Vàng SJC “rẻ” kỷ lục so với vàng thế giới
Trong suốt thời gian dài, giá vàng SJC thường có tốc độ tăng mạnh hơn so với giá vàng thế giới khiến khoảng cách giữa hai thị trường được nới rộng lên mức cao kỷ lục hơn 15 triệu đồng/lượng. Còn chênh lệch phổ biến nhất là 14 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, trong ngày cuối tuần này, điều ngược lại đang diễn ra. Bất chấp giá vàng thế giới tăng nóng và hướng tới mốc 2.000 USD/ounce, giá vàng SJC chỉ nhích nhẹ nên khoảng cách giữa hai mức giá được rút ngắn xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng gần đây là 12,32 triệu đồng/lượng.
Dù vậy, đây vẫn là chênh lệch rất cao, có thể mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, khoảng cách giữa hai thị trường đạt 2 triệu đồng/lượng là hợp lý nhất.
Cụ thể, đầu giờ 21/10, các cửa hàng kim hoàn điều chỉnh giá vàng SJC tăng nhẹ và lấy lại mốc 71 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Trong khi giá vàng thế giới tăng sốc, hướng về mốc 2.000 USD/ounce, giá vàng SJC chỉ nhích nhẹ khiến khoảng cách giữa hai mức giá xuống mức “rẻ” kỷ lục trong nhiều tháng gần đây. Ảnh minh họa
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ đang niêm yết giá vàng SJC ở mức: 70,20 triệu đồng/lượng – 71,10 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được giao dịch ở mức: 70,25 triệu đồng/lượng – 71,05 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được giao dịch ở mức: 70,25 triệu đồng/lượng – 71 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá chiều mua vào và tăng 30.000 đồng/lượng chiều bán ra. Đây là mức tăng rất khiêm tốn.
Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng nóng hơn vàng SJC. Tại Phú Nhuận, giá vàng PNJ tiếp tục vượt xa mốc cao kỷ lục 59 triệu đồng/lượng khi được mua bán ở mức: 58,10 triệu đồng/lượng – 59,30 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long trao đổi ở mức thấp hơn rất nhiều: 57,93 triệu đồng/lượng – 58,93 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới sắp đạt mốc 2.000 USD/ounce
Giá vàng trong nước chỉ đi tăng nhẹ dù giá vàng thế giới tiếp tục bứt phá và trên hành trình lập những kỷ lục mới.
Trong phiên cuối cùng của tuần này, giá vàng thế giới tiếp tục tăng, nhích gần hơn đến mức tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce, do lo ngại về sự leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột ở Trung Đông đã thúc đẩy sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng thỏi.
Vàng giao ngay tăng gần 0,4% ở mức 1.980,79 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 5 trước đó trong phiên. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,6% lên 1.992,60 USD.
“Mọi người đổ xô vào vàng và tìm thấy cảm giác an toàn trước những rủi ro địa chính trị”, Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, cho biết nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, giá vàng sẽ vượt qua mức 2.000 USD.
Vàng đã tăng 2,9% trong tuần này và tăng thêm gần 160 USD kể từ khi bắt đầu xung đột.
Về mặt kỹ thuật, Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết giá vàng có thể tăng cao hơn và cuối cùng thách thức ngưỡng kháng cự quanh mức 2.075 USD, mức cao kỷ lục danh nghĩa từ năm 2020.
Các nhà giao dịch cũng tiếp thu ý kiến từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm thứ Năm, người đã bỏ ngỏ khả năng cần tăng lãi suất nhiều hơn - điều này sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi lãi suất bằng 0 - nhưng cũng lưu ý những rủi ro mới nổi và cần phải thận trọng. .
Trên thị trường vật chất, các đại lý vàng ở Ấn Độ buộc phải đưa ra mức chiết khấu cao hơn do giá trong nước tăng vọt làm chậm nhu cầu trước lễ hội quan trọng.
Bạc tăng 1,4% lên 23,36 USD/ounce, bạch kim tăng 0,5% lên 895,45 USD. Cả hai đều được thiết lập cho mức tăng hàng tuần thứ hai liên tiếp.
Palladium giảm 1,01% xuống còn 1.102,32 USD, nhưng đang hướng tới tuần giảm thứ tư liên tiếp.
Nguồn
Bình luận (0)