Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời (năm 195 TCN), Thái tử Lưu Doanh - con trai của Cao Tổ và Lã hậu lên ngôi, bà trở thành Hoàng thái hậu. Hán Huệ Đế Lưu Doanh là quân chủ có tấm lòng nhân ái nhưng nhu nhược, phải sống dưới cái bóng của mẹ ruột. Chẳng bao lâu, quyền lực tập trung vào tay Lã thái hậu.
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, sau sự kiện Nhân trư (người lợn), Lưu Doanh đắm chìm trong rượu chè, dâm dật rồi sinh ốm nặng.
Tháng 9 năm 188 TCN, Huệ Đế băng hà, hưởng dương 22 tuổi. Lã thái hậu lập một người con trai của Lưu Doanh lên ngôi, sử gọi là Hán Thiếu Đế - Lưu Cung.
Lưu Cung thực chất là con trai của Hán Huệ Đế với Mỗ thị - một cung nhân của Hoàng đế. Khi Lưu Cung vừa ra đời, Lã thái hậu đã cho người giết chết Mỗ thị, rồi đem ông đến chỗ Trương Hoàng hậu, giả làm con.
Năm ấy, Trương Hoàng hậu mới 14 tuổi, lại là cháu ruột của Hán Huệ Đế nên không chung chăn gối, cũng không có con. Trương Hoàng hậu bị Lã thái hậu ép giả mang thai trong lúc Mỗ thị có bầu, sau đó hợp thức danh phận của Lưu Cung.
Nhờ đó, Lưu Cung trở thành trưởng tử của Hán Huệ Đế và Trương Hoàng hậu, được phong làm Thái tử.
Khi Hán Huệ Đế băng hà, Lưu Cung lên ngôi khi mới 5 tuổi. Có rất ít tài liệu ghi chép về cuộc đời và tính cách của ông. Bởi thời gian tại vị, ông còn quá trẻ tuổi, chỉ là bù nhìn của Lã thái hậu - người đích thân cai quản triều chính nhà Hán.
Khoảng thời gian đó, Lã Thái hậu công khai nắm quyền mà không cần kiêng dè Hoàng đế. Quy cách của bà y hệt Hoàng đế, trong chiếu thư toàn tự xưng là Trẫm. Lưu Cung hoàn toàn không có thực quyền.
Khoảng năm 184 TCN, Lưu Cung lên 9 tuổi, biết được sự thật về xuất thân của mình, bao gồm việc mẹ ruột Mỗ thị bị Lã Thái hậu sát hại. Lúc này, ông sinh lòng căm phẫn, có ý định lớn lên sẽ phế truất Lã thái hậu rồi giam vào lãnh cung, trả thù cho mẹ.
Không may, chuyện chưa thành đã đến tai Lã Thái hậu. Nghe vậy, bà nổi giận, bí mật sai người giam Hán Thiếu Đế trong Vĩnh Hạng cung, công bố ra bên ngoài là ông bị bệnh loạn thần kinh, không thể gặp ai.
Lã Thái hậu cho truyền tin Thiếu Đế không còn khả năng cai quản triều chính, cần tìm người kế ngôi. Các quan trong triều biết chuyện cũng không thể ngăn cản, đành nghe theo. Cuối cùng, Thiếu Đế bị bỏ chết trong cung mà không có người thương tiếc.
Ngày 15 tháng 6 năm 184 TCN, Hán Thiếu Đế qua đời khi mới 9 tuổi, sau gần 4 năm trị vì. Em trai ông là Lưu Nghĩa, sau đó đổi tên thành Lưu Hồng được Lã Thái hậu đưa lên kế vị, trở thành Hán Thiếu Đế thứ 2.
Cuộc đời ngắn ngủi của Lưu Cung không để lại dấu ấn đậm nét trong sử sách. Ông bị coi là vị Hoàng đế bù nhìn của Lã Thái hậu nên thường bị loại khỏi danh sách chính thức của các vị Hoàng đế nhà Hán.
Để phân biệt với Lưu Hồng, các vị sử gia đời sau tôn trọng đặt cho ông thụy hiệu là Hán Tiền Thiếu Đế, Lưu Hồng là Hán Hậu Thiếu Đế.
Tương tự Lưu Cung, vị Hoàng đế mới lên ngôi - Lưu Hồng cũng không thể thoát khỏi bàn tay kiểm soát của Lã Thái hậu.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hoang-de-nha-han-5-tuoi-len-ngoi-me-ruot-bi-ba-noi-ham-hai-1369319.ldo
Bình luận (0)