Tại hội thảo sáng 15/5, tại Trường Đại học Luật TPHCM, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, đã chỉ ra một "điểm nghẽn" trong quản trị đại học.
Ông cho rằng, để hội nhập quốc tế, luật sửa đổi cần thống nhất định nghĩa về cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn mực chung.
Dẫn chứng cụ thể về các trường đại học thành viên trong đại học quốc gia, ông Hạ cho rằng các trường đại học thành viên đã và đang thực hiện đầy đủ chức năng của một cơ sở giáo dục về đào tạo, triển khai chương trình đào tạo, cấp và cấp bằng.
Điều này đã định vị rõ ràng trường thành viên là một cơ sở giáo dục đại học. Do đó, các trường cần được trao quyền thực hiện tất cả các trách nhiệm và quyền hạn của tự chủ đại học.

PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Theo Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, chìa khóa để thực hiện tự chủ mạnh mẽ chính là hội đồng trường. Hội đồng trường rất quan trọng, cần thực hiện và chịu trách nhiệm, giải trình với xã hội, là điều kiện tiên quyết để các trường thành viên thể hiện mạnh mẽ quyền tự chủ đại học.
Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho biết ban soạn thảo Luật đang cân nhắc hai phương án xuất phát từ kết luận giám sát năm 2024 của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, chỉ đạo xem xét sự tồn tại song song của hai hội đồng.
Ban soạn thảo đã gửi toàn bộ hồ sơ lấy ý kiến nhận xét về mô hình đại học quốc gia và đại học vùng, đề nghị các đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo trong nội bộ, thống nhất phương án quan điểm và có văn bản đề xuất.
Trọng tâm là nghiên cứu tính khả thi của việc cùng tồn tại song song 2 hội đồng khi quyền tự chủ của cả đại học quốc gia và các trường như nhau. Phương án khác là phải giảm vai trò của một trong hai.

GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Tại hội thảo, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Thảo cũng giới thiệu những đề xuất chính sách của Dự án luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Trong đó, chính sách 1 là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến.
Về nhóm chính sách này, dự kiến quy định đối tượng áp dụng các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục có hoạt động giáo dục đại học. Các loại hình cơ sở giáo dục đại học: đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện...; Tư cách pháp nhân của các đơn vị bên trong. Mô hình 2 cấp của đại học quốc gia và đại học vùng.
"Tự chủ đại học là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học trong quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật; gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; Không còn áp dụng tự chủ có điều kiện (như luật hiện hành).
Tự chủ - trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giáo dục đại học", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi luật này. Lần sửa đổi này sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Dự thảo luật kế thừa khoảng 55% nội dung hiện hành, đồng thời giảm đáng kể số lượng quy trình và thủ tục hành chính.
Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm "Tham vấn chính sách xây dựng dự án luật giáo dục đại học sửa đổi", ngày 14/5, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng, đã gây chú ý với đề xuất táo bạo nghiên cứu bỏ mô hình hai đại học quốc gia và các đại học vùng, tránh tình trạng "một cổ hai tròng". Ý kiến trên đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/go-diem-nghen-mo-hinh-dai-hoc-quoc-gia-bai-toan-vi-the-hoi-dong-truong-20250515123518945.htm
Bình luận (0)