Dưới thời Hán Cao Tổ Lưu Bang - Lã Hoàng hậu là người phụ nữ quyền lực nhất khi góp sức giúp chồng trị vì đất nước, tạo uy thế trước quần thần. Bà cũng lập mưu củng cố ngôi vị Thái tử của Lưu Doanh, giúp con trai thuận lợi đăng cơ khi Hoàng đế băng hà.
Tuy nhiên, cũng chính sự độc đoán, tàn bạo của Lã Hoàng hậu - sau này là Lã Thái hậu, đã khiến cuộc đời của Lưu Doanh rơi vào bi kịch. Ông là Hoàng đế nhưng không có thực quyền, ngay cả Hoàng hậu của mình cũng do Lã Thái hậu định đoạt.
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, Hoàng hậu duy nhất của Hán Huệ Đế Lưu Doanh là Trương thị, quê ở huyện Ngoại Hoàng, quận Đãng (nay thuộc Dân Quyền, Thương Khâu, Trung Quốc). Cha bà là Trương Ngao, không rõ mẹ là ai.
Tuy nhiên, theo sách "Hán thư: Ngoại thích truyện", Trương thị là con của Triệu vương Trương Ngao và Lỗ Nguyên công chúa - cũng chính là chị gái ruột cùng cha cùng mẹ của Lưu Doanh.
"Sử ký" không ghi rõ tên thật của Trương thị, nhưng "Sử ký tác ẩn" của Tư Mã Thiên và một số sử sách khác đều ghi khuê danh của bà là Trương Yên. Xét về vai vế, bà là cháu ngoại của Hán Cao Tổ và Lã Thái hậu, gọi Hán Huệ Đế Lưu Doanh bằng cậu ruột.
Tuy nhiên, để quyền lực không rơi vào tay người ngoài, năm 192 TCN, Lã Thái hậu đã ép Hán Huệ Đế phải kết hôn với cháu gái ruột. Khi đó, Trương Hoàng hậu mới 10 tuổi.
Thời điểm kết hôn, Trương Hoàng hậu còn nhỏ tuổi nên bà và Hán Huệ Đế không chung chăn gối, bà cũng không sinh được con nối dõi.
Không lâu sau, Mỗ thị - một cung nhân của Hán Huệ Đế có long thai. Lã Thái hậu bèn giả truyền tin Trương Hoàng hậu cũng có hỷ mạch.
Ngày Hoàng tử ra đời, Thái hậu cho người giết chết Mỗ thị, mang cháu nội sơ sinh đến chỗ Trương Hoàng hậu, giả là Hoàng hậu hạ sinh. Đó là Hoàng tử Lưu Cung, sau này được phong làm Thái tử.
Lúc ấy, Hán Huệ Đế biết rõ sự việc, thống hận Thái hậu nhẫn tâm nhưng không thể làm gì, càng thêm u uất. Cộng thêm sự kiện Nhân trư (người lợn), Hoàng đế lâm bệnh nặng rồi băng hà khi mới 22 tuổi. Thái tử Lưu Cung kế vị, sử gọi là Hán Tiền Thiếu Đế.
Lã Thái hậu không nhận danh vị là Thái hoàng Thái hậu mà vẫn là Lã Thái hậu. Do đó, Trương Hoàng hậu lúc này không được tôn làm Thái hậu, mà được gọi theo thụy hiệu của Hán Huệ Đế, tức là Hiếu Huệ Hoàng hậu.
Năm 184 TCN, Lưu Cung đã lớn, biết Trương Hoàng hậu không phải mẹ ruột mình, Mỗ thị đã bị giết hại thì đem lòng oán hận, muốn tìm cách báo thù. Tuy nhiên, Lưu Cung chưa kịp ra tay đã bị Lã Thái hậu phát hiện, cho người giam tại Vĩnh Hạng cung rồi tìm cách phế truất.
Lã Thái hậu lập một người con khác của Huệ Đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa lên ngôi, tức Hán Hậu Thiếu Đế. Lưu Cung bị âm thầm sát hại, Lã Thái hậu tiếp tục nắm quyền triều chính. Thời gian này, sử sách không ghi chép nhiều về Trương Hoàng hậu.
Năm 180 TCN, Lã Thái hậu qua đời. Các đại thần Trần Bình và Chu Bột tạo chính biến lật đổ họ Lã, khôi phục lại hoàng vị cho họ Lưu, lập con thứ của Hán Cao Tổ là Lưu Hằng lên ngôi, tức là Hán Văn Đế.
Khi họ Lã bị truy sát, Trương Hoàng hậu may mắn không bị xét đến, một phần vì Hán Văn Đế niệm tình bà cũng là cháu gái mình. Thế nhưng, bà cũng bị đẩy đến ở Bắc cung - một nơi cách xa hoàng thất.
Trương Hoàng hậu sống cô quạnh tại đó khoảng 17 năm, cho đến cuối đời. Năm 163 TCN, Trương Hoàng hậu qua đời, thọ khoảng 40 tuổi. Triều đình không phát tang quy mô, chỉ lặng lẽ đem kim quan của bà hợp táng với Hán Huệ Đế tại An lăng, nhưng không lập mộ.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hoang-hau-nha-han-lay-cau-ruot-nam-10-tuoi-ca-doi-co-quanh-1368036.ldo
Bình luận (0)