Tết không về quê, dịp lễ 30/4-1/5 cũng thế, nhiều công nhân tại TPHCM chọn ở lại thành phố để tiết kiệm chi phí, khi tình hình kinh tế ngày càng khó khăn.
Đại gia đình cùng bám trụ thành phố
Trời nóng như đổ lửa, gia đình anh Nguyễn Văn Thái, đổ mồ hôi ướt đẫm người trong căn trọ chưa đầy 20 m2 ở quận 7 (TPHCM).
Anh Thái làm công việc tự do, vợ anh là công nhân tại nhà máy ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Cũng như mọi năm, năm nay, gia đình anh không về quê nhà Đắk Lắk để thăm gia đình dịp lễ 30/4-1/5.
Công nhân không về quê chơi lễ, chọn ở lại phòng trọ để tiết kiệm chi phí (Ảnh: Nguyễn Vy).
Dù có chút tiếc nuối và nhớ nhà, anh cho biết “đã quen với nỗi buồn” vì tình thế bắt buộc. Nhà máy nơi vợ anh làm việc cũng chỉ cho nghỉ 2 ngày, vậy nên cả nhà chọn ở lại thành phố.
Dịp lễ, cả gia đình chỉ quanh quẩn trong khu trọ. Trời nóng bức, anh vẫn cố an ủi rằng: “Ở ngoài còn nóng hơn. Xem như không về quê, không đi chơi cũng là một cách để tránh nóng”.
Gần đây, công việc của anh không ổn định nên thu nhập cũng “ba cọc ba đồng”, đặc biệt trong kỳ nghỉ, tiền kiếm được cũng càng bấp bênh hơn. Tiền không có nhiều, chỉ đủ trang trải qua ngày, anh Thái và vợ cũng không còn tâm trí vui chơi, giải trí.
“Đây là khó khăn chung nên chúng tôi cũng hiểu. Giờ phải thắt lưng buộc bụng thôi chứ không thể tiêu xài thoải mái như trước. Vậy nên Tết hay lễ không về quê thăm nhà giờ đã thành chuyện bình thường rồi”, anh nói nửa đùa, nửa thật.
Kinh tế khó khăn, người lao động càng sống cảnh “thắt lưng buộc bụng” (Ảnh: Nguyễn Vy).
Ở khu trọ cho người lao động tại quận 8, cảnh im lìm vào những dịp lễ như những năm trước không còn nữa. Khu trọ giờ đây vẫn nhộn nhịp tiếng nói cười, cảnh người ra vào liên tục, không khác biệt ngày thường là bao. Bởi phần lớn công nhân cũng chọn ở lại thành phố, không về thăm nhà.
Ông Bạch Văn Thái (quê tại Trà Vinh), cho hay gia đình ông cũng có 3 hộ sống tại khu trọ làm công nhân ở TPHCM. Dịp lễ này, cả 3 hộ đều không về quê thăm gia đình mà chọn ở lại quây quần cùng nhau.
“Đây là năm thứ 2 chúng tôi không về quê chơi lễ. Lần đầu không về cũng thấy buồn, nhưng giờ quen rồi, thấy cũng bình thường thôi. Không về thì chúng tôi cùng nhau nấu nướng, ăn uống ở nhà trọ, vừa vui, vừa tiết kiệm nhiều chi phí, lại không phải chen chúc trên đường”, ông Thái bộc bạch.
Mơ ngày đoàn tụ
Dù đã nguôi ngoai nỗi nhớ quê, ông Thái giống như nhiều công nhân khác, cũng “mơ” cảnh công việc ổn định trở lại, tài chính gia đình dư dả như trước.
Công nhân hứa hẹn sẽ cố gắng về quê thăm nhà khi kinh tế dần ổn định hơn (Ảnh: Nguyễn Vy).
“Năm ngoái, tôi và vợ nằm trong danh sách sa thải vì nhà máy liên tục cắt giảm lao động. Tuổi đã cao, tìm việc làm khó, hai vợ chồng phải trầy trật đến đầu năm 2024 mới tìm được việc. Có việc rồi, chúng tôi không dám tiêu xài vì sợ cảnh thất nghiệp như năm ngoái. Vậy nên vào những kỳ nghỉ, gia đình tôi sẽ cố gắng tiết kiệm hết mức”, ông Thái chia sẻ.
Nam công nhân Minh Chính (quê tại tỉnh An Giang) cho hay năm nay gia đình anh cũng không về quê dịp lễ 30/4-1/5, nhưng hi vọng sẽ về thăm nhà trong các kỳ nghỉ tới.
Đầu năm nay, anh Chính mừng rỡ báo tin nhà máy thông báo công nhân được tăng ca 2 giờ/ngày. Thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng, anh Vũ cho hay nếu được tăng ca, anh có thể được nhận khoảng 11 triệu đồng/tháng.
Năm nay, công việc của nhiều công nhân đã dần ổn định trở lại (Ảnh: Nguyễn Vy).
Mỗi ngày, anh Chính đều về nhà khi trời đã tối. Nhưng ngược lại, anh cảm thấy hạnh phúc khi thu nhập của mình được cải thiện, không còn cảnh thiếu trước, hụt sau như năm ngoái.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, trong quý I năm 2024, số lao động có việc làm đang dần quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời điểm trước dịch Covid-19. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 301.000 đồng so với quý trước và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng hơn 174.000 người (tương ứng tăng 0,34%) so với cùng kỳ năm trước. Sau Tết là thời điểm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết.
So với quý trước, tình hình thất nghiệp quý I có cải thiện. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là khoảng 1,05 triệu người, giảm hơn 10.300 người so với quý trước và tăng hơn 5.400 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Dân trí
Nguồn: https://tienphong.vn/khong-ve-que-nhieu-cong-nhan-vui-le-trong-khu-tro-lo-than-o-tphcm-post1633276.tpo