Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàng thành Thăng Long - Dấu ấn vàng son của dân tộc

Dù không thể nhớ rõ bao nhiêu lần đặt chân đến trái tim của đất nước - Thủ đô Hà Nội, nhưng lại vô tình “lỡ hẹn” với Hoàng thành Thăng Long… nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ, chúng tôi - những người làm báo Đảng địa phương cùng nhau hội ngộ và tổ chức dâng hương, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, khám phá những câu chuyện lịch sử hào hùng và cảm nhận sâu sắc linh hồn thiêng liêng của đất nước.

Báo Bắc NinhBáo Bắc Ninh22/04/2025

Có lẽ chúng ta, ai cũng biết 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, chính là “đất Thăng Long” trong lời thơ ấy - hiện thân của Thăng Long nghìn năm. Chính vì vậy, hôm đó chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến dòng người tấp nập đến tham quan, đủ để thấy rõ sự nổi tiếng và sức hấp dẫn mạnh mẽ của di tích lịch sử này. Mới hơn 8 giờ sáng, khu vực đã đông đúc, ai cũng mong muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của cung điện xưa, nơi đã chứng kiến bao trang sử oai hùng của dân tộc. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, chúng tôi cùng nhau dâng hương, tưởng nhớ các bậc tiên đế, những vị anh hùng và các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước. Trong lòng tôi, không khỏi bồi hồi khi nhớ lại sự hy sinh oai hùng của hai vị Tổng đốc Hà Nội - Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - những người đã không một chút dao động hay sợ hãi trước sự xâm lăng của ngoại bang. Bất chợt, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang vọng trong tâm trí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.” Tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long, càng thêm kính trọng những giá trị lịch sử vô giá của nơi đây. Từ thời vua Lý Thái Tổ, Hoàng thành Thăng Long đã được chọn làm kinh đô của Đại Cồ Việt và tiếp tục là thủ đô của các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng suốt 750 năm. Kinh thành Thăng Long được xây dựng với ba vòng thành: vòng ngoài cùng là La thành, bao quanh các con đường như Đại Cồ Việt, Đê La Thành, Bưởi... Vòng thành thứ hai là Hoàng thành và ở giữa là nơi sinh sống và buôn bán của người dân. Lớp thành trong cùng là Cấm thành, nơi sinh sống và làm việc của vua cùng hoàng tộc. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã phá hủy những tường thành này, chỉ còn lại những di tích như Cửa Bắc, Đoan Môn, Hậu Lâu, và Cột cờ Hà Nội...

Đoàn tham quan tại cổng Đoan Môn.

Sau thời gian dài bị vùi lấp, khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phát lộ vào năm 2002, khi các nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát địa tầng để chuẩn bị cho dự án xây dựng hội trường Quốc hội. Khi đó một trong những bài viết “Di sản trước đầu máy xúc: Kể chuyện phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long” khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Tâm huyết và sự kiên nhẫn của các nhà khảo cổ trong hành trình khai quật, mặc dù đối mặt với nhiều thử thách, thực sự xứng đáng với những giá trị vô cùng quý giá mà họ mang lại. Ngày nay, qua những hiện vật như đầu rồng, đầu phượng ngậm ngọc, lá đề, các linh vật bằng đất nung trang trí trên các nóc cung điện, đền đài, và những chân đế đá chạm khắc tinh xảo được khai quật lưu giữ, có thể hình dung ra một không gian tráng lệ của kinh thành xưa. Đặc biệt, những đồ gốm sứ như bát, thạp, đĩa mang hình rồng - biểu tượng thiêng liêng của phương Đông, từng chỉ dành cho vua chúa sử dụng, càng khiến tôi trân trọng giá trị văn hóa này. Và một hiện vật đặc biệt khiến những người làm báo chúng tôi vô cùng ấn tượng là chiếc loa gốm men nâu, được chế tác vào thời nhà Trần. Loa được trang trí với hoa văn tinh xảo, phủ men nâu và khắc chìm những họa tiết tinh tế. Chiếc loa này gợi nhớ đến công tác tuyên truyền, kêu gọi tòng quân, đoàn kết quân dân, một yếu tố then chốt dẫn đến chiến thắng trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn bờ cõi giang sơn. Anh Nguyễn Quỳnh - đồng nghiệp ở Báo Hưng Yên bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em đến Hoàng thành Thăng Long. Điều khiến em ấn tượng nhất là chiếc loa từ thời nhà Trần và  rất nhiều di vật tinh xảo, được làm từ đá và đất nung, được bảo tồn khá nguyên vẹn qua các thời kỳ. Là một người yêu thích lịch sử, em vô cùng xúc động và tự hào khi được chiêm ngưỡng những dấu tích văn hóa cổ xưa này.” Cùng gia đình trải nghiệm tại Hoàng thành, anh Trần Mạnh Dũng, ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Hoàng thành Thăng Long là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử sâu sắc của quá trình xây dựng và bảo vệ kinh đô. Tôi muốn đưa con mình đến đây trong dịp xuân để vừa giải trí, vừa học hỏi về những nét văn hóa truyền thống, giúp cháu yêu quê hương, yêu đất nước hơn.” Được trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long trong dịp đầu xuân mới, không gian nơi đây càng trở nên thiêng liêng và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đến đây, không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, mà còn là dịp để cảm nhận sâu sắc tinh thần hào hùng của những ngày tháng lịch sử khi Hà Nội vượt qua gian khó. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với căn hầm nằm trong lòng di sản này, nơi lưu dấu một thời kỳ bi hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây không chỉ là một công trình quân sự vững chắc mà còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân Hà Nội. Căn hầm này được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công từ không quân Mỹ và là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng bảo vệ Thủ đô, góp phần vào chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Hiện nay, căn hầm đã trở thành di tích lịch sử, mở cửa đón khách tham quan, để thế hệ trẻ tìm hiểu về chiến công vĩ đại của dân tộc và tri ân những hy sinh của cha ông. Các hiện vật như máy truyền tin, bản đồ chiến sự, và nhiều đồ vật khác trong hầm vẫn là những minh chứng sống động cho một giai đoạn lịch sử oai hùng. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là niềm tự hào của tất cả những người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới từ năm 2010. Hiện nay mở cửa tất cả các ngày trong tuần, là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích tìm hiểu lịch sử và văn hóa. Nếu bạn chưa từng một lần đặt chân đến đây, hãy dành thời gian để chiêm ngưỡng và cảm nhận giá trị vô giá của di sản này - một kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.

Nguồn:https://baobacninh.vn/hoang-thanh-thang-long-dau-an-vang-son-cua-dan-toc-95336.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm