1. Cụ Tình hàng xóm ghé sang nhà tôi, hỏi:
- Ông Khang, ông có số báo Chủ nhật tỉnh ta tuần trước không?
Tôi đáp tiếc quá, hồi này tôi không đặt mua báo ấy rồi, có việc gì thế, cụ?
- Không sao. Để tôi sang cụ Thìn. Cụ Tình nói rồi đi. Hai mươi phút sau, cụ quay lại nhà tôi với tờ báo tỉnh tuần trước trên tay. Và không chỉ có thế. Cụ Tình còn kéo theo cả cụ Thìn. Cụ Thìn cao lểu đểu, trên tay là quyển tự vị Larousse, dày nặng như viên gạch ba banh. Lạ là cả hai đều đang đỏ mặt tía tai.
- Hai cụ có chuyện gì mà xem ra có vẻ gay cấn thế?
Cụ Thìn đặt quyển tự vị tiếng Pháp xuống bàn nước:
- Đây ông Khang xem. Tôi thì tôi cho rằng Vũng Tàu xưa còn có tên Tây là Cap Saint Jacque. Nhưng cụ Tình đây lại cho rằng Cap Saint Jacque là Mũi Thánh Jacque.
- Không chỉ có thế thôi đâu - cụ Tình ngắt lời cụ Thìn: - Tôi xin nói thêm là tôi nhớ có lần văn sĩ Nguyễn Tuân nói rằng: Saint Jacque là tên một loài ốc biển. Và báo Tuổi trẻ số ra ngày 18-8-1991 cũng đã viết Saint Jacque là một loài ốc có khả năng thấu thị trong đêm. Vậy tôi nhờ ông Khang mở quyển tự vị này ra xem thực hư.
Trời ơi! Cả hai cụ tuổi đều đã thuộc cổ lai hy rồi mà còn hăng hái tranh luận về sự đúng sai của một danh từ riêng thì thật đáng khâm phục quá. Tôi cười dàn hòa hai cụ, rồi chuyển làn câu chuyện. Thì cụ Thìn cười:
- Thì hai chúng tôi cũng đang định hỏi ý kiến ông đây. Đây có cái thông báo của Hội Người cao tuổi thành phố đăng trên số báo này. Ông xem đi. Tiếc là tôi vừa đăng ký học lớp dạy đánh đàn tam thập lục, chứ không thì tôi cũng theo cụ Tình.
Tôi cầm tờ báo, đọc lướt bản thông báo. Quả nhiên là có thông báo của Hội Người cao tuổi thành phố: Tháng tới, sẽ mở một lớp tiếng Anh giao tiếp. Đối tượng là những ai yêu thích.
Hơn một lần nữa tôi ngạc nhiên nhìn hai cụ. Cụ Tình kém cụ Thìn 1 tuổi, nhưng cả hai đều đã ngót nghét 80 cả rồi. Ngót nghét 80 rồi còn đi học. Mà lại đi học tiếng Anh, học đánh đàn.
- Tôi tính rồi: Học được cái gì lúc này là lãi cái đó!
Cụ Thìn nói. Cụ Tình thêm:
- Có già mới biết già là quý. Biết sống bao giờ cũng sống vui. Đó là một câu ngạn ngữ của nước ngoài tôi mới học được đấy.
Cụ Tình đi học lớp tiếng Anh thật. Ngày hai buổi một anh xe ôm chở cụ đi về. Nhưng được một tuần thì sáng ấy thấy cụ vẫn ở nhà, tôi vội sang thăm thì hóa ra hôm qua cụ đang trên đường đi thì gặp mưa và bị lên cơn tăng huyết áp.
- Nghỉ một hôm thôi, mai tôi lại đi học tiếp. Lớp học toàn thế hệ con cháu mình. Chỉ có mỗi mình là già. Cụ Tình nói: Nhưng chẳng sao cả. Kể ông nghe: Ông nhà văn phụ trách lớp hỏi tôi. Cụ có tuổi rồi sao còn đi học? Tôi bảo, Socrat, triết gia thời cổ đại Hy Lạp (470 - 399 TCN) về già còn đi học đàn lia. Người ta hỏi: Già rồi học làm gì? Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrat đáp: Để biết đánh đàn lia trước khi chết. Còn Alfred Musset, thi sĩ Pháp nói: Con người là con người suốt đời học tập. Ông nhà văn ôm chầm lấy tôi, nói: Con kính phục cụ. Đam mê học tập là đam mê trong sáng, có tính chất thiên giới và lớn lao, cụ à!
2. Câu chuyện nhỏ biểu hiện lòng ham học hỏi trau dồi hiểu biết trên cứ tưởng chỉ là sự kiện cá biệt mà hóa ra không phải. Thật tình là xung quanh ta, cảnh tượng trẻ, già chăm chỉ học hành nâng cao hiểu biết đã là một hoạt cảnh tưng bừng diễn ra hằng ngày. Tuổi trẻ thì hướng về một tương lai rạng rỡ. Không bao giờ là muộn. Người cao tuổi thì gắng theo kịp sự tiến hóa không ngừng của cuộc sống. Cảm động làm sao khi chứng kiến cảnh các bà, các chị ôm con nhỏ cắm cúi tập viết những dòng chữ đầu tiên. Các cụ già bên cây đèn bàn uốn lưỡi phát âm một từ tiếng Anh. Nô nức thâm nhập vào thế giới khoa học - công nghệ hiện đại thật sự là cảnh sắc của tầng tầng lớp lớp xã hội hôm nay. Tri thức hiện đại đã trở thành khát khao của con người hiện thực trong quang cảnh một xã hội học tập đang được xây dựng. Khuyến học, khuyến tài xuất phát điểm từ một dòng họ, một địa phương đã trở thành một hoạt động phổ biến. Tôi học vì lòng tự trọng, bởi có tự trọng mình thì mới biết trọng người. Tôi học vì căm thù sự dốt nát. Học từ nhà trường. Học từ bạn bè. Và tự học. Tự học là con đường trau dồi thành công nhất của các nhân tài, vĩ nhân. Giáo dục là quốc sách của đất nước. Người Việt ta vốn thông minh và chăm chỉ. Tương truyền Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo, đêm đêm cho đom đóm vào vỏ quả trứng làm đèn soi trang sáng mà đỗ Trạng Nguyên thời Trần, đi sứ sang nhà Nguyên (Trung Quốc) lại được phong Trạng Nguyên, nên được gọi là Lưỡng quốc Trạng Nguyên.
Quyết định của Bộ Chính trị tháng 2-2025 mang đầy tính nhân văn: miễn học phí cho tất cả học sinh từ mẫu giáo tới THPT trường công lập, làm nức lòng xã hội, đang tạo nên cơ hội thăng hoa trí tuệ và tâm hồn cho lớp trẻ trên con đường tiến tới một kỷ nguyên vươn mình giàu có và hạnh phúc của dân tộc.
3. “Học tập suốt đời là chìa khóa để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới”. Đó là nhan đề bài viết tràn đầy tinh thần cảm hứng và tầm nhìn xa của Tổng Bí thư Tô Lâm xuất hiện trên báo chí tháng 3-2025. Ở bài viết đó, sau khi khái quát những thành tựu về học tập của cả nước, người đứng đầu Đảng cũng chỉ ra một số hạn chế. Như việc đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng. Như còn có tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn. Do vậy, còn có tình trạng hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Như có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thỏa mãn với kiến thức đã học trong các trường lớp, hoặc học chỉ để hoàn thiện bằng cấp đủ điều kiện thăng tiến…
Say sưa đọc bài viết của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta, theo thói quen tôi hay trao đổi với bạn bè. “Đồng chí tâm đắc nhất ý tưởng, đoạn văn nào?”. Đó là câu hỏi của tôi. Rất nhiều câu đáp trả trùng hợp với ý nghĩ của tôi. Tuy nhiên, đây là câu trả lời của bạn tôi, PGS Trần Đình Huỳnh, một cây bút chính luận xuất sắc, khiến nhận thức của tôi như được tiếp thêm một năng lượng mới.
- “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng”. Đó là một trong những câu viết của Tổng Bí thư mà tôi đọc thấy rất rung động.
- Vì sao vậy?
Tôi hỏi lại. Đầu dây bên kia ắng lặng đi mấy giây. Và sau đó, đây là câu đáp của bạn tôi:
- Ông có biết ý tưởng sau đây của Ph. Ăngghen: Học để giành lấy tự do? Câu nói thể hiện ý tưởng đó in ở Toàn tập C.Mác và Ăngghen, trang 164, tập 20, nguyên văn như sau: “Mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa lại là một bước tiến tới tự do”.
Ồ nếu vậy thì tôi hiểu rồi. Nếu tự do là nhận thức được tất yếu thì Tổng Bí thư Tô Lâm rất chí lý khi nói rằng: Học tập suốt đời để biết làm chủ bản thân và công việc; dám chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng và nếu cần, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì Đảng, vì Tổ quốc và nhân dân.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/171361/hoc-tap-suot-doi-de-biet-lam-chu-ban-than
Bình luận (0)