Xưa kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại và là vùng nước ngọt nhiễm phèn, lắm muỗi, nhiều đỉa. Việc ăn ở, hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy chủ yếu dựa vào sự đùm bọc, che chở của nhân dân quanh vùng và phải đào mương lên liếp để ngăn xe tăng giặc, xây dựng công sự và trồng cây gây rừng, cải tạo địa hình để trú ẩn và hoạt động. Rừng tràm di tích hiện nay là thành quả của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương thực hiện chủ trương trồng cây gây rừng của Tỉnh ủy. Ngày nay, tràm ở đây có tuổi thọ khoảng trên 60 năm và mỗi cây tràm là biểu tượng của tấm lòng dân che chở Đảng.
Quanh căn cứ này có trên 10 đồn bót địch, tạo thành một vòng tròn khép kín. Đồn gần nhất cách khu căn cứ khoảng 01 km và đồn xa nhất cách khoảng 06 km. Trong suốt cuộc chiến tranh, Xẻo Quít là “trường bắn”, là “bãi đỗ trực thăng” của địch, là nơi máy bay B52, xe lội nước M113, thuyền bay, pháo binh kết hợp với bộ binh địch liên tục dội bom, càn quét, bắn phá vào vùng căn cứ, hòng tiêu diệt mọi sự sống trên mảnh đất này. Mỗi bông mướp vàng hay một tiếng gà gáy nếu để chúng phát hiện thì phải “đón nhận” hàng chục tấn bom pháo dội vào. Do đó cơ quan Tỉnh ủy phải đối mặt giữa sự sống và cái chết trong gang tấc. Nhưng nhờ tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khổ và sự đùm bọc che chở của nhân dân nên cơ quan Tỉnh ủy vẫn hoạt động và tồn tại đến ngày toàn thắng.
Với những dấu ấn lịch sử quan trọng đó, ngày 09 tháng 4 năm 1992 Xẻo Quít đã được Bộ Văn Hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Bên cạnh giá trị truyền thống lịch sử - là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, ngày nay Khu di tích Xẻo Quít còn là vùng đất ngập nước với đa dạng sinh học, có không gian và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Theo Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2015 Xẻo Quít được xác định là một trong những Điểm Du lịch trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp. Khu di tích Xẻo Quít cũng được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Chứng nhận là Điểm Du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2016 và 2019).
Bình luận (0)