PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang (sinh năm 1951 tại Sài Gòn), là tác giả của những nghiên cứu đáng quý về tiếng Việt, đặc biệt giới thiệu những hiểu biết mới về sự phong phú, đa dạng của phương ngữ Nam bộ với các công trình chính: Phương ngữ Nam bộ (NXB Khoa học xã hội, 1995); Một số vấn đề về phương ngữ xã hội (Chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 2005); Câu sai và câu mơ hồ (đồng tác giả, NXB Giáo dục, 1992); Tiếng Việt thực hành (đồng tác giả, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2005); Sửa lỗi ngữ pháp: lỗi kết từ (đồng tác giả, NXB Giáo dục, 1989); Lỗi từ vựng và cách khắc phục (đồng tác giả, NXB Khoa học xã hội, 2002)…

Năm 2021, nhận thấy những giá trị quý giá từ Tiếng Việt phương Nam, NXB Trẻ đã tiến hành tái bản ấn phẩm này, đưa vào tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp - nơi tập hợp nhiều ấn phẩm về tiếng Việt của các chuyên gia, tác giả uy tín. Đặc biệt là sự tham gia của nhà nghiên cứu ngôn ngữ GS-TS Nguyễn Đức Dân, cũng là người bạn đời của PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang.
Tiếng Việt phương Nam là tập hợp các công trình nghiên cứu của PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang về phương ngữ Nam bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc bộ, Trung bộ và từ toàn dân nói chung. Trong các bài viết của mình, tác giả phân tích, lý giải về các hiện tượng ngôn ngữ một cách thấu đáo và vô cùng thú vị.
Sách được chia thành 3 phần: Phần 1 chuyên về phân tích, giải thích sự khác biệt các hiện tượng từ vựng - ngữ nghĩa ở 2 miền Nam - Bắc; Phần 2 là tập hợp ngữ liệu, những nhóm từ chính trong phương ngữ Nam bộ; Phần 3 là những bài viết tản mạn về ngôn ngữ, phân tích các tác phẩm văn chương của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư để làm rõ hơn những đặc điểm thú vị trong tiếng nói Nam bộ, lời văn Nam bộ, đảm bảo tính chính xác khoa học nhưng lại giàu hình ảnh và cảm xúc, thể hiện sự cảm nhận tinh tế và tình yêu đối với ngôn ngữ - đặc biệt là tiếng Việt ở phương Nam của tác giả.
Vào tháng 9-2024, NXB Trẻ tổ chức chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp” tại Đường sách TPHCM với sự tham gia của 5 tác giả: GS-TS Nguyễn Đức Dân, PGS-TS Trịnh Sâm, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang, nhà báo Dương Thành Truyền và nhà thơ Lê Minh Quốc.
Sau chương trình, chia sẻ riêng với Phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang cho biết, sau Tiếng Việt phương Nam, bà đang có kế hoạch viết cuốn sách tiếp theo về từ láy. Bởi theo bà, từ láy là một nét đặc trưng trong tiếng Việt. Chỉ cần mở cuốn Chinh phụ ngâm hay Truyện Kiều, sẽ thấy không thể dịch sang một ngôn ngữ nào mà hay hơn tiếng Việt. “Nó hay là vì đó là tiếng Việt, có rất nhiều từ láy. Khi dịch sang một ngôn ngữ nào đó, vần sẽ không dịch được như trong trường hợp thơ lục bát, rồi từ láy”, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang chia sẻ.
Tiếc rằng, cuốn sách chưa kịp ra đời thì PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang đã đi xa.
Linh cữu PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang được quàn tại số 390/2 Nguyễn Đình Chiểu (phường 4, quận 3, TPHCM). Lễ nhập quan diễn ra vào lúc 0 giờ ngày 18-5, lễ động quan lúc 8 giờ ngày 19-5. Sau đó linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/pgs-ts-tran-thi-ngoc-lang-qua-doi-post795793.html
Bình luận (0)