Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sau sáp nhập: Gần dân, linh hoạt

Sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tại các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập không chỉ là nền tảng của khối đại đoàn kết, mà còn là điều kiện thuận lợi để duy trì hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần người dân một cách linh hoạt, gần gũi và thiết thực.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang23/07/2025

Văn hóa tương đồng, nền móng của sự kết nối

Sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp xã, các địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn, tưởng chừng là thách thức nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại: chính sự tương đồng về dân tộc, ngôn ngữ, phong tục giữa các thôn, bản trong cùng một xã mới đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 5.413/5.873 thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, đạt tỷ lệ 92,2%. Đây không chỉ là con số thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, mà còn cho thấy tầm nhìn về một nền văn hóa cơ sở có chiều sâu và sức sống bền bỉ.

Đồng bào thôn Ma Lé (Lũng Cú) làm bánh dày mừng Lễ công nhận Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu lần 2 năm 2025.
Đồng bào thôn Ma Lé (Lũng Cú) làm bánh dày mừng Lễ công nhận Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu lần 2 năm 2025.

Tại xã Lũng Cú, việc duy trì hoạt động tại các nhà văn hóa được đảm bảo đều đặn. Chị Vương Thị Mai, chuyên viên Phòng Văn hóa, Thể thao và Thông tin của xã cho biết, xã được thành lập từ việc sáp nhập 3 xã gồm Lũng Cú, Lũng Táo, Ma Lé với hơn 15.000 dân, chủ yếu là người Mông, Lô Lô, Giáy. Hiện 31/37 thôn có nhà văn hóa, không gian sinh hoạt quen thuộc, gần gũi của đồng bào.

Ở thôn Lô Lô Chải, dịch vụ homestay phát triển nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ duy trì thường xuyên khoảng 5 buổi/tuần. Còn tại thôn Ma Lé, nơi gần 90% dân số là người Giáy, đội văn nghệ với 32 thành viên thường tổ chức biểu diễn, giao lưu văn nghệ vào dịp cuối tuần. Sau sáp nhập, thôn Ma Lé đã có 3 cuộc giao lưu với các thôn Lèng Sảng, Bản Thùng, Tắc Tằng.

Tự chủ, tự quản

Nhà văn hóa thôn đã được duy trì, phát huy hiệu quả nhờ sự chủ động từ người dân và cán bộ cơ sở. Đồng chí Đặng Thị Tửu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quyết Thắng, xã Sơn Dương cho biết: thôn có 210 hộ, 832 nhân khẩu. Các đội dân vũ, bóng chuyền hơi, dưỡng sinh... duy trì hoạt động sôi nổi, trở thành nhịp sống quen thuộc mỗi buổi chiều.

Tại thôn Tân Phúc cùng xã, Trưởng thôn Nguyễn Phi Phượng thời gian qua đã vận động nhân dân đóng góp trên 320 triệu đồng để cải tạo sân nhà văn hóa rộng 1.000 m2, lắp đèn chiếu sáng, xây 3 sân bóng chuyền hơi, 1 sân cầu lông. Đây thực sự là không gian sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa, nơi gần 1.400 nhân khẩu của 400 hộ dân có thể giao lưu, gặp gỡ, sẻ chia.

Ở khu vực đô thị, bằng sự tâm huyết của cán bộ tổ dân phố càng cho thấy sức sống của nhà văn hóa. Đồng chí Nguyễn Thị Huyền Vân, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Quang 16, phường Minh Xuân chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ là bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, thấy nhà văn hóa xuống cấp, ít người lui tới nên không chờ sự đầu tư từ cấp trên, chị đã họp dân, vận động xã hội hóa gần 160 triệu đồng để cải tạo, mua sắm thiết bị. Giờ đây, nhà văn hóa là điểm hẹn văn hóa, nơi tiếng nhạc, bước nhảy dân vũ vang lên mỗi chiều, nơi mọi lứa tuổi đều tìm thấy niềm vui chung.

Có thể thấy, nhà văn hóa không chỉ là một công trình hạ tầng, mà là thiết chế mang hồn cốt của đời sống cộng đồng. Ở đó, những nét văn hóa bản địa được gìn giữ, các mối quan hệ xóm giềng được bồi đắp, những sáng kiến tự quản được nuôi dưỡng từ chính lòng dân.

     Bài, ảnh: Khánh Vân

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/202507/hoat-dong-nha-van-hoa-thon-to-dan-pho-sau-sap-nhap-gan-dan-linh-hoat-25b6a2c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm