Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2024), đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu tầm nhìn chiến lược: “Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”(1).
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, ngày 23-9-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Trung ương thống nhất đánh giá: Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”(2).
Ngày 31-10-2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3), lần đầu tiên lãnh đạo Đảng cụ thể hóa nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách có liên quan đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ mục đích và mục tiêu: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”(3).
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu đội ngũ cán bộ nhận thức đầy đủ việc chuẩn bị điều kiện để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước hết là những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo; là cơ hội chiến lược quan trọng được tạo ra trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại trên thế giới ngày nay; là ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu...
Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; tích cực chống lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất; phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình.
Đến nay, có thể khái quát mục tiêu cơ bản của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất trong bối cảnh mới, hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền sản xuất công nghiệp hiện đại dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; người dân được thụ hưởng phồn vinh, hạnh phúc; đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, gia tăng vị thế, vai trò, uy tín trên trường quốc tế; có đủ sức mạnh và năng lực làm chủ trước mọi loại hình chiến tranh hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Cơ sở, tiền đề quý báu từ công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc
Đối với Việt Nam, một bước ngoặt mới đã được mở ra từ năm 1945. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do”. Từ một thuộc địa bị thực dân Pháp đô hộ, một chế độ phong kiến lạc hậu ở phương Đông, Việt Nam tuyên ngôn với toàn thế giới vị thế là quốc gia độc lập, có chủ quyền, một chế độ của nhân dân lao động. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khắc họa thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Để giữ vững độc lập, tự do, quân và dân Việt Nam đã phải tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn và thắng lợi vẻ vang trước các thế lực thực dân, đế quốc đầu sỏ và phản động quốc tế; đồng thời, phải nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đến mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa vĩ đại đối với quốc gia - dân tộc, mà còn mang tầm vóc thời đại cao cả, thời đại của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Việt Nam đã lập nên một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc; trở thành dân tộc tiên phong trong sự nghiệp chống thực dân, đế quốc của các dân tộc trên thế giới và cả loài người tiến bộ; đại diện cho văn minh chiến thắng bạo tàn; thể hiện lương tâm và khí phách của thời đại(4). Đây là cơ sở, tiền đề quý báu để đất nước bước vào những trang sử mới vẻ vang, trong đó có kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cơ sở, tiền đề trực tiếp từ thời kỳ đổi mới và phát triển
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng đường lối và ngay sau đó là công cuộc đổi mới đất nước nhằm khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội và đưa đất nước đi lên. Với dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng quy luật khách quan, bám sát điều kiện cụ thể, hàng loạt chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... đúng đắn, phù hợp đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, chỉ sau 10 năm (1986 - 1996), Việt Nam đã khắc phục được khủng hoảng và bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ. Đến năm 2010, với thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 1.000 USD/năm, Việt Nam ra khỏi tình trạng chậm phát triển, đứng vào danh sách nước có thu nhập trung bình trên thế giới.
Đến nay, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt gần 450 tỷ USD, tăng gấp hơn 96 lần so với năm 1986; bình quân đầu người đạt trên 4.600 USD. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới; một trong 20 thị trường ngoại thương, năm 2024 đạt con số kỷ lục 783 tỷ USD và thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất toàn cầu; quốc gia hàng đầu về Chỉ số phát triển con người (HDI), về đổi mới sáng tạo… trong nhóm các nước cùng trình độ phát triển kinh tế; có quan hệ ngoại giao với 194 nước; xây dựng 30 quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, trong đó có 12 đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới và khu vực; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, chủ động trong cộng đồng quốc tế… Dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ tăng từ mức 450 tỷ USD năm 2024 lên 676 tỷ USD vào năm 2029 và tiếp tục lên mức 1.410 tỷ USD vào năm 2039, đứng thứ 25 trên thế giới(5).
Chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(6). Đây là cơ sở, tiền đề trực tiếp để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời đại mới.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Thành tựu mang tầm vóc thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và phát triển tạo ra tiền đề vững chắc cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã đề ra mục tiêu vươn mình đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Đề ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao là có đầy đủ căn cứ. Đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia được tạo ra từ các thời kỳ trước, nhất là trong quá trình đổi mới. Đó là kinh nghiệm của các nước đi trước, chỉ trong vòng 2 - 3 thập niên công nghiệp hóa thành công, đều trở thành quốc gia phát triển. Đó là cơ hội mới do bước ngoặt vận động của thế giới đem lại cho các nước đi sau có thể về đích sớm. Đó là động lực tinh thần to lớn của hơn 100 triệu người Việt Nam quyết tâm thực hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”...
Chiến lược cấp bách, mở đường
Tầm nhìn và mục tiêu vươn mình của dân tộc đã sáng tỏ, vấn đề đặt ra phải kịp thời có chiến lược cấp bách, mở đường và phải được thực hiện hiệu quả:
Trước hết, chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đã xuất hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Công nghiệp hóa là nội dung cốt lõi của phát triển và hiện đại hóa ngày nay, quyết định trình độ phát triển của mỗi quốc gia dân tộc; đồng thời, tạo ra tiền đề cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã từng khẳng định, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể chiến thắng, suy cho cùng, bằng năng suất lao động và trình độ xã hội hóa lực lượng sản xuất, đều do công nghiệp hóa tạo ra.
Do nhiều nguyên nhân, Việt Nam không có điều kiện tham gia ba cuộc cách mạng công nghiệp trước kia; bởi vậy, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay phải tích hợp đáp ứng yêu cầu đa dạng của ba trình độ sản xuất công nghiệp đã qua là cơ khí hóa, điện khí hóa và tin học hóa; đồng thời, phù hợp với trình độ số hóa của nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Mặt khác, ngày nay không còn nhiều ranh giới, khác biệt giữa thị trường quốc nội và thị trường quốc tế. Bởi vậy, các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, hướng xuất khẩu hoặc hỗn hợp vừa hướng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu đều không còn phù hợp. Việt Nam cần hoạch định chiến lược đúng đắn, trong đó phải sáng rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp, xác định trúng mũi nhọn công nghiệp hóa của đất nước.
Thứ hai, chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trước kia, Đảng đã xác định đường lối tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Ngày nay, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Không quốc gia nào trở thành quốc gia phát triển mà không có khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo ở trình độ cao. Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học - công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước, ngày 22-12-2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đã được ban hành. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ ra định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ(7).
Thứ ba, chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh đòi hỏi tốc độ cao trong tăng trưởng kinh tế, gia tăng sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phát triển bền vững đòi hỏi hiệu quả và năng suất lao động cao, không tăng đầu tư, nguyên nhiên vật liệu, lao động..., nhưng vẫn tăng nhanh sản lượng, chất lượng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường sinh thái lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Cả phát triển nhanh và phát triển bền vững đều cần chủ trương, chính sách riêng biệt, cũng như sự kết hợp chủ trương, chính sách về phát triển nhanh và phát triển bền vững trong một chỉnh thể thống nhất, hài hòa.
Thứ tư, chiến lược phòng, chống lãng phí. Phòng, chống lãng phí nguồn lực là đòi hỏi cấp bách nhất. Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt thành tựu tăng trưởng kinh tế khá cao, ngay cả trong thời điểm suy thoái kinh tế thế giới và dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, động lực tạo ra tăng trưởng trong trường hợp Việt Nam vẫn chủ yếu là tăng đầu tư và tăng lao động. Chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) của Việt Nam, tuy có bước chuyển biến nhưng vẫn còn cao trong so sánh toàn cầu: năm 2022 là 5,13 điểm; năm 2023 vọt lên 6,0 điểm, tương đương những năm từ 2011 đến 2019, tức là lớn hơn khoảng 3 lần so với các nước đang phát triển. Tình trạng tỷ lệ giữa tổng vốn đầu tư phát triển và quy mô GDP cao hơn tỷ lệ giữa tích lũy tài sản và quy mô GDP; năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) còn thấp… hiện hữu từ nhiều năm nay, đang gây ra không ít nguy cơ cho một số cân đối kinh tế vĩ mô(8). Việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, tiêu hao rất lớn nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Yếu kém này do xuất phát điểm lạc hậu của nền sản xuất và cũng do đột phá chậm chạp về thể chế phát triển gây ra, cần được tháo gỡ kịp thời.
Có lãng phí do nhân tố chủ quan tạo ra, như sử dụng thiếu hiệu quả ngân sách, tài sản công; tiêu dùng xa hoa, xa xỉ; lợi ích nhóm trong phân bổ đầu tư; tệ quan liêu, bệnh giấy tờ, thủ tục hành chính; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong thi hành công vụ... đang làm lãng phí khối lượng nguồn lực khổng lồ, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân. Lãng phí này thật sự là “giặc nội xâm” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, chiến lược xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tế lịch sử thể hiện rất rõ quy luật về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay.
Trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh kết quả không thể phủ nhận của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng vẫn còn tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, chặn đứng và khắc phục tình trạng suy thoái này là mục tiêu số một của chiến lược xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu thứ hai của chiến lược, phải bảo đảm Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là đội tiên phong về chính trị, tư tưởng dẫn dắt nhân dân vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thật sự tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc.
Mục tiêu thứ ba, bảo đảm Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự “là đạo đức, là văn minh” như lãnh tụ Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh. Mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là một tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để toàn Đảng xứng với danh xưng gần gũi mà vinh quang: Đảng ta, Đảng của nhân dân Việt Nam đã tuyệt đối tin tưởng, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh dưới lá cờ búa liềm thắm đỏ màu hồng cách mạng.
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, gần nhất là lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930, toàn Đảng, toàn dân rất đỗi tự hào về những thắng lợi vẻ vang, trong đó có không ít kỳ tích vươn mình, biến điều tưởng như không thể trở thành có thể. Phía trước, có nhiều thuận lợi, cơ hội cùng khó khăn, thách thức đan xen nhưng một kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
-----------------------------
(1) GS. TS. Tô Lâm: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tạp chí Cộng sản, số 1045, tháng 9-2024, tr. 7
(2) Xem: “Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, Tạp chí Cộng sản, số 1046, tháng 9 - 2024, tr. 13
(3) Xem: GS. TS. Tô Lâm: “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 1050, tháng 11-2024, tr. 3
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 457
(5) Xem: “10 dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội năm 2024”, Tạp chí Điện tử Kinh tế Việt Nam, ngày 30-12-2024, https://vneconomy.vn/10-dau-an-noi-bat-kinh-te-xa-hoi-nam-2024.htm
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 104
(7) Xem: GS. TS. Tô Lâm: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13-01-2025
(8) Xem: Minh Nhung: “Nhận diện tăng trưởng kinh tế dưới góc nhìn tốc độ và chất lượng”, Báo Đầu tư điện tử, ngày 19-3-2024, https://baodautu.vn/nhan-dien-tang-truong-kinh-te-duoi-goc-nhin-toc-do-va-chat-luong-d210914.html
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1089002/ky-nguyen-vuon-minh-cua-viet-nam-trong-thoi-dai-moi--muc-tieu-va-chien-luoc-cap-bach.aspx
Bình luận (0)