EC đã quyết định lùi thời gian thanh tra lần thứ 5 để đánh giá việc gỡ “thẻ vàng” IUU từ tháng 3/2025 sang cuối năm 2025. Xin ông cho biết những kết quả mà Việt Nam đạt được đến thời điểm hiện tại trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU năm 2025?
- Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, hệ thống chính trị ở các địa phương đã thực hiện đồng bộ và rất mạnh mẽ các giải pháp chống IUU.
Điều này đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Một số vấn đề làm ảnh hưởng đến tiến trình gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, cụ thể: Các hành vi vi phạm nghiêm trọng đều được xử lý nghiêm khắc, nhiều địa phương có giải pháp rất linh hoạt để giám sát đội tàu hoạt động trên biển và các cảng cá. Trước đây, tàu cá đi đâu, về đâu, cơ quan chức năng rất khó nắm bắt nhưng nay bằng các ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đã được quản lý chặt chẽ. Tất cả dữ liệu tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển đều được thu thập, cập nhật hàng ngày. Khi có trường hợp vi phạm được phát hiện, dữ liệu sẽ được chuyển về cho các địa phương để lực lượng thực thi pháp luật trên biển và trên bờ nắm được và xử lý theo quy định. Thông qua việc giám sát chặt chẽ và thường xuyên như vậy, ngư dân đã nâng cao được ý thức chấp hành.
Có thể khẳng định, Việt Nam đã đi đầu trong khu vực và cả thế giới để thực hiện việc này. Nếu như EC chỉ áp dụng hệ thống truy xuất điện tử bắt đầu từ tháng 10/2026 thì Việt Nam đã áp dụng từ tháng 1/2024. Toàn bộ giám sát tàu ra vào cảng, sản lượng, loài... đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu truy xuất điện tử của Việt Nam.
Hiện EC cũng đánh giá cao và khuyến nghị chúng ta đưa các tiêu chí theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế áp dụng vào thực tế, trên cơ sở đó chúng ta có thể dễ dàng giải trình với EC trong lần kiểm tra lần 5. Điều này giúp Việt Nam không chỉ gỡ được “thẻ vàng” IUU của EC mà còn có thể vượt qua các rào cản của thị trường quốc tế hướng tới phát triển bền vững.
Về mốc thời gian hoàn thiện báo cáo gửi trước Đoàn thanh tra của EC xem xét đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Kế hoạch cao điểm đến 30/08/2025 cần tăng cường kiểm tra, giám sát vùng biển giáp ranh, từ đó cần có cơ chế bảo vệ, động viên ngư dân, tàu cá hoạt động hợp pháp, tuyên truyền và cảnh giác những hành vi gây hấn bất hợp pháp của các tàu cá, lực lượng chức năng nước bạn… nhằm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.
Trước ngày 15/9 Cục Thủy sản và Kiểm ngư sẽ phải báo cáo Bộ NN&MT, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU về hoàn thiện những yêu cầu mà EC đưa ra để kiểm tra lần 5 tháo gỡ “thẻ vàng” IUU trong 8 năm qua.
Tuy nhiên, quá trình sáp nhập các tỉnh, thành phố hiện nay cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo cụ thể các vấn đề liên quan đến từng lĩnh vực địa phương đang gặp phải nhưng chúng tôi xác định việc xóa “thẻ vàng” IUU năm 2025 là vấn đề cấp bách phải thực hiện đồng bộ, quyết tâm chính trị cao từ Trung ương đến địa phương.
Ông có thể đưa ra những biện pháp mà Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN&MT) đã thực hiện nhằm khuyến cáo ngư dân thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực thủy sản?
- Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, hiện nay chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, quyết liệt “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ nguồn lực, rõ trách nhiệm) như Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở trong nhiều hội nghị. Chúng tôi cũng đã đưa ra những lý do cần sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực thủy sản nhằm dứt điểm gỡ “thẻ vàng” của EC trong năm 2025.
Ngoài ra, chúng tôi cũng gợi ý, đề xuất những hành động cụ thể mà Chính quyền địa phương có thể khuyến cáo ngư dân như thay đổi thiết bị kết nối đã cũ chuyển sang các thiết bị mới có tính công nghệ cao, linh hoạt theo Nghị định số 37/NĐ-CP về hệ thống kết nối QMS lộ trình đến năm 2026 phải thực hiện xong và đồng bộ. Kế tiếp là sự phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm ngư, công an tuần tra, kiểm soát tàu cá “3 không” hoạt động tại cảng, xuất, nhập bến… các đối tượng môi giới, vận chuyển thiết bị VMS trái quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nhằm kịp thời và cấp bách gửi các văn bản đến các tỉnh, thành phố ven biển về nội dung quản lý, chỉ đạo xử lý liên quan đến những vấn đề các địa phương gặp phải qua quá trình kiểm tra của Bộ NN&MT, tới đây, Cục sẽ tổ chức các hội nghị cho 28 tỉnh, thành về chống khai thác IUU nhằm chỉ đạo quyết liệt, tăng tính liên thông, liên ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, sẽ kiểm tra kỹ càng, chấn chỉnh các vi phạm tồn tại, phát sinh mới để kịp thời xử lý, gia tăng tính răn đe trong khai thác thủy sản bất hợp pháp mà EC yêu cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://baophapluat.vn/dong-bo-thong-nhat-cao-de-ec-go-the-vang-iuu-trong-nam-2025-post548904.html
Bình luận (0)