Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giao thoa văn hóa Kinh - Khmer trong Lễ hội Vía Bà

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch hàng năm, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Chăm, Khmer. Trong đó, văn hóa Khmer được thể hiện từ chính giả thuyết xuất xứ của tượng Bà.

Báo An GiangBáo An Giang22/05/2025

Theo nhiều nhà nghiên cứu, có rất nhiều giả thuyết, lý giải khác nhau về tượng Bà Chúa Xứ. Giả thuyết đầu tiên cho rằng, năm 1941, một nhà khảo cổ học người Pháp khảo sát, kết luận rằng tượng Bà Chúa thực chất là một tượng thần Vishnu, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tượng được làm từ chất liệu đá sa thạch quý hiếm, mang giá trị nghệ thuật cao, được chế tác vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI. Giả thuyết này cho rằng pho tượng được ra đời vào một thời kỳ văn hóa rực rỡ, khi các nền văn minh giao thoa, phát triển mạnh mẽ.

Trong chương trình khảo cổ học “Nét Xưa”, cố nhà văn Sơn Nam - một nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ khẳng định, tượng Bà Chúa Xứ thực chất là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên từ lâu trên đỉnh núi Sam. Về sau, tượng được người Việt điểm tô lại bằng lớp sơn mới thành tượng Phật Bà. Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Dũng (tác giả công trình khoa học “Khai phá vùng đất Châu Đốc”) khẳng định, tượng Bà Chúa Xứ thực chất là tượng một vị thần nam ngồi trong tư thế vương giả. Những giả thuyết này không chỉ làm tăng thêm sự huyền bí của pho tượng, mà còn phản ánh một phần của lịch sử, văn hóa đa dạng của vùng đất Châu Đốc.

Cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer Sóc Trăng biểu diễn tại Miếu Bà

Theo GS Trần Ngọc Thêm, các hình chạm khắc và hoa văn trang trí trong miếu là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa mỹ thuật Việt, Khmer, Chăm, Hoa. Có thể bức tượng Bà là một trong những hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo. Những mô tả ấy khẳng định cho việc cốt tượng ấy không phải của người Việt. Song, chính nó cũng cho thấy giá trị văn hóa to lớn. Vào thời điểm khi mà quân Xiêm luôn tìm cách dòm ngó, xâm phạm biên cương, việc dựng lên một nữ thần cai quản một vùng đất như hình tượng Bà Chúa Xứ (vai trò như một Địa Mẫu) là vô cùng cần thiết, khẳng định chủ quyền lãnh thổ với việc “lôi kéo” thần linh đứng về phía mình của cộng đồng cư dân Việt.

Tác giả Huỳnh Thiệu Phong (trong bài nghiên cứu “Góp bàn về việc xác lập ý niệm và nhận diện “giá trị văn hóa” qua điển cứu miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - Châu Đốc - An Giang”) nhận định, hình tượng Bà Chúa Xứ là Mẫu thần được sáng tạo theo dòng chảy liên tục của nhận thức của cộng đồng cư dân Việt trong quá trình di cư đến vùng đất mới. Trước khi có sự hiện diện của cộng đồng cư dân Việt tại đây và cho đến ngày nay, vùng đất này đồng thời có sự hiện diện, cộng cư của các tộc người Chăm, Hoa, Khmer. Chính sự hỗn cư ấy đã tạo thêm nền tảng vững chắc cho sự hình thành hình tượng Bà Chúa Xứ, vì tín ngưỡng tôn thờ nữ thần cũng tồn tại trong văn hóa tinh thần của các cộng đồng tộc người ấy. Đó là “Mẹ Xứ sở Yang Po Inư Nưgar” của người Chăm, “Thiên Hậu Thánh Mẫu” của người Hoa, “Nữ thần Neang Khmau” của người Khmer.

“Vì vậy, có thể tìm thấy lý do tạo nên hình tượng Bà Chúa Xứ nằm ở các nguyên nhân: Nhu cầu cần được che chở bởi vị thần linh tại chỗ, xa hơn chính là biểu hiện của việc mang theo tâm thức từ quê hương cũ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Sự hiện diện của Bà Chúa Xứ chính là niềm xác tín của sự linh thiêng mà các Mẫu đảm bảo cho cuộc sống yên bình tại vùng đất mới của cộng đồng người Việt” - tác giả Huỳnh Thiệu Phong nêu.

Sự giao thoa văn hóa đồng điệu giữa Kinh và Khmer trong tín ngưỡng liên quan đến Bà Chúa Xứ đã thu hút rất đông du khách là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đến chiêm bái. Nắm bắt được nhu cầu này, hàng năm, vào các ngày lễ chính của Vía Bà, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam lại dành riêng một góc tôn vinh văn hóa Khmer. Tại sân Nhà trưng bày hiện vật du khách dâng cúng Bà, trước chính điện, dàn nhạc ngũ âm rộn rã, níu chân mọi người dừng lại.

Nhạc công Khmer Sóc Trăng biểu diễn đàn ngũ âm tại Miếu Bà

Thạch Thi (24 tuổi) bắt đầu biểu diễn điệu múa dân tộc 7 năm trước, trở thành cộng tác viên của đoàn nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng. “Hai năm nay, tôi có dịp theo đoàn đến miếu Bà biểu diễn. Cả đoàn 15 - 20 người, phục vụ nhiều tiết mục cho bà con du khách. Phổ biến nhất là các điệu múa tay chân nhẹ nhàng, phù hợp không gian nhỏ. Chúng tôi múa 3 điệu múa đặc trưng để dâng cúng Bà: Romvong, Salavanh, Lăm liêu” - Thi cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lực (ngụ huyện Chợ Mới) bước vào tuổi 71, nhưng đều đặn 50 năm qua đến múa tại Miếu Bà, cùng với dàn nhạc ngũ âm. “Tôi chưa từng được học múa, nên chỉ thực hiện động tác theo bản năng, trang phục tự thiết kế. Suốt 2 ngày múa, từ sáng đến đêm, tôi vẫn thấy khỏe. Hồi trước, đường sá cách trở thì tôi đi ghe. Bây giờ đi xe, tìm đến Bà bằng mọi cách” - bà Lực kể.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân gian, không chỉ đối với người Kinh, Hoa, Chăm và Khmer… ở Nam Bộ, mà còn ảnh hưởng, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân khắp mọi miền đất nước. Tầm quan trọng của lễ hội vừa mang giá trị văn hóa đặc sắc, vừa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những người dân địa phương trong suốt những năm qua.

GIA KHÁNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/giao-thoa-van-hoa-kinh-khmer-trong-le-hoi-via-ba-a421223.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm