Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới

Việt Nam thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành ba trụ cột chiến lược cho mô hình phát triển nhanh, bền vững.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế19/07/2025

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới
PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, trình bày chuyên đề tại Hội nghị thông tin Đối ngoại nhân dân 2025. (Ảnh: Diệu Linh)

Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ), đây là lần đầu tiên ba lĩnh vực then chốt: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - được tích hợp trong cùng một nghị quyết của Bộ Chính trị và thống nhất dưới sự quản lý của một bộ. Việt Nam nằm trong nhóm chưa đến 5% quốc gia trên thế giới nhận thức rõ tầm quan trọng của bộ ba này và biết cách xây dựng một hệ sinh thái phát triển dựa trên sự kết hợp giữa ba trụ cột. Đây được xem là một lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với các thành phần then chốt như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm R&D, khu công nghệ cao và các chương trình khởi nghiệp. Chính phủ đóng vai trò kiến tạo thể chế và định hướng chiến lược, trong khi doanh nghiệp được xem là lực lượng trung tâm thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới
Sản xuất thiết bị điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. (Nguồn: Hà Nội mới)

Tính đến nay, cả nước có hơn 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, đưa Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Một số chỉ số quốc tế cũng cho thấy những bước tiến rõ nét trong lĩnh vực công nghệ: Việt Nam xếp hạng 71 về chính phủ điện tử (tăng 15 bậc trong hai năm), đứng thứ 17 toàn cầu về an ninh mạng, phản ánh rõ năng lực cải thiện và thích ứng với các xu hướng công nghệ mới.

Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024, Việt Nam đứng thứ 44 trong tổng số 132 nền kinh tế và xếp thứ 2 trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện mới đạt khoảng 0,5% GDP – bằng 1/3 mức trung bình toàn cầu – nhưng kinh tế số đã đóng góp 18,3% GDP và có tốc độ tăng trưởng cao gấp ba lần mức tăng GDP bình quân.

Những con số này cho thấy nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời từng bước định hình mô hình phát triển mới, hướng đến một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới. Khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ sinh thái này, đặc biệt thông qua đầu tư công nghệ, hợp tác công - tư và phát triển các mô hình sáng tạo mở.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong mô hình phát triển mới

Bên cạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là một mô hình tổ chức mới. Theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là ba trụ cột cấu thành mô hình phát triển mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Đây không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu quả quản lý và tạo ra giá trị mới trong toàn bộ nền kinh tế - xã hội.

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới
Công dân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Nhân Dân)

Việc chuyển đổi sang mô hình phát triển dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo đang tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong quản trị, sản xuất và cung ứng dịch vụ. Các chính sách gần đây nhấn mạnh vai trò của dữ liệu như một loại tài sản mới, thúc đẩy liên thông, chia sẻ và khai thác dữ liệu số trên quy mô quốc gia. Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam đang tích cực xây dựng hạ tầng số quốc gia và từng bước hình thành thể chế quản trị dữ liệu, hướng đến việc bảo đảm an ninh, quyền riêng tư và khả năng khai thác hiệu quả dữ liệu cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong mô hình phát triển số, người dân được xem là trung tâm, dữ liệu là tài nguyên và công nghệ số là công cụ cốt lõi. Cách tiếp cận này cho phép tận dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời thúc đẩy đổi mới quản trị, gia tăng năng suất và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Việt Nam hướng đến xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, dịch vụ số phổ cập và năng lực số toàn dân, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh nhấn mạnh, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba cấu phần tạo nên mô hình tăng trưởng mới, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào tài nguyên và lao động sang dựa vào tri thức, công nghệ và sáng tạo. Tư duy phát triển dựa trên năng suất và hiệu quả đang dần thay thế mô hình tăng trưởng theo chiều hướng số lượng, quy mô.

Kết hợp chiến lược ba trụ cột: Động lực mới cho phát triển

Chiến lược phát triển của Việt Nam hướng đến hình thành và củng cố ba cấu phần then chốt: khoa học - công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực và chuyển đổi số là mô hình tổ chức. Cách tiếp cận này phản ánh tầm nhìn dài hạn và tính chủ động trong hội nhập quốc tế cũng như năng lực ứng phó với các thách thức mới trong nước và toàn cầu.

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số: Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới
Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. (Nguồn: Quân đội nhân dân)

Trong đó, khoa học - công nghệ đóng vai trò nền tảng kỹ thuật và tri thức để hỗ trợ sản xuất, quản lý và ra quyết định. Đổi mới sáng tạo thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chuyển đổi số là quá trình tổ chức lại các hoạt động xã hội và kinh tế dựa trên dữ liệu, công nghệ số và kết nối toàn diện, hướng tới một mô hình phát triển linh hoạt, bền vững và thích ứng nhanh với thay đổi.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh cũng chỉ rõ ba mục tiêu lớn trong định hướng phát triển: xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, và thúc đẩy mô hình tổ chức mới dựa trên số hóa. Đồng thời, ông nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế, huy động đầu tư từ khu vực tư nhân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là lực lượng khoa học - công nghệ trẻ và các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xa hơn, đến năm 2045, hướng đến trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có năng lực công nghệ mạnh và vị thế toàn cầu trong một số lĩnh vực trọng điểm.

Có thể thấy, Việt Nam đang chủ động chuyển mình theo hướng phát triển dựa vào tri thức, công nghệ và đổi mới. Bộ ba khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là công cụ hỗ trợ phát triển mà đang dần trở thành nền tảng, động lực và mô hình phát triển cốt lõi. Sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố này sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và số hóa.

Nguồn: https://baoquocte.vn/khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-dong-luc-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi-321592.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm