Gian trưng bày sản phẩm OCOP của thanh niên tại ngày hội khởi nghiệp cho thanh niên năm 2024.
Chắp cánh những giấc mơ khởi nghiệp
Sinh ra trong cái nôi của làng nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), anh Phạm Văn Tiến (sinh năm 1995) lớn lên cùng tiếng búa, tiếng đe của cha ông. Tình yêu nghề “ngấm dần vào máu”, thôi thúc anh tìm cách làm mới và nâng tầm sản phẩm rèn xứ Thanh. Sau thời gian học hỏi, năm 2022 anh đã thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài, là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình từ sản xuất thủ công sang quy mô hiện đại. Anh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào máy đột dập, máy cắt laser, máy đánh bóng công nghiệp...
Không dừng lại ở đổi mới kỹ thuật, anh Tiến còn chú trọng phát triển thương hiệu. Các dòng dao, kéo cao cấp do công ty sản xuất được dán tem truy xuất nguồn gốc, đóng gói, phân phối qua hơn 20 tỉnh, thành và lên sàn thương mại điện tử. Mỗi năm, công ty cung ứng gần 900.000 sản phẩm, tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập ổn định 6 - 15 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, sản phẩm được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn thường xuyên đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên địa phương.
Tốt nghiệp đại học tại Hà Nội, nhiều người bất ngờ khi anh Nguyễn Danh Hoàng (sinh năm 1985) ở xã Mậu Lâm (Như Thanh) không chọn ở lại thành phố mà quyết định trở về quê lập nghiệp. Trên vùng đất đồi khô cằn từng bị bỏ hoang, anh thầu 10ha để phát triển mô hình nông nghiệp tổng hợp. Với hướng đi khác biệt, anh chọn nuôi gà ri bán chăn thả theo phương pháp tự nhiên. Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, mỗi năm anh xuất bán khoảng 50.000 con gà thịt, mang về nguồn thu bền vững.
Bên cạnh chăn nuôi, anh trồng thêm bưởi, ổi, thanh long, hoa thiên lý... tất cả đều áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tưới nhỏ giọt tự động và quy trình chăm sóc hữu cơ. Không dừng lại ở sản xuất, anh mở rộng sang kinh doanh thức ăn chăn nuôi, vừa chủ động nguồn cung, vừa nâng cao hiệu quả tổng hợp. Năm 2020, anh thành lập HTX Hoàng Thủy, doanh thu đạt 7 - 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ có Phạm Văn Tiến hay Nguyễn Danh Hoàng, ở nhiều vùng quê xứ Thanh còn có hàng trăm thanh niên đang ngày ngày bền bỉ dựng xây hành trình lập thân, lập nghiệp bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Đáng chú ý, nhiều bạn trẻ đã chủ động liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX kiểu mới để tăng sức cạnh tranh, chia sẻ nguồn lực, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và vươn ra thị trường lớn. Họ không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn trở thành những người truyền cảm hứng trong cộng đồng, tích cực tham gia hoạt động xã hội, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Bồi đắp nội lực, kết nối tương lai
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt chính sách quan trọng nhằm phát triển toàn diện thanh niên, nổi bật là Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, cùng nhiều đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tỉnh cũng tích cực triển khai các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương Đoàn như Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường phát triển Đảng trong thanh niên, Quyết định số 1481/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực quản lý tình nguyện, hay Đề án “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”. Bên cạnh đó, nhiều nguồn vốn được huy động như vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...
Trong năm 2024, tổng nguồn vốn do đoàn thanh niên quản lý đạt trên 1.712 tỷ đồng, riêng nguồn vốn giải ngân hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đạt 71,6 tỷ đồng. Trong năm 2024 và quý I/2025, các hoạt động hỗ trợ học tập, kỹ năng nghề, hướng nghiệp được tổ chức rộng khắp. Trên 115.000 lượt thanh niên được tư vấn, hướng nghiệp, gần 41.000 thanh niên được giới thiệu việc làm, 25.799 thanh niên đã có việc làm ổn định. Các hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp cũng góp phần giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động và phát huy năng lực cá nhân.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, diễn đàn “Khởi sự doanh nghiệp”, hội thảo khoa học đã được tổ chức thường xuyên. Trong năm qua có tới 1.263 ý tưởng, sáng kiến và 35 dự án khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ hiện thực hóa. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng thành lập 289 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, 20 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế.
Không chỉ hỗ trợ lập nghiệp, các cấp bộ đoàn còn chú trọng đồng hành cùng thanh niên trong học tập và phát triển kỹ năng sống. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã trao hơn 3.100 suất học bổng, tổ chức 65 hoạt động nghiên cứu khoa học, 1.134 hoạt động thể thao, trải nghiệm kỹ năng. Tỉnh đoàn chủ động tổ chức diễn đàn kỹ năng sống, giải bơi “Đường đua xanh”, mô hình “Học kỳ quân đội”, câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật... nhằm nâng cao thể chất và tinh thần cho thế hệ trẻ. Các hoạt động này tạo nền tảng quan trọng để thanh niên tự tin lập nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Các chương trình đồng hành của Đoàn đã góp phần trực tiếp nâng cao tỷ lệ thanh niên có việc làm, tạo ra hàng trăm mô hình kinh tế mới, đưa hàng chục sản phẩm thanh niên sản xuất lên sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 65,6%, tỷ lệ thanh niên dùng tài khoản điện tử đạt 81,9%. Hơn 80% thanh niên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận hoạt động nâng cao năng lực số.
Để tiếp tục đồng hành hiệu quả với thanh niên, Tỉnh đoàn xác định các giải pháp trọng tâm trong đó là: Tăng cường kết nối doanh nghiệp, tổ chức tài chính để bổ sung vốn và cơ hội đào tạo nghề; xây dựng không gian làm việc chung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn bản quyền thương hiệu; nâng cao nền tảng số phục vụ kinh doanh; tổ chức các phong trào hành động giúp đoàn viên rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo và tinh thần công dân số.
Việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp chính là góp phần vào sự phát triển bền vững. Khi tổ chức đoàn, chính quyền và xã hội cùng chung tay, hành trình của thế hệ trẻ sẽ thêm phần vững chắc, mở ra tương lai nhiều khát vọng và thành công.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khoi-day-khat-vong-cong-hien-cho-nguoi-tre-250054.htm
Bình luận (0)