Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Fìn Hò Trà - thương hiệu trà của người Dao Đỏ tại Hà Giang

Chúng tôi có dịp được đến thăm Hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), nơi sản xuất ra sản phẩm chè xanh nhãn hiệu Shan tuyết Fìn Hò nổi tiếng. Mặc dù là vùng đất khó, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, bà con các dân tộc đã và đang đưa tinh hoa của núi rừng ra biển lớn.

Báo Hòa BìnhBáo Hòa Bình24/05/2025


Người dân tộc Dao Đỏ ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thu hái chè Shan tuyết cổ thụ.

Trò chuyện với anh Lý Thành Nhân, Phó Giám đốc HTX chế biến chè Phìn Hồ về nguồn gốc của cây chè Shan tuyết, anh Nhân chia sẻ: Cây chè Shan tuyết không biết có từ bao giờ trên ngọn núi cao thôn Phìn Hồ, khi phát hiện đã thấy cây to cả một người ôm không hết. Theo truyền thuyết được các cụ ngày xưa kể lại, vào cuối thế kỷ XVI, chỉ có 2 hộ người Dao Đỏ mang họ Lý kiên cường bám trụ nơi vùng đất rừng núi hoang sơ, khí hậu lạnh giá và mây mù bao phủ quanh năm. Trải qua bao thế hệ, người Dao Đỏ đã gây dựng nên một cộng đồng gắn bó. Trong quá trình lao động và sinh sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, họ tình cờ phát hiện một loài cây thân gỗ lá xanh đậm, hoa trắng tinh khôi và hương thơm dịu nhẹ. Dùng thử lá cây để tắm, chữa bệnh và pha uống nhận thấy nước có vị chát nhẹ pha lẫn ngọt hậu đầy cuốn hút. Đó chính là cây chè, loài cây đặc biệt với búp non phủ lớp lông tơ trắng muốt như tuyết trên núi cao, từ đó được gọi tên là chè Shan tuyết - món quà núi rừng ban tặng cho người Dao Đỏ nơi Phìn Hồ.

Người Dao Đỏ sau đó lấy hạt để trồng thêm, mở rộng diện tích rừng chè Shan tuyết cổ thụ và chế biến theo cách thủ công như: Sao chè bằng chảo gang, sấy chè trên gác bếp, phơi chè khô dưới nắng… Trải qua nhiều thế kỷ, người Dao Đỏ đã biết sản xuất, chế biến chè từ thủ công sang công nghệ máy móc hiện đại. Năm 2008, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm, bà con Dao Đỏ cùng nhau thành lập HTX để chế biến chè đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, HTX chế biến chè Phìn Hồ có 5 dòng sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu Fìn Hò Trà, đó là: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà và Trà Tiên. Mỗi loại sản phẩm có hương vị khác nhau với giá bán từ 300 nghìn đến 12 triệu đồng/kg. 

Các sản phẩm của Fìn Hò Trà đều chế biến từ búp chè non nhất của những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong vùng chè. Năm 2015, các sản phẩm chè được Liên minh châu Âu chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn Organic EU từ vùng trồng tới quy trình sản xuất tại nhà máy. Đặc biệt, nhờ tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, không ngừng đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2021, 2 sản phẩm của HTX là Trà xanh và Hồng trà được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Với tổng diện tích 500 ha trà tại thôn Phìn Hồ và các xã lân cận trong huyện, mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng hơn 200 tấn chè khô hữu cơ. Bên cạnh việc chú trọng đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, HTX thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ để giữ vững chất lượng sản phẩm. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, các sản phẩm chè của HTX chế biến chè Phìn Hồ đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức… nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng. Từ năm 2019, sản phẩm của Fìn Hò Trà xuất hiện tại hệ thống siêu thị Winmart và nhiều hệ thống cửa hàng bán lẻ cùng hàng trăm điểm bán hàng trong cả nước.

Trải qua hơn một thập kỷ để những người con của bản Dao Phìn Hồ xây dựng thành công một thương hiệu của địa phương. Giờ đây các sản phẩm của HTX đã khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường, đặc biệt với 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao. Đó là cũng là động lực để các thành viên HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, giữ vững uy tín thương hiệu Fìn Hò Trà.

Từ câu chuyện thành công của HTX Phìn Hồ có thể thấy, việc phát huy thế mạnh đặc sản bản địa, gắn kết với văn hóa dân tộc và khai thác theo hướng bền vững là yếu tố then chốt để tạo nên sản phẩm khác biệt, có giá trị. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến, tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ và an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Việc chuyển đổi từ phương pháp thủ công sang công nghệ hiện đại, không ngừng đổi mới mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cũng là hướng đi quan trọng. Xây dựng thương hiệu bài bản, chủ động xúc tiến thương mại, gắn sản phẩm với chương trình OCOP sẽ giúp nâng cao giá trị, gia tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế bền vững.


Hoàng Dương

Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/16/201390/Fin-Ho-Tra--thuong-hieu-tra-cua-nguoi-Dao-Do--tai-Ha-Giang.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm