Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gò Tháp tầng tầng văn hóa, lớp lớp khí thiêng

BBK- Gò Tháp là trung tâm của Đồng Tháp Mười và "cái rốn" của Đồng bằng sông Cửu Long. Từ khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm cuối thế kỷ XIX, Gò Tháp là đại bản doanh cuộc khởi nghĩa oai hùng của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn16/05/2025

Cổng khu di tích Gò Tháp
Cổng khu di tích Gò Tháp

Đến khi quân Pháp tái xâm lược, Gò Tháp lại trở thành hạt nhân căn cứ địa kháng chiến của Nam Bộ. Ngoài ra, Gò Tháp còn là di chỉ khảo cổ học quan trọng về nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam hàng ngàn năm trước, đồng thời là địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh, sinh thái thu hút đông đảo du khách bốn phương.

Hương sen Gò Tháp

z6568628076798-59f229e10187ceb930596957c622331c.jpg
Cổng khu di tích Gò Tháp.

Gò Tháp cùng với Hoàng thành Thăng Long là hai di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam. Di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1998 và Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012, đang hướng đến danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO).

Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh có nhiều con đường về với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Chúng tôi đi theo tuyến Quốc lộ 1 về thành phố Tân An, tỉnh Long An rồi chuyển sang Quốc lộ 62 về Gò Tháp thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa, Tân Kiệu của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Gò Tháp gồm nhiều gò nhỏ cùng nằm trên một vùng đất pha cát thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, có độ cao gần 8m so với mực nước biển. Tư liệu khảo cổ cho thấy Gò Tháp không phải là gò tự nhiên mà là gò đất đắp rất công phu. Mang hình ảnh tiêu biểu sắc thái cảnh quan miền Tây Nam Bộ, không gian Gò Tháp bao gồm hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái rừng phát triển mạnh.

Nhận thấy được tầm vóc của di tích Gò Tháp, từ năm 2005 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã cho khoanh vùng bảo vệ, lập phương án quy hoạch tổng thể với tổng diện tích khoảng 300ha, về sau mở rộng diện tích 320ha, gồm nhiều khu vực. Khu trung tâm là nơi bảo tồn văn hóa Óc Eo đã được khai quật, bao gồm các di tích kiến trúc, mộ táng, di tích trưng bày ngoài trời có mái che. Khu văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch có tháp sen, nhà hàng, nhà nghỉ, sân khấu, đua thuyền và các công trình vui chơi giải trí khác. Khu du lịch sinh thái kéo dài từ phía bắc và tây nam, tái tạo bảo tồn hệ sinh thái động vật vùng ngập nước, xây dựng nơi nghỉ dưỡng cùng các trò chơi dân gian. Khu du lịch văn hóa lịch sử tái hiện hình ảnh xưa và nay của Gò Tháp.

z6568628189353-c4da0aed8224d4073c16c116a64e7b0d.jpg
Gò Tháp tầng tầng văn hóa lớp lớp khí thiêng.

Về tín ngưỡng, ngoài chùa Tháp Linh và Thiền viện Trúc lâm Tháp Mười thì khu di tích Gò Tháp còn có miếu thờ Bà Chúa Xứ, một hiện sinh của mẫu thần che chở, bảo bọc cho lưu dân từ thời khai hoang lập ấp. Ban đầu ngôi miếu được xây dựng bằng tre, lá nằm trên nền gò đất có di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo. Năm 1995, ngôi miếu được di dời và xây dựng lại bằng bê tông cốt thép. Đến năm 2014, ngôi miếu được tu bổ, xây dựng thêm phần chánh điện, tả vu, hữu vu, cổng và hệ thống cây xanh, bồn hoa để đáp ứng nhu cầu cúng viếng, tham quan của người dân và du khách.

Hằng năm, cùng với ngày rằm tháng 11 âm lịch tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, ngày Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch ở Gò Tháp thực sự là hai lễ hội lớn mang đậm nét văn hóa dân gian với những tiết mục múa hát, trò chơi, đờn ca tài tử, múa bóng rỗi, ẩm thực, trưng bày triển lãm… Được một lần về đây tắm mình trong lễ hội giữa hương sen thơm ngát, chúng ta như được sống trong hào khí, đức tin của cha ông thời khẩn hoang mở cõi và dấn thân chống giặc ngoại xâm để bảo vệ từng tấc đất cho dòng giống Lạc Hồng.

Độc đáo di chỉ văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam

Vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, những nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm đến Gò Tháp của Đồng Tháp Mười để tìm hiểu. Người đầu tiên là Silvestre, một quan chức thanh tra đến đây từ năm 1869. Kế đó là học giả Lajonquière. Về sau, khoảng năm 1930- 1940 là các nhà khoa học H. Parmentier, J.Y. Claeys, L. Malleret. Họ lần lượt thăm dò, thám sát, phát hiện nhiều dấu tích gạch ngói, tượng thờ, bia đá, kiến trúc cổ, văn tự cổ khắc trên đá. Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu họ đi tới nhận định Gò Tháp là một trung tâm tôn giáo quan trọng của Vương quốc Phù Nam từ gần 1.500 trước.

Đến năm 1983, các nhà khảo cổ học Việt Nam phối hợp với ngành văn hóa địa phương bắt đầu thăm dò, khảo sát, điều tra rồi tiến hành nhiều đợt khai quật khu di tích Gò Tháp. Những năm 1984 - 1998, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, về sau đổi thành Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đồng Tháp đã thăm dò, khai quật đợt đầu tiên, phát hiện những đền thờ tôn giáo, tượng Phật, tượng thần Hindu bằng gạch đá cùng hơn 300 mảnh vàng, đá quý, thủy tinh với những hình vẽ mang hình ảnh thần linh.

Các nhà nghiên cứu xác định đây là di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, trong đó có những công trình kiến trúc là đền thờ các vị thần của Hindu giáo.

z6568628332505-f88df5e395d5bf46793d5e32e04e8c29.jpg
Tượng thần Vishnu của văn hóa Óc Eo – Báu vật quốc gia.

Mỗi lần khai quật đã phát hiện thêm nhiều di vật quý, mang lại nhận thức mới và chứng minh rõ hơn về nguồn gốc, vị thế của di tích Gò Tháp. Gần đây, trong lần khai quật lần thứ 4 vào năm 2021 ở Gò Tháp, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Khảo cổ thực hiện, đã phát lộ thêm 17 di tích gồm: Dải gạch xây nghiêng, nền gạch kiến trúc, tường gạch kiến trúc, cột gỗ, hố cột và các dải gạch đầm nền. Ngoài ra còn phát hiện rất nhiều di vật gồm nhiều loại hình như: gạch, đá, đồ gốm đất nung, đồ gốm men, mảnh tô… đã đóng góp thêm số lượng lớn nguồn sử liệu vật thật cho công tác nghiên cứu.

Trong số các bia đá mang nội dung phản ánh về Vương quốc Phù Nam, có một tấm bia (ký hiệu K5) được các nhà khoa học định niên đại vào thế kỷ V, với nội dung văn bia thấm đượm tinh thần Hindu giáo và cho biết chính nơi đây là vùng đầm lầy do vua Phù Nam Jayavarman chinh phục rồi phong cho con trai là Gunavarman cai quản.

Đến nay, khu di tích Gò Tháp có các dấu tích lớn từ các di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo gồm hơn 10 đền thần với hai loại hình là đền có mái che và đền ở ngoài trời không có mái che.

Theo kết quả nghiên cứu của PGS-TS Đặng Văn Thắng thì đền ở ngoài trời không có mái che là đền xây đơn giản bằng gạch, có trụ giới ở trung tâm xây dưới mặt đất, bên trong có vàng khắc hình các vị thần, như Đền thần Mặt trời phía nam chùa Tháp Linh, Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười, Đền thần Shiva Gò Minh Sư, Đền thần Mặt trời Gò Bà Chúa Xứ. Còn đền có mái che được xây bằng gạch vữa là đất sét trộn cát mịn bên trên có đặt các tượng thần Ấn giáo bằng đá, như Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười, Đền thần Shiva Gò Minh Sư…

Trong số các hiện vật văn hóa Óc Eo được phát hiện có hai tượng thần Vishnu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngày 15 tháng 7 năm 1998, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai pho tượng nhỏ còn nguyên vẹn này khi khai quật di tích Gò Tháp Mười. Vishnu là thần bảo tồn, một trong ba vị thần quan trọng nhất của Hindu giáo, được ví là “vị thần bao trùm tất cả”. Hai pho tượng là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và là cơ sở khoa học thuyết phục nhất để các nhà khảo cổ học xác định di tích kiến trúc cổ Gò Tháp Mười là đền của thần Vishnu thuộc nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam xưa chứ không phải chỉ là mộ táng như từng có ý kiến trước đó.

Đền thần Vishnu được cư dân cổ Phù Nam xây dựng, trùng tu, tôn tạo và sử dụng vào đời sống tín ngưỡng, lễ hội trong một thời gian dài, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII. Xung quanh ngôi đền Vishnu Gò Tháp Mười các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều di tích khác, như Ao thần, sân lễ hội trước đền và các con đường quanh đền. Trong số bốn kiến trúc Ao thần được phát hiện ở Gò Tháp thì có đến ba Ao thần nằm xung quanh Gò Tháp Mười. Theo nhà nghiên cứu Võ Thị Huỳnh Như, Ao thần là công trình thường thấy trong các kiến trúc Hindu giáo, để chứa nước sinh hoạt và phục vụ nghi lễ tôn giáo.

Ở nước ta, Ao thần từng được phát hiện tại Long An, Tây Ninh nhưng là dạng bàu nước đào sâu xuống đất chứ chưa có công trình nào được xây bằng gạch, kết cấu chắc chắn như các Ao thần ở Gò Tháp. “Đối với những người theo Hindu giáo, nước mà cụ thể là nước thiêng là một yếu tố quan trọng giúp họ có thể tiếp xúc với thế giới thần linh. Trước khi làm lễ, các tín đồ cần nước để tẩy đi những dơ bẩn của trần tục, để con người có thể bước qua những hàng rào đến với vùng đất của các thánh thần”, nhà nghiên cứu Võ Thị Huỳnh Như cho biết trong bài Ao thần Gò Tháp.

Các nhà địa chất từng nhận định, trong giai đoạn Holocen muộn, tức khoảng từ 3.000 năm trước đến ngày nay, có một đợt biển tiến quy mô nhỏ ở đồng bằng Nam Bộ. Đây là biển tiến Holocen IV vào khoảng từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XII, mà vào giữa thế kỷ VII mức nước cao trung bình là 0,8m. Kết quả thực tế chứng minh tại Gò Tháp cho thấy, trên bề mặt các di tích kiến trúc xuất hiện trong hố khai quật đều có phủ một lớp cát biển màu trắng dày từ 10 - 25cm. Biển tiến chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của Vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo.

Từ di sản quá khứ, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp ngày nay hội tụ ba loại hình: Di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng. Những kết quả khảo cổ học đã trở thành chỉ dấu vô cùng quan trọng về các phương diện lịch sử, chính trị, xã hội, tôn giáo, kinh tế, nghệ thuật của nền văn minh rực rỡ Vương quốc Phù Nam từ hàng ngàn năm./.

Nguồn: https://baobackan.vn/go-thap-tang-tang-van-hoa-lop-lop-khi-thieng-post70639.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm