Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách cụ thể như: Di dân thoát khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở núi đến ổn định chỗ ở mới, giúp cây trồng, vật nuôi, người dân đã tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, phát triển bền vững.
Ông Lê Hùng Lam – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện Nghị định số 28/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, đồng bào DTTS đã được vay vốn ngày càng nhiều. Cùng với đó, quyết tâm thoát nghèo vươn lên khá giả nên bà con đã đầu tư các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại thôn 5, xã Phước Đức (huyện Phước Sơn), vợ chồng bà Triệu Thị Thảo (49 tuổi), dân tộc Nùng, cho biết, lúc đầu lập nghiệp ở vùng đất này chủ yếu là rừng núi, dân cư thưa thớt dẫn đến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2010, gia đình bà Thảo được chính quyền động viên đã vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi heo nái sinh sản và heo thịt. Năm 2019, vợ chồng bà vay thêm 30 triệu đồng đầu tư chuồng trại phát triển đàn gia cầm hơn 100 gà mái cho ấp nở, bình quân mỗi tháng cho ra 1.200 – 1.500 gà con, nuôi hơn 600 con vịt giống, phát triển đàn heo rừng lai giống, trồng hơn 3ha cây keo… giúp mỗi tháng thu về 14 – 15 triệu đồng.
“Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thuộc Chương trình MTQG 1719, không chỉ hạ tầng ở địa phương được đầu tư xây dựng đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa mà người dân còn được hướng dẫn và tham gia các lớp tập huấn về khoa học – kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên bà con chúng tôi tự tin làm ăn để thoát nghèo vươn lên khá giả” – bà Thảo cho biết.
Ông Vũ Đình Cuối – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn cho biết, nhờ các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước những năm gần đây đã giúp đồng bào địa phương ổn định đời sống, cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững. Do đó, ở huyện Phước Sơn, qua thống kê, sau 5 năm triển khai thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ III, có hàng nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Như hộ ông Nguyễn Đăng Quyết, ở thôn 2 (xã Phước Năng, huyện Phước Sơn), với mô hình chăn nuôi vịt giống; hộ A Xia, ở thôn Lao Đu (xã Phước Xuân) trồng vườn keo kết hợp chăn nuôi trâu lấy thịt; hộ ông Hồ Văn Trường, ở thôn 1 (xã Phước Chánh) đầu tư mở rộng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc… cho thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Thông qua các mô hình sinh kế hiệu quả, nhất là sau thời gian triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Chỉ thị số 27 của Huyện ủy Phước Sơn, bên cạnh các mô hình đầu tư phát triển sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ dân địa phương, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS đã đầu tư phát triển dịch vụ nông nghiệp mua bán hàng nông sản, ươm cây giống, chế biến chuối khô, quế ống, thịt heo đen hun khói và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp giúp giải quyết được lao động tại chỗ, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng miền núi…
“Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS, chúng tôi liên kết với các ngân hàng tăng cường hỗ trợ vốn vay, giúp người dân có cơ hội cũng như điều kiện phát triển kinh tế, ổn định định cuộc sống. Hàng năm chúng tôi phối hợp tổ chức các lớp học nghề; tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm, cách chăm sóc cây trồng, con vật nuôi hiệu quả” – ông Vũ Đình Cuối nói.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ho-tro-nguoi-dan-vung-kho-vuon-len-thoat-ngheo-10292715.html