Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Hậu cần là việc rất quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là một mặt trận”. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngành Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Nam Định đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần trên tất cả các mặt công tác, góp phần quan trọng để lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định14/05/2025

Các đại biểu tham quan sản phẩm tăng gia sản xuất của lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định.
Các đại biểu tham quan sản phẩm tăng gia sản xuất của lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định.

Thượng tá Trần Trọng Quỳnh, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: “Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng thúc đẩy cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần LLVT tỉnh không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, phát huy tinh thần trách nhiệm trong từng nhiệm vụ. Qua mỗi giai đoạn, phong trào đã trở thành kim chỉ nam cho hành động, góp phần xây dựng ngành Hậu cần chính quy, mẫu mực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống". Theo đó, phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” được Bộ CHQS tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện, gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua Quyết thắng. Với phương châm “hiệu quả, thiết thực”, toàn ngành đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu thi đua đề ra, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, tinh thần trách nhiệm và hành động trong toàn thể cán bộ, nhân viên hậu cần.

Một trong những điểm sáng là công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và các cuộc diễn tập. Trong 5 năm qua, ngành Hậu cần đã chủ trì bảo đảm hậu cần cho 11 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; 175 cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, phường và nhiều cuộc diễn tập, huấn luyện đột xuất khác. Toàn ngành đã cung cấp, huy động kịp thời trên 300 tấn vật chất hậu cần các loại đảm bảo đầy đủ, góp phần vào thành công chung của các cuộc diễn tập, nhất là trong thời điểm bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Công tác quân nhu “hậu phương tại chỗ” của bộ đội luôn được Bộ CHQS tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngành Quân nhu đã bám sát hướng dẫn nghiệp vụ cấp trên, tổ chức bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, định lượng, mức tiền ăn cho các đối tượng theo chế độ, không ngừng cải tiến, đổi mới cách chế biến, chế độ dinh dưỡng. Việc tăng gia sản xuất được tổ chức khoa học, hợp lý, khai thác tối đa diện tích đất tăng gia, hệ thống chuồng trại và nguồn lực tại chỗ. Kết quả, trong 5 năm (2020-2025), các đơn vị thu hoạch gần 150 tấn rau củ quả, hơn 33 tấn thịt, 27 tấn thịt gia cầm và trên 23 tấn cá. Nhờ đó, chất lượng bữa ăn bộ đội được nâng cao rõ rệt, mức ăn thêm đạt 5.000-15 nghìn đồng/người/ngày. Các bếp ăn thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến sơ chế, bảo quản và chế biến; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong toàn LLVT tỉnh. Song song với đó, các đơn vị còn đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống nhà ăn, nhà bếp theo hướng liên hoàn, chính quy, khang trang. Cán bộ, chiến sĩ được thụ hưởng trong môi trường sinh hoạt bảo đảm về chất lượng vật chất lẫn đời sống tinh thần.

Cùng với quân nhu, việc bảo đảm đầy đủ trang thiết bị hậu cần phục vụ diễn tập, huấn luyện được chú trọng đầu tư, nhất là trong bối cảnh tổ chức, biên chế có sự thay đổi. Từ năm 2024, sau khi Phòng Hậu cần và Phòng Kỹ thuật được sáp nhập thành Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, ngành đã chủ động tham mưu kiện toàn cơ cấu tổ chức, sắp xếp nơi làm việc, sinh hoạt, hệ thống bảng, biển chính quy; đồng thời đầu tư bổ sung trang bị, mô hình học cụ, dụng cụ cấp dưỡng, vật chất y tế bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Các văn kiện SSCĐ được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên; riêng cấp tỉnh đã làm mới 63 văn kiện, cấp đơn vị 114 văn kiện. Hệ thống kho tàng được rà soát, sắp xếp khoa học, thuận tiện cho công tác cấp phát và quản lý. Tiêu chuẩn điện, nước, dụng cụ sinh hoạt tại các doanh trại được bảo đảm đầy đủ theo đúng chế độ. Trong giai đoạn 2020-2025, đã đầu tư hơn 334 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp 20 công trình doanh trại các loại.

Bên cạnh đó, ngành Quân y LLVT tỉnh đã thực hiện tốt chức năng bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, chăm lo tốt công tác quân - dân y kết hợp. Tỷ lệ quân số khỏe thường xuyên duy trì trên 98,8%. Trong 5 năm qua, đã khám sức khỏe định kỳ cho gần 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức khám và điều trị cho 4.918 lượt quân, khám bảo hiểm y tế cho gần 62 nghìn lượt người dân. Trong cao điểm dịch COVID-19, ngành Quân y đã phối hợp với y tế địa phương thiết lập 6 cơ sở cách ly, trong đó có 3 cơ sở do Bộ CHQS tỉnh trực tiếp vận hành. Công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự, khám tuyển sinh quân sự được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, an toàn tuyệt đối. Công tác quản lý nguồn xăng dầu được Bộ CHQS tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm (2020-2025), toàn ngành đã tiếp nhận và cấp phát trên 700 nghìn lít xăng, dầu; quản lý chặt chẽ vật tư kỹ thuật, nhiên liệu phục vụ các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Thực hiện phong trào thi đua “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, ngành đã triển khai nhiều sáng kiến chống bay hơi, hao hụt, áp dụng các quy trình tra nạp kín, kiểm tra định kỳ chất lượng nhiên liệu. Kết quả đã tiết kiệm được hơn 10 nghìn lít nhiên liệu so với định mức, đạt hiệu quả cao, được Quân khu biểu dương, đặc biệt là thành tích đoạt giải Nhất Hội thi Kho xăng dầu cấp chiến thuật năm 2024. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ chính quy, điều lệnh, nền nếp sinh hoạt, rèn luyện kỷ luật, xây dựng môi trường làm việc gắn bó, dân chủ, kỷ cương. Nhiều tập thể, cá nhân trở thành điển hình tiên tiến, như: Ban CHQS huyện Hải Hậu, Xuân Trường, thành phố Nam Định; Bệnh xá, Kho Xăng dầu…

Thời gian tới, ngành Hậu cần LLVT tỉnh Nam Định xác định tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW, Nghị quyết 28-NQ/TW và các đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh. Trọng tâm là bảo đảm 100% vật chất hậu cần SSCĐ, tổ chức tốt diễn tập các cấp, nâng cao chất lượng công tác quân y, quân nhu, doanh trại, xăng dầu. Tích cực đổi mới phương thức bảo đảm, ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính, phát triển mô hình tăng gia sản xuất tập trung gắn với căn cứ hậu cần trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng cán bộ hậu cần, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, xây dựng ngành Hậu cần chính quy, hiện đại, vững mạnh toàn diện.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-nganh-hau-can-quan-doilam-theo-loi-bac-38b450b/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm