Ca sĩ Đình Bảo (cựu thành viên nhóm AC&M) sau thời gian học tập và làm việc tại Mỹ đã thành lập nền tảng CRIIO. Anh mong muốn mang nhiều sản phẩm nhạc Việt tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ những người trẻ.
Cầu nối mới của nhạc Việt
CRIIO được thiết kế như một hệ sinh thái giúp nghệ sĩ sáng tạo, phát hành, xuất bản và quản lý tác quyền âm nhạc trong kỷ nguyên số. Đây là nơi kết nối với khoảng 100 nền tảng phát hành tác phẩm âm nhạc trên toàn cầu như: Spotify, Apple Music, Amazon Music, Tidal… CRIIO còn liên kết với hơn 180 tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan để bảo đảm quyền lợi của tác giả, nghệ sĩ Việt.
Tại buổi ra mắt CRIIO ở TP HCM cách đây không lâu, ca sĩ Đình Bảo tiết lộ anh ấp ủ dự án này từ khi nhận thấy thị trường nhạc số manh nha xuất hiện tại Việt Nam. Vì thế, khi AC&M đang hoạt động ổn định, anh quyết định sang Mỹ để tập trung học tập và tìm hiểu thị trường âm nhạc quốc tế.
Ca sĩ Hòa Minzy gây tiếng vang với “Bắc Bling”. (Ảnh: NHẬT NGUYÊN)
Đúng như dự báo của Đình Bảo, thời gian gần đây, việc phát hành nhạc Việt trên các nền tảng quốc tế bắt đầu phát triển. Nhiều tác phẩm nhạc Việt được chú ý và một số đơn vị đã thực hiện công việc này. Theo Đình Bảo, CRIIO do anh nghiên cứu, phát triển có lợi thế kết nối với nhiều đơn vị, giúp nghệ sĩ phát hành cùng lúc trên nhiều nền tảng hoặc chủ động lựa chọn thị trường mong muốn.
Thị trường âm nhạc Việt Nam được đánh giá rất giàu tiềm năng. Thời gian qua, nhiều ca sĩ, ca khúc của Việt Nam tạo được ấn tượng tốt, thậm chí "gây sốt" ở nước ngoài. Việc này đã mở ra hy vọng đưa nhạc Việt ra thị trường thế giới một cách bài bản hơn.
Chẳng hạn, ca khúc "Bắc Bling" của Hòa Minzy từng được xem là hiện tượng nhạc Việt, thậm chí gây "bão" toàn cầu. MV "Bắc Bling" từng giữ vị trí Top 1 Trending YouTube Việt Nam nhiều ngày. Với YouTube Charts Thế giới, "Bắc Bling" từng đứng đầu hai hạng mục: MV ra mắt ấn tượng nhất và Ca khúc ra mắt ấn tượng nhất. Bảng xếp hạng Best Popular MV (MV phổ biến nhất, gồm cả mới ra và cũ) ngày 9-3 ghi nhận "Bắc Bling" đứng Top 2 toàn cầu.
Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định "Bắc Bling" là sản phẩm giải trí mang đậm tính văn hóa Việt Nam. Việc Thủ tướng Singapore Lawrence Wong sử dụng ca khúc "Bắc Bling" làm nhạc nền cho video vlog trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3-2025 cũng cho thấy sức lan tỏa của MV này đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Trước đó, "See tình" của ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người yêu nhạc trên thế giới. Ca khúc này gây "sốt" tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Nhiều khán giả đánh giá "See tình" là một ca khúc hiện đại, trẻ trung; là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Chú trọng văn hóa truyền thống
Giới chuyên môn cho rằng khát vọng đưa nhạc Việt vươn ra thế giới đã được nhiều thế hệ tác giả, ca sĩ ấp ủ. Tuy nhiên, giấc mơ này vẫn chưa thể thực hiện được khi cơ chế hoạt động của nhạc Việt vẫn còn khép kín.
Trước đây, chỉ vài cá nhân có điều kiện mới đủ khả năng mở cánh cửa riêng cho mình, qua việc hợp tác với nghệ sĩ quốc tế. Thanh Bùi từng hợp tác cùng William của Black Eyed Peas và Tata Young; Sơn Tùng M-TP hợp tác với Snoop Dogg... Mới đây, Đức Phúc đã bắt tay cùng nhóm nhạc 911; K-ICM kết nối với Plastik Funk, Polmoya và 9tySlac; SOOBIN với Ji Yeon của nhóm T-ara; Vũ với Lukas Graham...
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh đánh giá cao những nghệ sĩ Việt Nam đã tiên phong trong việc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài. Thành quả đem lại thường là những sản phẩm được đầu tư, trau chuốt.
"Việc hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài là sự giao thoa giữa âm nhạc Việt Nam và thế giới. Sự kết hợp mang tính đột phá này đã giúp các tác phẩm âm nhạc Việt Nam tạo được sức thu hút" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh nhận xét.
Theo ca sĩ ST Sơn Thạch, khi hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài, nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi nhiều điều, từ tiết tấu âm nhạc đến phong cách biểu diễn hay sự sáng tạo trong tác phẩm. Tuy nhiên, để tạo được dấu ấn với thị trường âm nhạc quốc tế, việc chọn giới thiệu sản phẩm gì, như thế nào... cũng là bài toán khó giải. Giới chuyên môn cho rằng việc hội nhập cần được thực hiện với mọi thể loại âm nhạc, từ truyền thống đến đại chúng, nhạc nhẹ...
Rapper Tiến Đạt cho rằng nhạc đại chúng có xu hướng dẫn đầu khi hội nhập với âm nhạc thế giới. Song, chúng ta cần tranh thủ đưa các ca khúc mang âm hưởng dân tộc, có phong cách riêng Việt Nam để giới thiệu, quảng bá.
"Phương Tây đã có âm nhạc của họ. Nếu chúng ta giới thiệu với phương Tây thứ âm nhạc mà họ đã có thì chắc chắn không tạo được ấn tượng. Chưa kể, với âm nhạc đó thì chúng ta làm sao xuất sắc bằng họ - vốn đã được họ phát triển bao đời nay. Trong khi đó, phương Tây không có âm nhạc mà chúng ta đang sở hữu là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Việt Nam. Khi giới thiệu với bên ngoài cái họ không có, chắc hẳn chúng ta sẽ dễ tạo được ấn tượng hơn" - rapper Tiến Đạt phân tích.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Việc đưa sản phẩm nhạc Việt vươn ra thế giới cũng nhằm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh: "Âm nhạc Việt Nam đang từng bước khẳng định tên tuổi trên bản đồ âm nhạc quốc tế. Nhiều nhạc sĩ trẻ đã nỗ lực đưa sáng tác của mình lọt vào các bảng xếp hạng toàn cầu. Dù vẫn còn những khó khăn, rào cản nhưng nếu có sự nỗ lực của nhiều phía, từ nghệ sĩ đến cơ quan chức năng, thì ngày những sản phẩm nhạc Việt được thế giới đón nhận không còn xa".
Âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới luôn là khát khao và đích đến của nhiều nghệ sĩ trong nước. Trong thế giới phẳng, giấc mơ này ngày càng có điều kiện thực hiện.
Nguồn: https://nld.com.vn/dua-nhac-viet-vuon-ra-the-gioi-196250525203223453.htm
Bình luận (0)