Chủ động thích ứng
Tại huyện Tuy Đức, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ - đơn vị chuyên chế biến chanh dây xuất khẩu đang đối mặt với áp lực chi phí điện năng ngày một gia tăng.

Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi sử dụng lượng điện rất lớn do đặc thù ngành chế biến nông sản. Từ rửa, làm mát đến trữ đông, mỗi công đoạn đều tiêu tốn rất nhiều điện năng. Trước khi điều chỉnh, chi phí điện hàng tháng đã hơn 70 triệu đồng. Nay giá điện tăng 4,8%, mỗi tháng công ty phải gánh thêm khoảng hơn 10% cho chi phí này”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn giữ vững phương châm không tăng giá thành sản phẩm để giữ lợi thế cạnh tranh, mà chuyển qua siết chặt quản lý chi phí. Theo ông Long, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để thay mới hệ thống cấp đông công suất cao, sửa chữa lại nhà xưởng nhằm hạn chế tổn thất điện năng.

Ngoài ra, công ty áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm như: hạn chế vận hành thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm, thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, bố trí công tắc hợp lý để bảo đảm hiệu suất sử dụng.
Từ nay đến cuối năm, công ty dự kiến sẽ đầu tư từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Giải pháp này đang được doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng, hướng tới sự chủ động lâu dài trong việc cung cấp nguồn điện phục vụ ổn định sản xuất.
Tại huyện Đắk Mil, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê Hương Quê chuyên sản xuất ca cao, cà phê phục vụ thị trường nội địa cũng đang "gồng mình" để thích nghi với giá điện mới.

Giám đốc công ty Nguyễn Văn Quý thông tin, sau giai đoạn khó khăn kéo dài, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, nhưng vẫn đối mặt nhiều áp lực từ thị trường. Cụ thể như giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, tỷ giá USD biến động và nay là giá điện tăng liên tục trong 3 năm trở lại đây.
“Để giảm chi phí, chúng tôi rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị, đầu tư thay thế các máy móc tiêu hao điện, tăng cường bảo trì định kỳ nhằm tránh tổn thất điện năng; đồng thời, lên kế hoạch sản xuất theo khung giờ thấp điểm, bố trí nhân lực và thiết bị vận hành lệch ca để giảm tải giờ cao điểm”, ông Quý cho biết.
Theo Sở Công thương Đắk Nông, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 4/2025 tăng 2,98% so với tháng 3/2025. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 9,47%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,73%. Riêng công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 5,86%.
Hướng tới giải pháp lâu dài
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 10/5/2025 được điều chỉnh lên hơn 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 4,8%.
.jpg)
Cụ thể, với khách hàng sản xuất, mức chi phí tăng thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng/doanh nghiệp. Đây là lần điều chỉnh giá thứ tư liên tiếp kể từ năm 2023. Tính chung từ năm 2023 đến nay, giá điện đã tăng hơn 17%.
Trước đó, Công ty Điện lực Đắk Nông đã thông báo cách tính tiền điện trong kỳ đổi giá điện tới khách hàng. Cụ thể, đối với công tơ bán lẻ điện sinh hoạt, điện năng để tính giá cũ và giá mới được tính theo phương pháp nội suy.
Đối với công tơ sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt, điện lực thực hiện chốt chỉ số công tơ trong ngày 10/5/2025 thông qua thiết bị đọc chỉ số từ xa.

Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết để bảo đảm cân bằng tài chính ngành điện nhưng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực chi phí gia tăng trong bối cảnh phục hồi sau dịch, cạnh tranh gay gắt và thị trường còn nhiều biến động.
Công ty Điện lực Đắk Nông khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tối ưu hệ thống điện, thường xuyên vệ sinh, bảo trì thiết bị, thay thế máy móc công nghệ cũ và xây dựng ý thức tiết kiệm điện trong nội bộ.
Ngành điện cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải, giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm hoặc chuyển hoạt động sang giờ thấp điểm. Từ đó nhằm bảo đảm cung ứng điện ổn định và nâng cao độ tin cậy của hệ thống.

Một xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp Đắk Nông quan tâm là đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời mái nhà. Việc tự sản xuất – tự tiêu thụ nguồn điện từ năng lượng mặt trời không chỉ giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia mà còn mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang từng bước tận dụng ánh sáng tự nhiên, cải tạo nhà xưởng thông thoáng, tiết kiệm điện chiếu sáng. Những hành động nhỏ này đã góp phần lớn vào hiệu quả sử dụng năng lượng.
Trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu và chi phí đầu vào không ngừng leo thang, việc chủ động thích ứng với giá điện tăng là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Việc này cũng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt và tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài trên thị trường.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cải tiến công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và chủ động ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Không chỉ tiết giảm chi phí, họ còn từng bước xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng.
Đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển bền vững mà Chính phủ và tỉnh Đắk Nông đang khuyến khích.
Tác động của việc tăng giá điện tới doanh nghiệp từ năm 2023 – 2025 cụ thể là: tháng 5/2023 tăng 3%; 11/2023 tăng 4,5%; 11/2024 tăng 4,8%; 5/2025 tăng 4,8%.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-dak-nong-thich-ung-voi-gia-dien-tang-252938.html
Bình luận (0)