Anh Lê Thế Thắng, thôn 3, xã Sao Vàng (bên trái ảnh) trao ảnh đã được phục chế cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: P.V
Mệnh lệnh từ trái tim
Những ngày tháng 7, căn phòng làm việc của anh Lê Thế Thắng, thôn 3, xã Sao Vàng trở nên tấp nập hơn, bởi thân nhân các liệt sĩ tìm đến nhờ anh phục chế ảnh của con em mình.
Cầm tấm ảnh liệt sĩ trên tay, anh Thắng kể: "Tôi bén duyên với nghề thợ ảnh nhiều năm nay. Một lần được nghe bố và các đồng đội kể về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, về lớp lớp chiến sĩ đã anh dũng hy sinh đã làm nên bản tráng ca bất tử về lòng yêu nước và ý chí kiên cường của dân tộc. Câu chuyện ấy đã chạm đến trái tim tôi, thôi thúc tôi phải làm gì đó để vơi bớt nỗi đau cho gia đình các liệt sĩ. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tôi đã quyết định làm thêm nghề phục chế ảnh liệt sĩ hoàn toàn miễn phí".
"Khi biết tôi làm nghề này, nhiều thân nhân liệt sĩ ở địa phương đã đem di ảnh của con em mình đến phục dựng. Có bức thì khổ nhỏ như tem thư, đã bị mờ nét; có bức lại không có ảnh gốc, chỉ phác họa bằng bút chì... vì vậy quá trình phục dựng ảnh gặp khá nhiều khó khăn", anh Thắng chia sẻ.
Thế nhưng, thấu hiểu được sự tin tưởng, kỳ vọng của thân nhân gia đình liệt sĩ, với họ, những tấm ảnh không chỉ tái tạo dung mạo, mà còn khôi phục ký ức. Bởi vậy, anh tự nhủ rằng mình phải thật chau chuốt, cẩn thận từng chi tiết, từng đường nét trên khuôn mặt, mái tóc... sao cho thật chuẩn xác.
Không dừng lại ở đó, anh còn tìm đến các gia đình liệt sĩ, lắng nghe, cảm nhận những câu chuyện về cuộc đời và sự hy sinh của họ, để phác thảo chân dung của họ bằng công nghệ dựng ảnh, góp phần xoa dịu nỗi đau của người ở lại.
Mỗi tấm ảnh là một câu chuyện đầy xúc động, tự hào
Mùa hè năm ấy, có người chị gái là L.T.H., xã Sao Vàng mang di ảnh của em trai mình tới tận nhà và tha thiết nhờ anh Thắng phục chế lại ảnh cho em trai mình hy sinh đã lâu. Cầm tấm ảnh trên tay, người chị gái rưng rưng nước mắt kể về những năm tháng kháng chiến, về một gia đình còn mãi đau đáu niềm thương nhớ em trai: "Em trai tôi năm xưa vốn là chiến sĩ hoạt động trong lòng địch, giặc phát hiện đã chém đầu em rồi treo ở đầu làng. Sau đó, vợ của em phải tìm mọi cách mới lấy được thân xác và phần đầu của chồng mình về chôn cất. Biết em đã hy sinh từ lâu, dù cũng đã mòn mỏi đi tìm, nước mắt của người mẹ khóc cũng đã cạn, vậy mà phải mấy chục năm sau gia đình mới kết nối được với con cái của em mình, và xin được tấm ảnh nhàu nát không còn rõ mặt. Giờ đây, tìm thấy em trai dù chỉ là qua bức ảnh đã cũ kỹ, thế nhưng chúng tôi vẫn tin rằng đây là kỷ vật thiêng liêng nhất mà em trai mình đã dành tặng cho gia đình".
"Nghe câu chuyện rưng rưng nước mắt ấy, đón nhận di ảnh của người em trai từ tay bà L.T.H., tôi tự nhủ mình phải dồn hết tâm huyết để phục dựng bức ảnh cho vẹn nguyên. Và, sau nhiều lần làm đi làm lại thì tôi cũng hoàn thiện tấm ảnh để trao cho gia đình liệt sĩ. Sau khi phục dựng xong ảnh, vài năm sau gia đình bà L.T.H. cũng đón được hài cốt liệt sĩ về trong niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt”, anh Thắng chầm chậm trải lòng.
Từ khi nhận được giấy báo tử đến nay cũng đã mấy chục năm, nhưng gia đình L.N.M. ở xã Hoằng Phú có người anh trai là liệt sĩ vẫn chưa có được tấm ảnh nguyên vẹn của anh mình để đặt lên bàn thờ. Đây cũng là tâm nguyện duy nhất mà gia đình chưa thực hiện được để an lòng người mẹ đã khuất. Thật may mắn trong lần tình cờ được người quen giới thiệu, họ đã gọi điện tìm đến anh Thắng để nhờ phục chế lại bức ảnh cũ, dù đã mờ nhòa. "Khi nghe xong cuộc điện, tôi không chần chừ mà đồng ý ngay và bắt tay vào phục chế ảnh. Tấm ảnh cũ kỹ, hoen ố đến mức gần như không thể nhận ra, nhưng lại là kỷ vật duy nhất mà gia đình còn lưu giữ. Lời cảm ơn nghèn nghẹn giữa những giọt nước mắt. Họ nói, nhìn bức ảnh như được nhìn chính người anh trai đã hy sinh của mình... khi còn sống". Kể đến đây, anh Thắng cũng không kìm được nước mắt...
Vậy là bao năm qua, anh Thắng đã góp phần “hồi sinh” chân dung cho hàng trăm Anh hùng liệt sĩ, “mang các anh trở về” với gia đình trong nguyên vẹn dáng hình tuổi thanh xuân. Sự đón nhận với tình cảm trân trọng, ấm áp của thân nhân các liệt sĩ cũng đã tiếp thêm động lực cho anh tiếp tục hành trình tri ân thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Nguyễn Đạt - Sơn Linh
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguoi-hoi-sinh-chan-dung-cac-anh-hung-liet-si-255989.htm
Bình luận (0)