Tới xã Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũ) nếu nhàm chán với việc đến thăm những nhà màng, nhà lưới - nơi kết hợp giữa biểu diễn công nghệ canh tác và chào bán nông sản, chúng ta có thể nghĩ tới một lựa chọn khác có chất “đại ngàn hơn”
Đó là mô hình nông nghiệp hoàn toàn thuận tự nhiên - nơi mang tới cảnh quan hùng vĩ, nông sản tươi ngon và những câu chuyện đầy cảm hứng...
THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN DƯỚI TÁN RỪNG
40 ha đất trồng cây ăn trái của ông Nguyễn Quang Đông được người dân yêu mến gọi là “Vườn cam Hai Đông”. Nằm cách khá xa trung tâm xã Măng Đen, không có sóng điện thoại, thế nhưng bằng một sức hút kỳ lạ, du khách vẫn tìm tới vườn qua con đường đất nhỏ hẹp và cua, dốc.
Em Phượng Ly, du khách từ Hà Nội vừa tới thăm vườn chia sẻ: “Tình cờ trong một lần đi siêu thị, em thấy những quả cam sành được bày bán có mầu sắc khác lạ với lớp vỏ mầu vàng sậm, đen bóng cho nên mua thử, vị cam ngọt mát và trên mỗi quả đều có dán mã QR; tò mò quét thử thì thấy thông tin về khu vườn. Em đã đặt mục tiêu phải tới vườn cam này khi tới Măng Đen và hôm nay em đã thực hiện được rồi. Mặc dù đã hết mùa, nhưng đến đây, được ngắm nhìn cảnh quan và nhất là được xem các chú, các bác chăm sóc cây cũng là trải nghiệm rất thú vị”.
Nếu không tận mắt ngắm nhìn, thật khó để hình dung ra một vườn cam nằm vắt vẻo, được ôm ấp trong lòng của những ngọn núi cao, dưới tán khu rừng trăm năm tuổi, tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt. Nơi cam được những cây rừng cao lớn che chắn, còn rừng cổ thụ thì lại được chăm sóc và bảo vệ bởi bàn tay của chính người nông dân.
Tiếp đón những vị khách từ phương xa, chủ vườn, bác nông dân ngoài 70 tuổi Nguyễn Quang Đông (Hai Đông) niềm nở: “Các bạn thấy vườn có đẹp không? Xanh mướt và tươi tốt nhỉ?”.
Giống cam của vườn là cam sành từ Bến Tre. Tuy nhiên, khi được trồng ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, trái cam đã trở nên khác biệt. Ánh mắt của nhà nông lớn tuổi lấp lánh niềm tự hào: “Ở đây khí hậu ôn hòa, cái nắng, cái gió như kết tinh lại trong trái cam cho nên quả cam rất ngon, khi vắt, mầu nước đậm, sánh và rất ngọt. Đó là lý do nhiều năm nay chúng tôi thu hoạch không cung cấp đủ được cho thị trường”.
Những ngày này, rảo bước trong vườn, du khách thích thú bởi những âm thanh ríu rít của tiếng chim hót cùng tiếng tí tách cắt cành, tỉa tán. Chị Trần Thị Đào, một trong những cộng sự thân thiết của ông Hai Đông vừa thoăn thoắt tỉa cành, vừa hướng về đoàn khách tâm sự: “Lũ chim rất thích về đây bởi vườn cây của chúng tôi không dùng thuốc hay phân hóa học, tất cả đều thuận tự nhiên. Chim về thì vừa cho tiếng hót vui tai mà lại cũng giúp bắt sâu rất hiệu quả”.
Theo chị Đào, mỗi năm, những người thợ vườn thu khoảng 100 tấn lá khô để trộn với dầu đậu phộng lên men và bón cho cây cam. Đây là loại phân bón hữu cơ tạo nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng, nhờ đó tạo ra hương vị độc đáo và giúp những trái cam mang thương hiệu “Hai Đông” vượt qua các “bài kiểm tra”nghiêm ngặt để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Quang Đông tiếp lời: “Sản lượng 130 tấn mỗi năm với doanh thu hơn 3 tỷ đồng không làm cho tôi tự hào bằng việc vườn cây cho ra những trái cam đạt tiêu chuẩn cao như thế. Và quan trọng hơn là tôi đã tạo ra một mô hình vườn sinh thái giúp con người hòa mình vào thiên nhiên”.
CẢM HỨNG TỪ CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP CỦA LÃO NÔNG
Ông Nguyễn Quang Đông đặt chân tới mảnh đất Măng Đen gần 20 năm về trước: “Tôi quê gốc ở Hưng Yên, vốn là một cựu chiến binh thời chống đế quốc Mỹ, sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, tới khi về hưu thì mới lên đây để khởi nghiệp”.
Ông Đông bật cười bởi hai từ “khởi nghiệp” thường dành cho những người trẻ. Thế nhưng, bằng một tình yêu lớn với mảnh đất Tây Nguyên, với cây trồng và khát vọng được tiếp tục cống hiến, ông đã viết nên một chương mới của đời mình: “Triết lý sống của tôi là: Lao động suốt đời, làm việc suốt đời. Khi tôi bắt tay vào gây dựng vườn cam này, đó là khởi nghiệp. Với tôi, không thứ gì là muộn, không có lúc nào là muộn để bắt đầu cả, quan trọng nhất là phải đủ quyết tâm để bắt đầu”.
Quyết tâm của người nông dân đã ngoài 70 tuổi thể hiện rõ ở 10 năm đầu trên chặng đường khởi nghiệp gắn với những thử nghiệm và thất bại. Nhớ lại những ngày tháng ấy, giọng ông Đông trầm xuống: “Khu vườn này từng được phủ xanh bởi khoảng 100.000 cây cà-phê, rồi cà-phê rớt giá thảm, đến năm 2015 thì tôi chặt bỏ cả 100.000 gốc cà-phê…, rồi trồng thử nghiệm 3 loại cây mới là: bơ, bưởi và cam. Chặt đi rồi trồng mới khiến tôi thiệt hại cả chục tỷ đồng”.
Ba loại cây trồng mới cùng nhau sinh trưởng dưới sự quan sát và đánh giá tỉ mỉ của ông Đông. Trong khi cây bơ không thể ra trái đều đặn, bưởi cho quả chất lượng thấp, thì cây cam không những sinh trưởng tốt mà còn “rất hợp tác” với cách canh tác thuận tự nhiên.
Lão nông tiếp tục câu chuyện: “Sau khi tìm được ra cây trồng phù hợp, tôi lại đối mặt với một thử thách nữa, đó là nguồn nước. Tây Nguyên thường xuyên khát nước vào mùa khô, nhưng rất may là ở đây chúng tôi có một hồ chứa nước tự nhiên, tuy nhiên, hồ nước này lại ở trên đỉnh núi, cao hơn vườn 100m”.
Việc dẫn nước tưới tiêu từ đỉnh núi với nhiều người là câu chuyện có phần mơ mộng. Thế nhưng, với ông Đông thì đó đơn giản là một việc phải làm. Một công trình dẫn nước được xây dựng, với nhiều đoạn ống hàn thẳng vào vách núi dựng đứng.
Chỉ tay về phía công trình lịch sử của mình, ông Đông xúc động: “Tôi đã đầu tư 4 tỷ đồng cho công trình này, toàn là tiền đi vay với lãi suất cao. Tôi dám vay vì tôi tin chắc sẽ thành công, với quyết tâm của mình và những gì đã trải qua, không có lý do gì để thất bại hết”.
Mỗi ngày thi công vài mét và kiên trì không nghỉ, sau 3 năm, đường ống dài 10 km đã thành hình, trở thành “xương sống” cung cấp nguồn nước tưới, tiêu cho cả 40 ha cây trồng.
“Quyết tâm chính là yếu tố quan trọng nhất. Khách du lịch tới đây họ sẽ thấy vườn cam xanh tốt, thấy công trình dẫn 2.000 m3 nước mỗi ngày. Còn tôi nhìn lại thì thấy vô vàn những sự quyết tâm”, rảo bước trên con đường từ hồ nước trở về, ông Hai Đông chia sẻ.
Trái ngọt ngày hôm nay của người nông dân đầy quyết tâm ấy thật sự đã đến, sản phẩm cam hữu cơ Hai Đông đã trở thành một thương hiệu nông sản của mảnh đất Măng Đen và vườn cam giờ là chỗ dựa, là nơi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục lao động là người đồng bào tại địa phương. Ngày càng có nhiều người tìm tới với Vườn cam Hai Đông. Và chắc chắn, đó cũng là động lực quan trọng để những người nông dân như ông Nguyễn Quang Đông tìm tòi, nỗ lực trở thành những người “nông dân hữu cơ” trong thời đại mới.
Nguồn: https://baolamdong.vn/gieo-trai-ngot-huu-co-giua-dai-ngan-382694.html
Bình luận (0)