50% SỐ NGƯỜI THẤT NGHIỆP DƯỚI 35 TUỔI
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (gọi tắt: trung tâm) thuộc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trong tháng 4.2025 trung tâm đã tiếp nhận 12.376 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 1.740 hồ sơ (tăng 16,36%) so với tháng 3.2025 (10.636 hồ sơ). Tính lũy kế từ ngày 1.1.2025 - 30.4.2025, trung tâm tiếp nhận 35.966 hồ sơ, giảm 5.490 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2024 (41.456 hồ sơ). Cũng trong thời gian này, TP.HCM đã ban hành 33.792 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) và tiếp nhận 168.233 lượt NLĐ thông báo tình trạng việc làm hằng tháng.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ xử lý, tư vấn và kiểm tra giấy tờ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. ẢNH: P.T.N
Riêng giai đoạn từ đầu năm tính đến giữa tháng 5.2025, trung tâm tiếp nhận hơn 43.000 hồ sơ. Đáng lưu ý, trong đó có gần 50% người thất nghiệp là lao động trẻ dưới 35 tuổi. Đồng thời, có 43% số NLĐ thất nghiệp không có bằng cấp và 37% có trình độ đại học trở lên. Ngoài ra, trung tâm đã hỗ trợ học nghề cho gần 800 NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số người đăng ký hưởng trợ cấp.
Ngày 22.5, ghi nhận của PV Thanh Niên ở Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Q.Bình Thạnh) cho thấy số NLĐ đến nộp hồ sơ và làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người trẻ. Các lý do chủ yếu mà NLĐ nghỉ việc, muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp là vì chuyển môi trường, muốn có thời gian nghỉ để chăm lo cho bản thân, người nhà, doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhân sự và không chịu nổi áp lực công việc hiện tại ở DN.
Không ít lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là người trẻ. ẢNH: P.T.N
Chị N.T.Đ (42 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) vừa chấm dứt hợp đồng lao động với một DN chuyên phân phối dược phẩm, mỹ phẩm. Chị Đ. nói: "Mẹ tôi cũng già yếu và tôi muốn nghỉ một thời gian để chăm bà. Ngoài ra, tôi thấy công ty cũng đang cắt giảm NLĐ, nhiều người lớn tuổi cũng ra đi nên tôi quyết định nghỉ luôn, để mấy lứa sau thay mình. Tôi đăng ký hưởng trợ cấp trước, để xem hưởng được bao nhiêu tháng rồi mới tính tiếp chuyện tìm việc".
Trong khi đó, chị N.N.K.V (ở TP.HCM) chỉ mới ra trường. Gia cảnh khó khăn nên chị đi làm từ sớm và tìm được công việc bán hàng. Chị V. chia sẻ: "Tôi thấy khối lượng công việc nhiều quá. Việc tuyển dụng của công ty cũng khó khăn, cứ thấy đăng tuyển hoài. Có những ngày tôi chỉ đứng bán sản phẩm một mình và như vậy thì không xuể. Cũng có thể tôi còn trẻ và chưa thích nghi hoặc chịu được áp lực của thị trường lao động hiện tại".
BIẾN ĐỘNG VÌ DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, số liệu so sánh với cùng kỳ năm 2024 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, bức tranh thị trường lao động còn nhiều biến động.
Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM. ẢNH: P.T.N
Quá trình chuyển đổi số và tái cấu trúc DN sau đại dịch Covid-19 tạo ra một làn sóng cắt giảm nhân sự, tập trung vào các vị trí không còn phù hợp mô hình vận hành mới. Điều này không chỉ tác động đến NLĐ trung niên vốn là nhóm thường gặp khó khăn trong việc thích ứng với công nghệ mới, mà còn ảnh hưởng đến NLĐ trẻ vì phải chịu áp lực về hiệu suất và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Theo bà Thục, NLĐ trẻ đang chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số người thất nghiệp tại TP.HCM. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, như xu hướng "nhảy việc" để tìm kiếm môi trường phù hợp hơn, áp lực công việc quá lớn và thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Trong khi đó, TP.HCM là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn hàng đầu cả nước, điều này cũng dẫn đến cạnh tranh trên thị trường việc làm, đặc biệt vào thời điểm sinh viên tốt nghiệp.
Không ít sinh viên mới ra trường thiếu kỹ năng mềm, kinh nghiệm, áp lực làm việc trong thực tế và khả năng thích nghi với yêu cầu DN hiện đại nên cũng chật vật thời gian đầu để tìm được việc làm ổn định. NLĐ trung niên tuy có kinh nghiệm nhưng lại gặp trở ngại vì định kiến tuổi tác và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ năng trong môi trường lao động số hóa.
Mặt khác, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố ngoài TP.HCM đang đẩy mạnh thu hút NLĐ thông qua việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ hội việc làm ngày càng phong phú. Do đó, có không ít NLĐ chọn quay về quê hương thay vì tiếp tục bám trụ ở đô thị.
Làn sóng dịch chuyển lao động này gây ra không ít biến động về nhân sự, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da, bán buôn và bán lẻ. Sự thiếu hụt nhân lực khiến nhiều DN rơi vào tình trạng phải liên tục tuyển dụng với số lượng lớn hoặc yêu cầu nhân viên làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ sản xuất - kinh doanh.
Thực tế, trước áp lực duy trì lực lượng lao động ổn định, không ít DN tại TP.HCM đã buộc phải điều chỉnh chính sách đãi ngộ. Mức lương cơ bản được nâng lên, chế độ phúc lợi được cải thiện, thậm chí có nơi còn hỗ trợ thêm chi phí ăn ở, đi lại hoặc trao thưởng theo hiệu suất nhằm giữ chân NLĐ. Ngoài ra, nhiều DN cũng chủ động triển khai các chương trình đào tạo nội bộ và định hướng nghề nghiệp để nâng cao sự gắn bó của nhân viên với tổ chức.
Riêng về góc độ trung tâm, bà Hạnh Thục cho biết đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động. Trọng tâm là chuẩn hóa lại các kênh thông tin chính thức và hoàn thiện phần mềm kết nối việc làm, từ đó hỗ trợ NLĐ tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn. Song song đó, trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện để DN và NLĐ trực tiếp gặp gỡ, tuyển dụng, cải thiện các sàn về hình thức và nội dung để tiếp cận nhiều người trẻ.
Theo báo cáo xu hướng thị trường nhân sự đầu năm 2025 của Anphabe, thị trường lao động VN nói chung đang ở trong cuộc tái sắp xếp tổ chức của DN. Theo khảo sát của Anphabe, có 28% DN đã tinh gọn tổ chức trên diện rộng vào cuối năm 2024, và khoảng 10% DN khác dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2025. Làn sóng tinh giản trải rộng từ ngành bán lẻ, tiêu dùng nhanh, du lịch cho đến tài chính, sản xuất.
Tuy nhiên, Anphabe cảnh báo về hệ lụy lâu dài của việc tái cấu trúc, tối ưu nguồn lực thiếu chiến lược, như khó thu hút nhân tài, nhóm sau tinh giản bị stress cao hơn, người giỏi rời đi… Do đó, DN cần xác định rõ mục tiêu, định hướng để giữ lại những nhân sự phù hợp nhất, sẵn sàng đồng hành và chia sẻ tầm nhìn dài hạn.
Nguồn TNO
Xem link gốcNguồn: https://baotayninh.vn/giai-bai-toan-lao-dong-that-nghiep-a190523.html
Bình luận (0)