Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gìn giữ làn điệu dân ca dân tộc

Đồng bào dân tộc Thái tại phường Chiềng An có đời sống tinh thần phong phú, với kho tàng văn hóa giàu bản sắc; trong đó, khắp Thái là nét văn hóa độc đáo, thể hiện phong tục tập quán, tín ngưỡng, nét sinh hoạt thường ngày của nhân dân.

Báo Sơn LaBáo Sơn La18/07/2025

CLB Hát Thái tổ 3, phường Chiềng An sinh hoạt.

Hiện nay, phường Chiềng An có trên 90% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, các làn điệu dân ca gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của bà con từ thuở khai bản, lập mường, trở thành di sản quý báu được truyền từ đời này sang đời khác. Tại tổ 3, phường Chiềng An, để gìn giữ các làn điệu dân ca dân tộc, năm 2020, CLB Hát Thái được thành lập, thu hút trên 85 thành viên tham gia. Chị Lò Xuân Hường, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, CLB tích cực tập luyện và đem những lời ca tiếng hát của dân tộc, biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của tổ, bản, tham gia giao lưu tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn gìn giữ các làn điệu dân ca dân tộc.

Ở mỗi vùng miền, dân ca Thái có làn điệu khác nhau, nhưng đều bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều nghệ nhân hát Thái có thể nhìn cảnh vật xung quanh để sáng tác thành lời hát, với câu từ mộc mạc, gần gũi, làm đắm say lòng người. Các thể loại của dân ca Thái bao gồm: “Khắp xừ” (hát thơ, ngâm thơ); “Khắp chôm mâng” (hát chào mừng); “Khắp báo sào” (hát giao duyên); “Khắp long tông” (hát xuôi theo cánh đồng); “Khắp chiêu, khắp bắc” (hát ứng tác). Trong đó, “Khắp báo sào” hay còn gọi là hát giao duyên là một làn điệu được yêu thích và khá phổ biến.

Thành viên CLB Hát Thái tổ 3, phường Chiềng An, hát dân ca Thái.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Mai, tổ 4, phường Chiềng An, chia sẻ: “Khắp báo sao” là hát đối đáp nam, nữ, nói về cuộc sống, tình yêu đôi lứa, thường hát trong dịp lễ, tết, hôn nhân, lên nhà mới... Với lời ca trong sáng, ca ngợi tình cảm của con người, động viên nhau trong cuộc sống. Những lời hát giao duyên được sắp xếp có vần, có điệu như những câu thơ. Lời hát Thái không cần phải phổ nhạc vẫn có thể hát ngân nga mượt mà, nhưng nếu có thêm tiếng pí pặp, tiếng đàn nhị hòa theo, giúp cho bài hát sinh động, hấp dẫn hơn.

Để gìn giữ và phát huy giá trị của các làn điệu dân ca dân tộc Thái, phường Chiềng An luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng; khuyến khích xã hội hóa và huy động các nguồn vốn xây dựng thiết chế văn hóa, tạo không gian thuận lợi để người dân tập luyện; định hướng, hỗ trợ sáng tác các tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Đặc biệt, chú trọng duy trì hoạt động của các CLB văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn.

Đôi trai gái hát Thái giao duyên.

Ông Trần Công Chính, Bí thư Đảng ủy phường Chiềng An, cho biết: Phường có 17 CLB văn hóa dân tộc Thái, với 1.014 thành viên tham gia, thường xuyên tập luyện các điệu múa, điệu hát dân ca của dân tộc. Phường đã đầu tư cho các đội văn nghệ về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí duy trì các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian. Thường xuyên quan tâm tái hiện các tác phẩm văn hóa văn học nghệ thuật, các làn điệu dân ca dân tộc, đặc biệt là các bài hát chuyển thể từ các truyện thơ nổi tiếng của người Thái như: Khun Lu Nàng Ủa, Hiên Hom, Sống Chụ Xôn Xao.

Văn hóa dân gian dân tộc Thái phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Trong kho tàng ấy, dân ca luôn giữ vị trí trung tâm. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, đồng bào dân tộc Thái tại phường Chiềng An vẫn luôn gìn giữ, phát huy những làn điệu dân ca truyền thống, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc, vun đắp tình yêu quê hương trong thế hệ trẻ.

Nguồn: https://baosonla.vn/van-hoa-van-nghe-the-thao/gin-giu-lan-dieu-dan-ca-dan-toc-rMnHD08HR.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm