Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam mới có 6 tỷ phú USD, khoảng hơn 100 doanh nghiệp có quy mô doanh thu 1 năm trên 5.000 tỷ đồng. Nhưng với sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có một làn sóng phát triển mới của các tập đoàn tư nhân mang tính dẫn dắt.
Hạt nhân của kinh tế tư nhân
Cơ cấu kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam bao gồm đa dạng các hình thức kinh doanh, từ các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể nhỏ đến các DN lớn, trong đó, cấu phần DN gia đình đang giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong tổng thể KTTN. Trong bức tranh kinh tế Việt Nam, DN gia đình không chỉ là một mô hình kinh doanh phổ biến mà còn đóng vai trò nền tảng trong tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo nhiều thống kê, nghiên cứu, các DN gia đình chiếm khoảng 70% tổng số DN và đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP.
Theo ông Phí Ngọc Chung - Chủ tịch Tập đoàn thực phẩm Trung Thành, nếu các tập đoàn kinh tế lớn là bước chân khổng lồ thì những DN gia đình là những bước chân nhỏ, tạo ra hàng hóa đan xen lan tỏa khắp thị trường. Sức cạnh tranh với hàng nhập, sản phẩm để tiêu thụ nội địa đều phải dựa vào các công ty gia đình.
Kinh doanh gia đình tại Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Nhiều công ty gia đình khởi nghiệp từ nhu cầu cá nhân, với mô hình kinh doanh gia đình để tận dụng các ưu thế về sự đồng thuận và mức độ tập trung cao, ra các quyết định nhanh, kịp thời trước các biến động của thị trường. Điều này tạo nên sự năng động, khả năng ứng phó nhanh trong các hoàn cảnh hay tình huống khác nhau.
Ông Bùi Minh Lực - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Minh cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn lớn của Việt Nam hiện nay đều đã trải qua chặng đường hình thành và phát triển theo mô hình DN gia đình. Từ khi đất nước đổi mới năm 1986, các DN tư nhân được thành lập đầu những năm 1990, trải qua hơn 30 năm, hàng triệu DN đã được thành lập (và trong số đó có không ít DN đã dừng hoạt động, phá sản). Đến nay Việt Nam mới có 6 tỷ phú USD, có khoảng hơn 100 DN có quy mô doanh thu 1 năm trên 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1 năm trên 200 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, thực tế cho thấy, DN gia đình là một trụ cột bền vững, âm thầm nhưng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Từ các cơ sở sản xuất nhỏ ở làng quê cho đến các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc gia, phía sau đều là bóng dáng của một gia đình, một truyền thống, một niềm tin được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Tại tỉnh Tuyên Quang, tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều mô hình DN gia đình - họ có thể không ồn ào, không hiện đại như các start-up công nghệ, nhưng lại sở hữu một thứ “vốn quý” rất đặc biệt: sự kiên định, cam kết lâu dài và tính kế thừa bền vững. Đây là lực lượng tạo ra hàng vạn việc làm, gìn giữ giá trị truyền thống và đóng góp ổn định cho ngân sách địa phương” - ông Thập chia sẻ.
Mục tiêu kiếm tiền tỷ USD
Dẫn câu nói của ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng DN gia đình Việt Nam: “Các DN gia đình đang ngày càng nuôi khát vọng lớn hơn. Khoảng 20 năm về trước, các doanh nhân thế hệ đầu tiên nghĩ đến mục tiêu kiếm nhiều triệu USD, thì nay, nhiều doanh nhân đã nghĩ đến câu chuyện kiếm vài tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho rằng, Nghị quyết 68 như một lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với các DN gia đình - hạt nhân quan trọng trong khu vực kinh tế tư nhân, phải vươn mình mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn và tư duy dài hạn hơn.
![]() |
Ông Phí Ngọc Chung |
Ông Phí Ngọc Chung - Chủ tịch Tập đoàn thực phẩm Trung Thành: “Nếu các tập đoàn kinh tế lớn là bước chân khổng lồ thì những DN gia đình là những bước chân nhỏ, tạo ra hàng hóa đan xen lan tỏa khắp thị trường. Sức cạnh tranh với hàng nhập, sản phẩm để tiêu thụ nội địa đều phải dựa vào các công ty gia đình”.
“Chúng tôi cảm thấy như được “đánh thức” tư duy phát triển vượt giới hạn “gia đình” và được khơi dậy tinh thần doanh nhân hiện đại với tư duy chiến lược, tiếp cận thị trường toàn cầu, dám đổi mới. Mỗi doanh nhân phải nhìn nhận DN của mình không chỉ là “của để dành” cho gia đình mà là một tổ chức tạo giá trị xã hội bền vững” - bà Vinh chia sẻ.
Đáng chú ý, bà Vinh cho rằng, nếu DN gia đình là hạt giống tốt thì thế hệ doanh nhân hôm nay cần là những người gieo trồng bằng tư duy mới, nuôi dưỡng bằng năng lực thực tế và kết nối bằng tinh thần cởi mở. Chỉ khi đó, DN gia đình Việt Nam mới thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 68 “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước”.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng DN gia đình Việt Nam khẳng định, Nghị quyết 68-NQ/TW là bước ngoặt lớn, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng trong việc xác lập vai trò then chốt của KTTN. “Với sự hỗ trợ đồng bộ về thể chế, tài chính, đất đai, nhân lực và đổi mới sáng tạo, tôi tin rằng sẽ có một làn sóng phát triển mới của các tập đoàn tư nhân mang tính dẫn dắt, không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực” - ông Đoàn kỳ vọng.
* Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng DN gia đình Việt Nam:
Cần khơi gợi khát vọng lớn trong đội ngũ kế cận
Ông Phạm Đình Đoàn
DN gia đình là một mô hình bền vững, nếu được quản trị tốt sẽ phát huy hiệu quả rất cao trong dài hạn. Ưu điểm nổi bật nhất chính là sự gắn bó lâu dài, tinh thần trách nhiệm và tính cam kết cao của các thành viên trong gia đình. Họ coi DN như chính sinh mệnh của mình, từ đó đưa ra quyết định không chỉ vì lợi nhuận ngắn hạn mà vì sự phát triển bền vững qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, tính linh hoạt trong điều hành, khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng, sự tin tưởng nội bộ và văn hóa DN được duy trì chặt chẽ là những lợi thế đặc thù mà các DN gia đình sở hữu.
Tuy nhiên, để DN gia đình tiếp tục phát triển mạnh mẽ, điều quan trọng là cần khơi gợi khát vọng lớn trong đội ngũ kế cận - thế hệ thứ hai, thứ ba của các DN gia đình. Họ phải được tạo điều kiện học tập, trải nghiệm và có tầm nhìn toàn cầu, đồng thời giữ được giá trị cốt lõi mà thế hệ sáng lập đã xây dựng. Người đứng đầu DN gia đình phải là người truyền cảm hứng, có đạo đức kinh doanh và tầm nhìn dài hạn. Tính gương mẫu trong quản trị, minh bạch tài chính, dám thay đổi và dám trao quyền sẽ quyết định việc DN đó có thể phát triển bền vững qua nhiều thế hệ hay không.
* Bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng:
DN gia đình sẽ trở thành một phần sức mạnh nội sinh của kinh tế Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Vinh
Nếu biết khai thác đúng cách, DN gia đình sẽ không chỉ là một mô hình kinh doanh hiệu quả, mà còn là một phần bản sắc văn hóa và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam. Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, mô hình này càng cần được quan tâm, hỗ trợ và tiếp sức để khẳng định vai trò xứng đáng của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, cần biến giá trị cốt lõi gia đình thành nền tảng văn hóa DN, gồm chữ tín, trách nhiệm, chất lượng, kiên cường.
Bên cạnh đó, các DN gia đình cần liên kết và học hỏi lẫn nhau. Đây là hoạt động thực tiễn hết sức cần thiết. Đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào các mạng lưới doanh nhân gia đình, diễn đàn, các hội thảo chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm; Liên kết hợp tác theo ngành hàng, vùng miền để hình thành chuỗi giá trị - thay vì cạnh tranh nhỏ lẻ, tự phát; Tạo diễn đàn riêng cho thế hệ kế tiếp để cùng học hỏi, kết nối, phát triển tầm nhìn chung.
* Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang:
Tạo một hệ sinh thái chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho DN gia đình
Ông Nguyễn Hữu Thập
Để doanh nghiệp gia đình “bứt phá”, chúng ta cần “thắp lửa” đổi mới. Điều đó không có nghĩa là xóa bỏ truyền thống, mà là giúp họ hòa nhập vào dòng chảy của chuyển đổi số, quản trị hiện đại và hội nhập quốc tế, mà không mất đi bản sắc của mình. Cần có cơ chế tư vấn riêng cho họ, đào tạo lớp kế cận và đặc biệt là xây dựng niềm tin để họ yên tâm chuyên nghiệp hóa mà không đánh mất sự gắn kết gia đình - vốn là linh hồn của mô hình này.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, tôi luôn chủ trương kết nối các DN gia đình lại với nhau, bằng hình thức thành lập câu lạc bộ Kế Nghiệp trực thuộc hiệp hội đầu tiên trong cả nước tạo thành một hệ sinh thái chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ pháp lý - tài chính - quản trị. Đồng thời, với vai trò trong Hội đồng Doanh nhân Gia đình Việt Nam, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần một chiến lược quốc gia riêng cho DN gia đình, bởi họ chính là “rễ sâu” để kinh tế Việt Nam có thể “vươn xa” một cách vững chắc.
Nguồn: https://baophapluat.vn/ky-vong-lua-doanh-nghiep-lon-moi-se-ra-rang-bai-1-doanh-nghiep-gia-dinh-nuoi-khat-vong-lon-post549790.html
Bình luận (0)