Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính và hạ tầng chính sách phù hợp với thực tiễn.
Phóng viên: Theo Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đâu là những điểm sáng và thách thức lớn nhất của Việt Nam trong tiến trình phát triển tài chính xanh?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có những bước tiến tích cực trong lĩnh vực phát triển bền vững và tài chính xanh. Báo cáo Nền Kinh tế Xanh Đông Nam Á 2025 do Bain & Company, GenZero, Google, Standard Chartered và Temasek phối hợp thực hiện cho thấy Việt Nam cùng các quốc gia như Indonesia, Singapore và Thái Lan đều đã đưa ra các mục tiêu mới về giảm phát thải doanh nghiệp, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển bền vững cụ thể.
Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện khung chính sách thông qua chiến lược quốc gia, nhằm giải quyết các vấn đề về thích ứng biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững cho tới thị trường carbon. Tham gia vào các sáng kiến khu vực như Cộng đồng Không phát thải châu Á (AZEC) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với mục tiêu chung của khu vực.
Một bước tiến quan trọng trong năm 2024 là cập nhật Kế hoạch Quốc gia thích ứng (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050), với trọng tâm là ứng phó với các thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển đầy ý nghĩa, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là việc biến các chính sách thành hành động cụ thể, cần sự kiên trì và hợp tác chặt chẽ trong khu vực để đạt được kết quả thực chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh AZEC lần thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị liên quan tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. (Ảnh: VGP)
Phóng viên: Để Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là hiện thực hóa các cam kết Net Zero, theo bà, những chính sách ưu tiên nào cần được Chính phủ chú trọng trong giai đoạn tới?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Theo tôi, trước tiên chúng ta cần bảo đảm sự rõ ràng và nhất quán trong các chính sách về khí hậu, định giá carbon, lộ trình giảm phát thải. Việc định giá carbon thông qua các cơ chế như giao dịch phát thải carbon sẽ tạo động lực rõ ràng để các tổ chức giảm phát thải, từ đó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đồng bộ hóa tiêu chuẩn khu vực về tín chỉ carbon, minh bạch thông tin, hợp đồng mua bán điện…nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, đầu tư và phát triển các sản phẩm tài chính bền vững quy mô lớn.
Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Quyết định 21/2025/QĐ-TTg quy định về tiêu chí môi trường và xác nhận đầu tư dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh, việc triển khai hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế sẽ góp phần quan trọng thu hút nguồn vốn quốc tế.
Phóng viên: Việc huy động vốn quốc tế cho các dự án xanh và thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn. Theo bà, đâu là những yếu tố cốt lõi để Việt Nam có thể thu hút dòng vốn này một cách hiệu quả, đặc biệt với khối tư nhân?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Muốn huy động được vốn hiệu quả, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố:
Thứ nhất, phải bảo đảm tính minh bạch, uy tín trong công bố thông tin bền vững. Việc hỗ trợ chính sách khuyến khích nhiều công ty hơn nữa bắt đầu cải thiện chất lượng, khả năng so sánh và độ tin cậy của các công bố và báo cáo về tính bền vững trong ngắn hạn sẽ góp phần đáng kể vào việc huy động vốn quốc tế. Điều này có thể đạt được bằng cách thống nhất các tiêu chuẩn và khuôn khổ công bố thông tin, đồng thời lồng ghép các rủi ro về tính bền vững vào khuôn khổ kế toán toàn cầu.
Tại Standard Chartered, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp quan tâm đến việc tích hợp Khung ESG/hoặc đưa ra các quyết định trong hoạt động kinh doanh thông qua dịch vụ tư vấn ESG.
Thứ hai, phải tích hợp rủi ro khí hậu vào hệ thống quản trị doanh nghiệp, coi đó là yếu tố then chốt trong khả năng phục hồi hệ thống.
Thứ ba, để đạt thành công dài hạn, chúng ta cần xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn và năng lực nghiên cứu về tài chính bền vững.
Standard Chartered hỗ trợ các doanh nghiệp quan tâm đến việc tích hợp Khung ESG/hoặc đưa ra các quyết định trong hoạt động kinh doanh thông qua dịch vụ tư vấn ESG.
Phóng viên: Standard Chartered đã và đang có chiến lược cụ thể như thế nào để hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển tài chính bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh và các mục tiêu Net Zero? Bà có thể chia sẻ rõ hơn về các ưu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Chúng tôi cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là một phần trong mục tiêu năm 2050, ngân hàng cam kết huy động 300 tỷ đô la tài chính bền vững tới năm 2030 và chúng tôi đang tích cực phối hợp với các khách hàng để giúp họ đạt được mục tiêu về khí hậu. Chúng tôi đặt mục đạt 1 tỷ đô la doanh thu từ tài chính bền vững vào năm 2025, bao gồm cả các giao dịch tài chính chuyển đổi. Năm 2024, chúng tôi đã báo cáo thu nhập từ tài chính bền vững đạt 982 triệu đô la Mỹ, theo đúng lộ trình để đạt được mục tiêu năm 2025.
Tại Việt Nam, chúng tôi tập trung vào việc huy động nguồn vốn tư nhân cho các ngành đang trong quá trình chuyển đổi, góp phần thực hiện Thỏa thuận JETP cũng như phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Năm 2024, Ban Thư ký JETP và các đối tác quốc tế đã lựa chọn tám dự án triển vọng để huy động nguồn lực và triển khai, trong đó ba dự án đã đạt được những tiến triển đáng kể. Giữa tháng 5 năm 2025, Bộ Công Thương (MOIT) đã gửi 25 đề xuất dự án đến Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) và Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải Net Zero (GFANZ) để xem xét. Cùng với MOIT, các đối tác IPG và các thành viên GFANZ sẽ lựa chọn những đề xuất dự án phù hợp nhất cho JETP. Kết quả sẽ sớm được chia sẻ với các chủ dự án, tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận và đàm phán tiếp theo. Chúng tôi rất mong đợi kết quả, dự kiến sẽ dẫn đến những bước tiến đột phá.
Standard Chartered cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phóng viên: Trong các chương trình hợp tác về thị trường carbon tại Việt Nam, Standard Chartered đóng vai trò ra sao? Bà đánh giá thế nào về triển vọng thị trường tín chỉ carbon Việt Nam trong mối liên kết với các nước khu vực ASEAN?
Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) từ năm 2023, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt về thị trường carbon tự nguyện thông qua hợp tác với Climate Impact X.
Việt Nam hiện có cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào Khung chung Carbon ASEAN (ACCF), kết nối với các thị trường phát triển trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan. Việc tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế như Verra, Gold Standard, CCP/IC VCM sẽ giúp tín chỉ carbon Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư quốc tế, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu khí hậu.
Bằng cách củng cố khuôn khổ chính sách, tăng cường hợp tác khu vực, tạo điều kiện cho tài chính bền vững và xây dựng thị trường carbon vững mạnh, Việt Nam có thể khai thác nguồn vốn thiết yếu và đẩy nhanh tiến độ. Thành công phụ thuộc vào sự hợp tác liên tục và quyết tâm giữa chính phủ, các tổ chức tài chính và khu vực tư nhân để vượt qua những thách thức phía trước.
Phóng viên: Xin cảm ơn những trao đổi của bà Nguyễn Thúy Hạnh!
Ngày xuất bản: 26/7/2025
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung, Trình bày: PHAN THẠCH
Ảnh: TTXVN, Vecteezy
Nguồn:https://nhandan.vn/special/standard-chartered-viet-nam-tai-chinh-xanh/index.html
Bình luận (0)