Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai thác tiềm năng sản xuất trên vùng đất dốc

Có lợi thế diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhưng hầu hết đất dốc, đất trống, đồi núi trọc, do đó tỉnh Điện Biên gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân25/07/2025

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cùng đoàn chuyên gia khảo sát thực địa lựa chọn điểm xây dựng công trình hồ chứa nước Sái Lương tại tỉnh Điện Biên.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cùng đoàn chuyên gia khảo sát thực địa lựa chọn điểm xây dựng công trình hồ chứa nước Sái Lương tại tỉnh Điện Biên.

Để giải "bài toán" này tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư công trình thủy lợi lớn trên cao thay vì đầu tư công trình thủy lợi nhỏ dưới thấp, hướng đến đầu tư công trình đa lợi ích.

Dẫn chứng thực tiễn trồng, chăm sóc cây mắc-ca và cà-phê do huyện Tuần Giáo (cũ) đã triển khai thành công khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ lúa, sắn, ngô trên nương sang trồng mắc-ca, cà-phê), chị Nguyễn Thị Thanh Nga, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khu vực 3 tỉnh Điện Biên, cho hay: Sau hơn ba năm thực hiện từ khâu tuyên truyền, vận động đến trồng thực tế, hiện nay các xã thuộc huyện Tuần Giáo (cũ) đã có 8.000 ha cây mắc-ca, gần 5.000 ha cây cà-phê, đưa Tuần Giáo trở thành vùng thủ phủ cây công nghiệp của tỉnh. Kết quả đó là minh chứng cụ thể cho thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp với cà-phê và mắc-ca.

Với thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tuần Giáo, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên có thêm cơ sở đánh giá phù hợp, kinh nghiệm, cách làm để tới đây hướng dẫn các xã, khu vực khác vận dụng. Cùng với đó, ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo đảm nước tưới cho cây trồng trên đất dốc theo cụm vùng, khu vực bằng việc xây dựng công trình thủy lợi lớn trên cao.

Làm rõ hơn sự cần thiết đầu tư công trình thủy lợi lớn trên cao với nông nghiệp tỉnh Điện Biên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lê Xuân Cảnh cho biết: Do điều kiện địa hình cho nên thường chỉ các khu vực thung lũng, sườn đồi thấp ở Điện Biên có thể tận dụng trồng lúa nước, nhưng diện tích này không nhiều (vì chỉ chiếm khoảng 3-5% tổng diện tích quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh). Còn lại hầu hết các sườn đồi có độ dốc cao phù hợp với các loại cây công nghiệp, cụ thể mắc-ca và cà-phê. Để khai thác được tiềm năng đất dốc - tiềm năng đặc biệt của Điện Biên thì cần thiết phải đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn trên cao.

Theo các chuyên gia: Hiểu “công trình thủy lợi lớn” nghĩa là công trình thủy lợi có diện tích tưới lớn, tuyến dẫn dài, độ bao phủ rộng. Hiện tại, tỉnh Điện Biên đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án hồ chứa nước Sái Lương sử dụng vốn ODA của cơ quan phát triển Pháp (AFD). Hồ chứa Sái Lương có dung tích 6,2 triệu m3; tổng mức đầu tư 1.389 tỷ đồng; bảo đảm cấp nước tưới cho 21.000 ha cây mắc-ca và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 35.000 hộ dân. Đây là công trình thủy lợi lớn trên cao điển hình của tỉnh Điện Biên cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Về hiệu quả của các công trình thủy lợi lớn trên cao, ông Lê Xuân Cảnh cho biết thêm: Với 1 triệu m3 nước ở dưới thấp thì chỉ tưới cho được 100 ha lúa với suất đầu tư hiện nay của các hồ chứa ở khu vực miền núi sẽ vào khoảng 100-150 tỷ đồng/1 triệu m3. Như vậy, trung bình suất đầu tư cho tưới lúa tại miền núi khoảng 1-1,5 tỷ đồng/ha. Song cùng dung tích là 1 triệu m3 đó nếu xây dựng trên cao thì lượng nước tưới bảo đảm được cho 10.000 ha mắc-ca, vì cây mắc-ca cần nước nhưng không đòi hỏi phải có nước thường xuyên như cây lúa. So sánh bằng con số cụ thể dễ thấy rõ, suất đầu tư cho các dự án tưới mắc-ca chỉ từ 70-100 triệu đồng/ha (bằng 1/15 so với suất đầu tư cho tưới lúa) mà hiệu quả cao hơn nhiều.

Chính từ thực tiễn và dữ liệu phân tích, Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên có căn cứ đề ra giải pháp cốt lõi để tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển hai loại cây trồng chủ lực là mắc-ca và cà-phê. Giải pháp chính là giải quyết vấn đề nước tưới bằng cách đầu tư các hồ chứa nước trên cao, dẫn nước bằng hệ thống đường ống để đưa nước lên được các sườn đồi. Bởi vậy, ngoài dự án hồ chứa nước Sái Lương đang được triển khai, tỉnh Điện Biên đã rà soát được 10 địa điểm phù hợp để xây dựng hồ chứa có dung tích từ 5-15 triệu m3, cao độ từ 800- 1.200m và diện tích tưới, cấp nước sinh hoạt của mỗi hồ đạt từ 5.000-10.000 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho từ 15.000- 20.000 dân; vốn đầu tư cho mỗi hồ chứa từ 500-1.000 tỷ đồng.

Về nguồn lực, ngoài sự chủ động của địa phương, Điện Biên mong muốn được Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm, có cơ chế ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công trung hạn (trong kỳ trung hạn 2026-2030) cho Điện Biên cũng như các tỉnh miền núi trong khu vực, đặc biệt các tỉnh có chức năng phòng hộ đầu nguồn để đầu tư các hồ chứa thủy lợi lớn trên cao, giúp các tỉnh miền núi khai thác hiệu quả diện tích đất dốc; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các cây trồng ngắn ngày có hiệu quả kinh tế thấp (lúa nương, ngô, sắn) sang các cây trồng dài ngày có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tăng độ che phủ, chống lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-tiem-nang-san-xuat-tren-vung-dat-doc-post896540.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm