Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Hội nghị nhằm thảo luận về nhiệm vụ và giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là đạt mức tăng trưởng tối thiểu 8% GDP.
Tại Hội nghị, đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung để tiếp tục phát huy vai trò và hiệu quả đầu tư của các DNNN góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH trong năm 2025, thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, các cơ quan, doanh nghiệp cần tập trung các giải pháp chủ yếu như tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); Tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, nên tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận của các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp nhà nước phải thay đổi, nhanh hơn, kịp thời hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn.
Thủ tướng cho rằng khu vực DNNN nắm giữ tài sản gần 4 triệu tỷ đồng, sở hữu nguồn vốn chiếm 20,5% khu vực doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận trước thuế chiếm 23,9%, đạt 348,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 366 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng góp của các doanh nghiệp không đồng đều, tập trung vào một số doanh nghiệp lớn như Petrovietnam, Viettel…, nhiều doanh nghiệp chưa có những số liệu đáng tự hào. Như vậy, sở hữu nguồn vốn lớn nhưng sử dụng chưa hiệu quả, chưa được như mong muốn và chưa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng của đất nước.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp nhà nước góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn để nền kinh tế phát triển nhanh nhưng phải bền vững, đưa đất nước cất cánh trong giai đoạn mới, đạt 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước).
Thủ tướng chỉ rõ phải thay đổi tư duy, cách làm vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; suy nghĩ để huy động sức dân, người dân cùng vào cuộc, vì nhân dân là trung tâm, chủ thể của sự phát triển, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, "đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân".
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải góp phần rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế thông thoáng; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính "đòn bẩy, điểm tựa" để phát huy tối đa nguồn lực, để nguồn lực nhân đôi, nhân ba lên, để phát triển bứt phá, không ì ạch.
Cùng với đó, phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với các cơ chế ổn định. Thủ tướng lấy ví dụ, cần thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định Chính phủ về thương mại gạo với các nước để ổn định đầu ra và đầu vào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tích cực, chủ động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới để tăng năng suất lao động, giảm thâm dụng tài nguyên, tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm, dịch vụ; quản trị phải thông minh; tham gia phát triển hạ tầng chiến lược thật tốt.
Tinh thần là các doanh nghiệp phải cùng cả nước xây dựng thể chế thông thoáng, quản trị phải thông minh và hạ tầng phải thông suốt, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước phải thực sự tiên phong trong 6 lĩnh vực:
Thứ nhất, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Thứ hai, tiên phong trong đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Thứ ba, tiên phong trong bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh, bao trùm, bền vững.
Thứ tư, tiên phogn trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Thứ năm, tiên phong tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, nhất là trong chương trình nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Thứ sáu, tiên phong tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, vị thế đất nước trong tham gia dẫn dắt các cuộc chơi toàn cầu.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải xem làm được gì, đóng góp được gì cho đất nước; cả nước tăng trưởng ít nhất 8% thì các doanh nghiệp phải tăng trưởng từ 8% trở lên. Đồng thời nhấn mạnh, Nhà nước phải thực sự kiến tạo, muốn kiến tạo thì phải lắng nghe, tiếp thu, cầu thị, những vướng mắc thực tế mà người dân, doanh nghiệp phản ánh thì phải tổng hợp, các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Nếu các bộ ngành không xử lý hoặc xử lý chậm trễ thì các doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần minh bạch, thẳng thắn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành thiết kế, thực hiện các chính sách vĩ mô để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Lưu ý các chính sách phải ổn định một cách tương đối và phát triển theo thực tiễn, Thủ tướng lấy ví dụ Bộ Tài chính giải quyết dứt điểm vấn đề vốn liên quan BOT và nêu rõ, các công cụ chính sách phải huy động tối đa nguồn lực xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đẩy mạnh hợp tác công tư theo tinh thần mọi thứ đều có thể làm hợp tác công tư chứ không chỉ hạ tầng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp cần quán triệt và quyết liệt thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra; khẩn trương hoàn thiện thể chế cho hoạt động của bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Trung ương.
Về các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan việc sửa đổi, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), chính sách tiền lương, công tác cán bộ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần sửa đổi, bổ sung các quy định là xem xét, đánh giá hiệu quả tổng thể của doanh nghiệp, chấp nhận rủi ro; giao mục tiêu, không cầm tay chỉ việc, còn làm thế nào để đạt mục tiêu thì các chủ thể phải phát huy trí tuệ, năng động, sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình, nếu làm sai thì xử lý.
Thủ tướng khẳng định tinh thần tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị để hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, cùng quản trị thông minh, tháo gỡ cơ chế về con người, cán bộ… cho các doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; phải nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn với cách tiếp cận thực tiễn, phản ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế diễn biến rất nhanh. Trong bối cảnh cả nước tăng tốc, bứt phá để về đích, thì doanh nghiệp phải tăng tốc, bứt phá và về đích sớm hơn các chủ thể khác./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-2-27/Hoi-nghi-Thuong-truc-Chinh-phu-lam-viec-voi-DNNN-talbn4s.aspx
Bình luận (0)