Trong thời đại mới, tinh thần yêu nước ấy được thể hiện qua những thanh niên khởi nghiệp, mạnh mẽ, cần mẫn và đầy khát vọng.
Khởi nghiệp trong thời đại mới
Trên mảnh đất Cố đô Huế giàu văn hóa, giữa những thửa ruộng, xưởng sản xuất và làng nghề truyền thống, nhiều thanh niên đang ngày ngày bền bỉ lập thân, lập nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ (34 tuổi) đã kết nối nông sản truyền thống Huế với công nghệ hiện đại, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu từ chính sản phẩm quê hương. Tình yêu với quê hương, với người nông dân, nghệ nhân, người lao động khó khăn đã đánh thức khát vọng trong anh.
Trở về Huế, anh không chỉ hỗ trợ sinh kế mà còn truyền cảm hứng, giúp người dân tự tin xây dựng tương lai. Mỗi nụ cười của người dân khi sản phẩm được đón nhận, mỗi nguồn thu nhập ổn định từ nghề truyền thống lại tiếp thêm niềm tin cho anh trên con đường đã chọn.
Anh thành lập Công ty AgriDrone Việt Nam và Đặc sản Kinh đô với khát vọng giúp người nông dân đứng vững trên chính đôi chân mình. “Tôi từng gặp những cụ già, nông dân bám làng, trồng cả mùa mà không bán nổi bó chè. Tôi không muốn cuộc sống của họ chỉ là những ngày cầm cự”, anh chia sẻ.
Không chỉ kết nối người dân với chuyên gia kỹ thuật, anh còn hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để sản phẩm đủ điều kiện ra thị trường. Giờ đây, những sản phẩm như sợi mì chuối, bánh mì bột chuối, tinh chè tươi, bánh gạo mầm hay các chế phẩm từ sen Huế đã có mặt ở nhiều địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.
“Chúng tôi không làm từ thiện, chúng tôi muốn nâng cao sinh kế cho người dân. Một nền kinh tế nhân văn là cách yêu nước bền vững nhất”, anh Vũ khẳng định. Anh không chỉ giúp nông dân, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về ẩm thực di sản Huế, với khẩu hiệu “Vươn mình di sản, mang Huế về nhà”, anh ứng dụng AI để đưa văn hóa Huế đến gần hơn với giới trẻ.
Nhờ những thành tựu ấy, anh Vũ đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Tốp 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, và Giám khảo cuộc thi “Khởi nghiệp thanh niên nông thôn quốc gia”. AgriDrone Việt Nam trở thành đơn vị dẫn đầu trong thị trường máy bay nông nghiệp, giúp hàng trăm nghìn hộ dân trên cả nước thay đổi cách canh tác hiệu quả, tiết kiệm hơn 7 tỷ lít nước, giảm được hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật.
Giám đốc trẻ của Công ty cổ phần Hue One Food Ngô Văn Quốc mang trong mình khát vọng giữ hồn Huế qua từng lát bánh ép. Anh chia sẻ: “Tôi tập trung vào việc giữ gìn hương vị truyền thống của bánh ép Huế, đồng thời cải tiến để phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện đại”.
Dự án bánh ép Hue One Food giành Giải nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo thành phố Huế, minh chứng cho giá trị của sự sáng tạo khi biết khai thác tài nguyên bản địa một cách thông minh và bền vững.
![]() |
Bánh ép Hue One Food giờ đây không chỉ đi khắp cả nước, mà còn hiện diện trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu. (Ảnh: NVCC) |
Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, những ngày đầu khởi nghiệp của anh Quốc là chuỗi ngày vừa làm vừa học, tự tay ép từng chiếc bánh, từng bước đưa sản phẩm truyền thống của Huế tiến xa trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm của Hue One Food đã có mặt tại các hệ thống bán lẻ lớn như Aeon Mall, WinMart và xuất hiện ở nhiều sân bay như Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Bánh ép Huế giờ đây không chỉ đi khắp cả nước, mà còn hiện diện trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Sau bốn năm, từ một nhóm nhỏ ban đầu, công ty đã có 100 lao động, cung ứng gần 4 triệu sản phẩm mỗi năm ra thị trường trong và ngoài nước. Với anh Quốc, mỗi chiếc bánh không chỉ là món ăn, mà là một câu chuyện kể về quê hương. Giấc mơ từ những ngày đầu khởi nghiệp, đưa bánh ép Huế đến Mỹ đã trở thành hiện thực khi Hue One Food mở chi nhánh tại Mỹ và ký kết thành công với đối tác quốc tế. Anh nói giản dị: “Tuổi trẻ phải dám nghĩ, dám nói, dám làm”.
Anh Quốc còn ấp ủ mở một trung tâm trải nghiệm bánh ép tại Thuận An, nơi cội nguồn của món ăn này. Anh tâm sự: “Đó sẽ không chỉ là nơi để thưởng thức bánh, mà là nơi để kể chuyện. Câu chuyện về Huế, về con người, về khát vọng dân tộc. Chúng tôi sẽ tiếp nhận 100 sinh viên mỗi năm đến học tập, trải nghiệm và thực hành, để đào tạo một thế hệ trẻ vừa có tay nghề, vừa có tư duy sáng tạo, chịu dấn thân và phụng sự”.
Trao đổi thêm về ý nghĩa văn hóa của sản phẩm, anh Quốc chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ làm ra một chiếc bánh ép, mà đang góp phần kể lại câu chuyện của đất nước trong thời đại mới. Làm tốt một việc nhỏ, gìn giữ một hương vị, lan tỏa một nét văn hóa cũng là một cách yêu nước. Tầm nhìn của chúng tôi không chỉ hướng tới phát triển thương hiệu, mà là đưa bánh ép Huế trở thành một phần của văn hóa ẩm thực thế giới”.
Anh Võ Văn Tố, với đam mê, chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình nghèo, tôi tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm rồi sang Nhật Bản làm việc. Nhưng vì chữ hiếu và tình yêu quê hương, tôi quyết định quay về Huế lập nghiệp”. Sau khi giành Giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp do Thành Đoàn Huế tổ chức, anh thành lập Hợp tác xã Dafusa tại Phú Đa, Phú Vang, chuyên sản xuất đậu phụ sạch.
Anh học được cách bảo quản đậu phụ không hóa chất tại Nhật Bản và mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những ngày đầu, dù nhiều mẻ đậu phụ không như ý, nhưng anh không bỏ cuộc. Nhờ sự hỗ trợ từ Thành Đoàn Huế và Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Huế, anh đầu tư công nghệ Nhật Bản. Hiện cơ sở của anh có chín lao động, doanh thu tháng đạt 400 triệu đồng. Anh Tố cho biết: “Yêu nước là hành động thực tế, tạo giá trị cho xã hội, sống tốt, tuân thủ pháp luật và tự hào về dân tộc”.
Khơi dậy khát vọng cống hiến
Bí thư Thành Đoàn Huế Nguyễn Thanh Hoài cho biết, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Thành Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động như “Khởi nghiệp thanh niên nông thôn”, “Khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, diễn đàn kết nối doanh nghiệp-thanh niên, “Café khởi nghiệp”... nhằm trang bị kỹ năng, kết nối vốn và thị trường cho thanh niên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Chí Tài nhận định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số, thanh niên cần khẳng định vai trò tiên phong bằng hành động cụ thể. Thế hệ trẻ phải chủ động học hỏi, nâng cao năng lực số, ngoại ngữ và tư duy hội nhập để làm chủ công nghệ và thích ứng toàn cầu. Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa tạo dựng giá trị kinh tế, mà còn là con đường mở ra những giải pháp thiết thực cho các vấn đề xã hội.
Theo ông Tài, thực tiễn tại thành phố Huế cho thấy thế hệ trẻ có khát vọng lập thân trên quê hương, biết tận dụng lợi thế văn hóa, du lịch và tri thức. Tuy nhiên, những thách thức như tâm lý an toàn, hạn chế kỹ năng hội nhập và nguồn lực còn thiếu ở vùng sâu, vùng xa đòi hỏi cơ chế hỗ trợ phù hợp. Khơi dậy lòng yêu nước hôm nay chính là khơi dậy tinh thần cống hiến qua phát triển kinh tế. Khi được dẫn dắt đúng hướng, thanh niên sẽ trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế, mang theo bản lĩnh, lý tưởng và trách nhiệm xã hội.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đánh giá cao tinh thần lập nghiệp của thanh niên Huế. Theo đồng chí Bí thư, với sức trẻ và tinh thần dấn thân, thanh niên Việt Nam, nhất là thanh niên Huế, đã lựa chọn con đường lập nghiệp gắn với phát huy bản sắc văn hóa. “Những thành quả cụ thể của các mô hình khởi nghiệp là minh chứng sinh động cho lòng yêu nước trong thời bình. Thanh niên ngày nay không chỉ đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, mà còn gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc Việt trong hội nhập quốc tế”, đồng chí Cương khẳng định.
Lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay hiện hữu trong từng việc làm mỗi ngày. Trên hành trình xây dựng đất nước giàu mạnh, những thanh niên đang khẳng định mình bằng lao động sáng tạo và trách nhiệm công dân.
Nguồn: https://nhandan.vn/khat-vong-thanh-nien-trong-thoi-dai-moi-post880500.html
Bình luận (0)