GS Huỳnh Văn Chương chia sẻ, chỉ còn đúng 1 tháng nữa sẽ diễn ra Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025. Công tác chuẩn bị đang tiến dần tới những công đoạn cuối, trong đó có việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành. Thời điểm này nếu thí sinh nào còn sai sót thông tin, sẽ vẫn được tạo điều kiện tối đa để ngày 11/6 hoàn thành dữ liệu sắp xếp phòng thi.
Các mốc thời gian cần ghi nhớ: từ ngày 1-6/6, tổ chức rà soát kết quả học tập đồng bộ từ cơ sở dữ liệu ngành; từ 11/6, hoàn thành đánh số báo danh, xếp phòng thi; từ 26-27/6, tổ chức kỳ thi trên toàn quốc; ngày 13/6 đối sánh dữ liệu kết quả thi và đúng 8 giờ sáng ngày 16/7, công bố kết quả thi cho thí sinh.
Về tổ chức thi, theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, năm nay cùng lúc tổ chức thi cho hai chương trình GDPT 2006 và chương trình GDPT 2018, trong đó dù chương trình 2006 chỉ có 25.000 thí sinh dự thi nhưng qua rà soát cho thấy, hầu hết các địa phương đều phải tổ chức một điểm thi cho thí sinh thuộc diện này. Bộ GD&ĐT lưu ý.
Các hội đồng thi tránh nhầm lẫn trong chỉ đạo, tổ chức thi đồng thời yêu cầu các sở nghiên cứu kỹ quy chế thi của hai chương trình có những điểm mới, khác nhau cơ bản.
![]() |
GS Huỳnh Văn Chương, Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). |
Theo GS Chương, khi tổ chức thi có một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018. Đó là, thí sinh thi theo chương trình 2006, số lượng đề thi trắc nghiệm cần đóng trong mỗi túi là đủ 24 mã đề thi và mỗi đề thi từ 4-5 tờ A4.
Trong khi đó, thí sinh thi theo chương trình GDPT 2018, có thể trong phòng thi có nhiều môn thi, nhất là môn tự chọn và đề thi chỉ in đủ số lượng thí sinh trong phòng thi. Ví dụ, phòng có 10 thí sinh thi môn Vật lý thì chỉ in từ mã 01- 10.
Về công tác coi thi, thí sinh chỉ dự thi môn thi thứ 2 trong bài thi tổ hợp theo chương trình GDPT 2006 phải có mặt trước thời gian thi môn thi 10 phút, thời gian nghỉ giữa 2 môn thi trong bài thi tự chọn/ tổ hợp chương trình cũ là 10 phút trong khi chương trình GDPT 2018, thí sinh phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng chờ vào và thời gian nghỉ giữa 2 môn thi tăng lên 15 phút.
Đề thi thừa, theo chương trình 2006, thư ký thu và lưu lại phòng Hội đồng nhưng với chương trình mới, giám thị chịu trách nhiệm bảo quản tại phòng thi.
Điều đặc biệt, GS Huỳnh Văn Chương lưu ý, thí sinh thi theo chương trình GDPT 2006 được phép mang Atlat vào phòng thi và được sử dụng nhưng chương trình GDPT 2018 thí sinh không được sử dụng Atlat, không được mang vào phòng thi.
"4 đúng" và "3 không"
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trước kỳ thi năm nay, Thủ tướng đã có 2 Công điện gửi các địa phương quán triệt công tác chuẩn bị kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng, không vì sắp xếp chính quyền 2 cấp mà ảnh hưởng tới kỳ thi.
Trong đó, nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi. Phương châm chuẩn bị kỳ thi phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, không để bất cứ nội dung nào không được kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
![]() |
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 26-27/6. |
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đang được gấp rút triển khai và Bộ GD&ĐT không nhận được thông tin phản ánh gặp vướng mắc, khó khăn từ các địa phương.
Đầu tháng 6, các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT sẽ đi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của các địa phương để nắm bắt tình hình. Thành lập 10 đoàn kiểm tra chuyên sâu ở các địa phương, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trước kỳ thi. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các tỉnh.
Cũng theo Thứ trưởng Thưởng, điểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2018 với phương án 2 +2 (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn). Trong đó, đối với môn thi tự chọn trong phòng thi có 2 ca, giữa 2 ca cách nhau 15 phút để học sinh có thời gian nghỉ ngơi. Nội dung này được Bộ GD&ĐT thực nghiệm ở nhiều địa phương trước khi áp dụng.
Về vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trong và ngoài phòng thi, phòng chống gian lận thi năm nay cũng được Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng. Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Công an tập huấn các nội dung về việc sử dụng thiết bị gian lận thi, trong đó lưu ý các tình huống thí sinh có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để gian lận. Các điểm thi sẽ được rà soát kỹ lưỡng trước và trong kỳ thi nhằm mục tiêu phòng ngừa, không để xảy ra các tình huống.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT quán triệt các Sở GD&ĐT yêu cầu chung là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.
Ông nhấn mạnh quan điểm "4 đúng" và "3 không", trong đó "4 đúng" là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường;
"3 không" là: không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
"Chúng ta phải lường trước mọi tình huống có thể xảy ra. Khi có sự cố xảy ra, phải xử lý theo quy chế trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Cán bộ coi thi tuyệt đối không tự sáng tạo để xử lý các tình huống bất thường mà phải xin ý kiến của Hội đồng thi”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các Sở GD&ĐT về công tác chuẩn bị tổ chức thi.
Nguồn: https://tienphong.vn/gs-huynh-van-chuong-luu-y-nhung-diem-khac-nhau-giua-hai-chuong-trinh-thi-tot-nghiep-thpt-post1745962.tpo
Bình luận (0)