Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Góp phần gìn giữ điệu Khắp cọi cho quê hương

Ở xã Mường Lai, tỉnh Lào Cai, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn được biết đến là người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Tày, đặc biệt là Khắp cọi. Không chỉ đóng góp trong việc truyền dạy, lưu giữ văn hóa dân tộc, ông còn xây dựng, củng cố và phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai23/07/2025

Khi lời hát “Ơi lả ơi” của làn điệu Khắp cọi vang lên bởi chất giọng trầm bổng, luyến láy, người dân trong bản ai cũng nhận ra giọng hát của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn. Cốt cách và niềm đam mê văn hóa dân tộc Tày của nghệ nhân chính là một phần “đặc sản” của mảnh đất Mường Lai anh hùng. Nghệ nhân Hoàng Quang Nhạn đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân gian, trong đó có làn điệu Khắp cọi.

bia-3.jpg

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn chia sẻ: “Khi mới lớn, tôi thường theo những người lớn tuổi trong làng nghe người cao niên hát Khắp, hát giao duyên. Tôi thấy rất hay, chỉ mong sao mình cũng biết hát như thế. Về nhà, tôi tự tập hát và nhờ các cụ trong làng chỉnh sửa, uốn nắn...”.

Cũng bởi sự sâu sắc trong lời ca mà Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn luôn cố gắng gìn giữ Khắp cọi. Ông dày công sưu tầm các bài hát, nghiên cứu từ cách hát, nghệ thuật hát, cách làm nhạc cụ và cách kết hợp với lời hát. Những tinh túy của Khắp cọi được ông lĩnh hội, rồi tỉ mỉ ghi chép vào những cuốn sổ.

Để rồi toàn bộ “kho báu” đặc sắc của văn hóa dân tộc Tày đã được lưu giữ giữa muôn vàn khó khăn của dòng chảy thời gian. Những cuốn sách có hơn 300 bài hát Khắp, hát Lượn, hát Bụt, hát Then, hát Quan làng được sưu tầm, chắp bút và viết lên bằng trái tim của nghệ nhân…

“Trong dân gian chỉ lưu truyền các bài hát bằng miệng thôi, không có sách, vở ghi chép lại. Tôi nghĩ, nếu không lưu giữ thì hát Khắp sẽ bị mai một nên đã cố gắng sưu tầm, ghi chép lại để truyền dạy cho con cháu”, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn bày tỏ.

Với mong muốn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, khi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn đã thành lập Câu lạc bộ những người yêu tiếng hát Khắp cọi. Câu lạc bộ sinh hoạt vào chiều thứ 7 hằng tuần.

Nhờ sự nhiệt tình lan tỏa tình yêu văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn và sự “tiếp sức” từ chính quyền địa phương, các câu lạc bộ dạy hát Khắp cọi dần được mở rộng từ thôn bản đến trường học.

anh-ghep-2.png

Bà Chu Thị Sinh - người dân xã Mường Lai cho biết: “Khắp cọi được ví như hơi thở, như tâm hồn của bà con dân tộc Tày nơi đây. Chúng tôi rất mê hát, có thể hát khi đang lao động, sản xuất, trong các buổi sinh hoạt tại cộng đồng và biểu diễn trong những hội nghị được tổ chức tại địa phương”.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn - người đã góp phần làm cho “dòng suối” dân ca nơi đây chảy mãi cùng năm tháng. Ai từng được nghe lời hát Khắp, hát Then, nhất là từ giọng hát trữ tình, sâu lắng của “nghệ nhân già” này sẽ giữ trong lòng ấn tượng khó quên về những làn điệu thiết tha, đằm thắm để những câu hát được chắp cánh bay cao, vang vọng nơi núi rừng xanh thẳm.

Cuối năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” (tên gọi khác là lượn cọi, lượn khắp) của người Tày huyện Lục Yên và huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái cũ) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguồn: https://baolaocai.vn/gop-phan-gin-giu-dieu-khap-coi-cho-que-huong-post649520.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm