Doanh nghiệp “tự bơi” giữa ma trận quy định
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, nêu rõ các bất cập tập trung vào ba nhóm chính: thủ tục hành chính phức tạp, quy định pháp luật không rõ ràng hoặc khó thực hiện, và gánh nặng chi phí tuân thủ. Ông Tuấn chỉ ra rằng có những quy định đã tồn tại gần hai thập niên không còn phù hợp, trong khi một số văn bản pháp luật mới ban hành trong năm 2025 lại sớm bộc lộ điểm nghẽn. Các lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường đang gặp nhiều trở ngại do pháp lý chưa đồng bộ.
|
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: tienphong.vn) |
Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều vướng mắc cụ thể đã được chỉ ra. Bà Lê Thị Xuân Huế, Phó Giám đốc Bower Group Asia, dẫn chứng về việc một số dự án đã được Thủ tướng chấp thuận thí điểm nhưng vẫn bị Bộ Tài chính yêu cầu làm lại từ đầu thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. Bà Huế nhận định, quy trình lặp lại này làm chậm tiến độ và mất cơ hội của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group, cho biết ngành khoáng sản đang đối mặt với chi phí thuế, phí chiếm tới 40–60% doanh thu, cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc tế từ 3–8%. Nguyên nhân được ông chỉ ra là do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ.
Về lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nêu bật sự bất hợp lý trong quy định thuế GTGT. Cùng một loại phế phẩm, nhưng nếu tách ra từ dây chuyền chế biến sâu thì chịu thuế 10%, còn từ dây chuyền sơ chế thì không, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm, dinh dưỡng (EuroCham), cảnh báo việc siết chặt thủ tục hành chính có thể phản tác dụng nếu thiếu hậu kiểm hiệu quả. Dẫn vụ việc Hancofood - Rance Pharma sản xuất sữa giả, ông Uy nhấn mạnh lỗ hổng nằm ở khâu hậu kiểm và đánh giá rủi ro, không phải ở cấp phép.
Quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý
Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú thừa nhận thực trạng “xin – cho” và sự thiếu đồng thuận giữa các bộ, ngành là nguyên nhân khiến việc tháo gỡ vướng mắc gặp khó khăn. Ông nhấn mạnh, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự từ quy định pháp luật, thay vì chỉ giải quyết các vụ việc cá biệt.
|
Ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu rõ ràng: phải cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý trong năm 2025. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp đề xuất sửa đổi các luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch... để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2025. Đối với các vấn đề cấp bách, có thể áp dụng cơ chế đặc biệt thông qua Nghị quyết của Chính phủ.
Để giải quyết tình trạng doanh nghiệp "tự bơi", Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), kiến nghị cần có một cơ chế tiếp nhận và phản hồi định kỳ các phản ánh về thể chế từ cơ quan quản lý.
Kết lại, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, nhấn mạnh: “Một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và khả thi sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”. Sự quyết tâm của hệ thống chính trị đã rõ, vấn đề còn lại là khâu thực thi để nhanh chóng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/go-nut-that-phap-ly-cho-doanh-nghiep-can-quyet-tam-va-hanh-dong-thuc-chat-214843.html
Bình luận (0)