến chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp (trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra); đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu;

- Hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG và CTC cáo buộc cao nhất cho doanh nghiệp;

- Chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới Cơ quan điều tra Hoa Kỳ;

- Thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục PVTM để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Chuyên viên phụ trách: Trần Thị Lan Hương, Email: [email protected], [email protected], [email protected]. Website: http://trav.gov.vn/.


Nguồn:Cục Phòng vệ thương mại

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hoa-ky-nhan-ho-so-de-nghi-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-va-chong-tro-cap-doi-voi-san-pham-go-dan-cung-va-trang-tri-nhap-kha.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm