Nơi phát tích đại lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn
Từ ngày 30.5 – 2.6, chùa Quán Thế Âm (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) sẽ vinh dự là địa điểm tôn trí xá lợi Đức Phật tại khu vực miền Trung. Đây là sự kiện tâm linh trọng đại trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - đánh dấu lần đầu tiên xá lợi Đức Phật được cung rước và tôn trí tại 5 địa phương trên khắp Việt Nam, trong đó có TP.Đà Nẵng.
Ngũ giác đài Sen Ngọc của chùa Quán Thế Âm sẽ là nơi tôn trí xá lợi Đức Phật
ẢNH: HOÀNG SƠN
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho biết ngôi chùa gắn với lễ hội Quán Thế Âm đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 3.2.2021. Sự kiện được chọn là nơi tôn trí xá lợi Đức Phật là niềm vinh dự không chỉ riêng nhà chùa mà còn của đông đảo tăng ni, phật tử và người dân mong muốn được chiêm bái.
Ngược dòng lịch sử, thượng tọa Thích Huệ Vinh cho hay, lễ hội được hình thành từ việc hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm hoàn toàn thiên tạo bằng thạch nhũ, tay cầm bình cam lồ, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn.
Lối vào hang động nơi được phát hiện tượng Quan Âm bằng thạch nhũ
ẢNH: HOÀNG SƠN
Ngày 19.2.1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã thành lập Hội phổ Quan Âm và làm trưởng ban tổ chức Ngày lễ vía Quan Âm tại chùa.
Từ năm 1991, lễ hội được tổ chức quy mô, diễn ra từ ngày 17 - 19 tháng 2 âm lịch. Trong đó, ngày 19 là ngày lễ chính thức, gồm lễ vía Quán Thế Âm; lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm; lễ hóa trang Quán Thế Âm...
Tượng Quan Âm bằng thạch nhũ có chiều cao bằng người thật
ẢNH: HOÀNG SƠN
Năm 2025 là năm thứ 3, lễ hội Quán Thế Âm được Đà Nẵng tổ chức ở quy mô cấp thành phố với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm dấu ấn tâm linh, văn hóa Phật giáo (diễn ra từ ngày 16 - 19.3 - nhằm ngày 17 - 20.2 âm lịch).
Điểm nhấn của lễ hội là lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm – một nghi thức được người dân đón đợi với sự xuất hiện của các chư tôn đức, hòa thượng… cùng màn hóa trang đức Quán Thế Âm đặc sắc và nghi thức rước tôn tượng.
Ngọn Kim Sơn nơi đặt chùa Quán Thế Âm từ khoảng 70 năm trước được nhìn từ ngôi chùa mới, được xây dựng khoảng vài năm trở lại đây
ẢNH: HOÀNG SƠN
Theo hồ sơ Cục Di sản văn hóa, để hóa trang tái hiện hình tượng Quán Thế Âm, mỗi năm nhà chùa sẽ chọn 1 trong 32 ứng hóa của Bồ tát để hóa thân.
Theo Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, từ một lễ vía thuần túy trong Phật giáo, nhằm tôn vinh lòng từ bi, hỷ xả của đức Quán Thế Âm Bồ tát, trải qua thời gian, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã trở thành một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc tín ngưỡng Phật giáo.
Lễ hội Quán Thế Âm gắn với chùa cùng tên trở thành một trong những lễ hội tâm linh lớn trên cả nước
ẢNH: HOÀNG SƠN
Gắn liền với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn - món quà vô giá từ thiên nhiên, lễ hội Quán Thế Âm ngày càng được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động phong phú, đáp ứng nhu cầu chiêm bái của tín đồ Phật giáo và thu hút đông đảo du khách.
Nơi vua Minh Mạng 3 lần ngự giá vãn cảnh Ngũ Hành Sơn
Nằm dưới chân ngọn Kim Sơn – một trong những ngọn núi thuộc di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Quán Thế Âm ngày nay có mặt tiền nhìn ra sông Cổ Cò thơ mộng đã được khơi thông dòng chảy.
Chùa Quán Thế Âm - nơi được chọn tôn trí xá lợi Đức Phật là địa chỉ thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham quan và chiêm bái
ẢNH: HOÀNG SƠN
Nhiều tài liệu lịch sử cho biết, sông Cổ Cò từng là tuyến giao thương thủy huyết mạch nối Đà Nẵng và Hội An, nơi vua Minh Mạng đã 3 lần ngự giá vãn cảnh Ngũ Hành Sơn. Trong đó, bến ngự được cho là nằm ở khu vực thuộc sông Cổ Cò đoạn chảy qua chùa Quán Thế Âm.
Dưới thời vua Minh Mạng (tại vị từ năm 1820 - 1841), trong vòng 12 năm, ngài đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn.
Lần thứ nhất vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thuyền ngự đã đến bến Hóa Khuê để vua cùng các đại thần vãn cảnh. Trong lần đầu đến Ngũ Hành Sơn này, vua đã cho xây dựng 2 con đường bậc cấp lên núi, gồm chùa Tam Thai (nay là cổng 1) và lối lên chùa Linh Ứng (nay là cổng 2). Vua cũng sắc phong chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng là quốc tự.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm kể về những phát hiện liên quan đến nơi vua Minh Mạng từng dừng bước để lên bờ vãn cảnh Ngũ Hành Sơn
ẢNH: HOÀNG SƠN
Lần thứ 2 đến Ngũ Hành Sơn vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn ở chùa Tam Thai.
Lần thứ 3 vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua ban tên gọi chính thức cho các ngọn núi tương ứng ngũ hành. Trong đó, ngọn núi phía đông bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn, 3 ngọn núi phía tây nam là Mộc Sơn, Dương Hỏa và Âm Hỏa. Hai ngọn phía tây là Thổ Sơn, Kim Sơn. Cũng trong năm 1837, vua cho lập bia Vọng Giang đài hướng sông Cổ Cò và bia Vọng Hải đài hướng nhìn ra Biển Đông.
Được chọn là nơi tôn trí xá lợi Đức Phật, chùa Quán Thế Âm dự kiến sẽ đón hàng vạn tăng ni, phật tử và du khách đến chiêm bái
ẢNH: HOÀNG SƠN
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho rằng nhiều khả năng trong 3 lần vua Minh Mạng đến thăm Ngũ Hành Sơn đều bằng đường sông Cổ Cò.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho biết năm 1987 – 1988, trong lúc làm ruộng cùng người dân đã phát hiện một cây cọc lim đen tuyền cắm sâu bên bờ sông trước chùa, nghi là cọc buộc thuyền của đoàn ngự giá xưa.
Hình ảnh Đức Phật cùng các vị Bồ tát được các phật tử chùa Quán Thế Âm hóa trang trong dịp lễ hội vào tháng 3 vừa qua
ẢNH: HOÀNG SƠN
Ngoài ra, tại khuôn viên chùa còn phát hiện nền đường đá cổ, nhiều khả năng là lối đi vua từng bước qua. Những chứng tích này càng củng cố giả thuyết về sự ghé chân của vua Minh Mạng tại chùa Quán Thế Âm, điểm dừng linh thiêng bên dòng sông cổ.
Một truyền thuyết khác có liên quan đến khu vực chùa Quán Thế Âm tọa lạc, đó là vào tháng 5 năm Đinh Mùi 1307, đoàn hộ tống Huyền Trân công chúa từ Chiêm Thành trở về đã cập bến sông Cổ Cò và công chúa có thể đã dừng chân tại vùng Ngũ Hành Sơn.
Chùa Quán Thế Âm nằm ở vị trí có giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng của chùa quy mô lớn phù hợp với việc đón hàng vạn người đến chiêm bái xá lợi Đức Phật
ẢNH: HOÀNG SƠN
Chính sự gắn bó đầy huyền thoại này đã được nhân dân địa phương lưu giữ qua các đời, thể hiện qua việc lập nên các miếu thờ vọng công chúa tại Ngũ Hành Sơn tại khu vực ngọn Kim Sơn mà người dân thường gọi là miếu Bà.
Theo thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, dù chưa có tư liệu lịch sử xác thực hoàn toàn nhưng truyền thuyết cộng với việc miếu Bà tồn tại từ bao đời qua đã trở thành một phần tâm linh thiêng liêng của vùng đất.
Người dân thờ cúng Huyền Trân công chúa tại miếu được xây dựng cạnh ngọn Kim Sơn
ẢNH: HOÀNG SƠN
Từ năm 2017, nhằm kết nối chiều sâu văn hóa, lịch sử với các hoạt động lễ hội Quán Thế Âm, thượng tọa Thích Huệ Vinh đã hình tượng hóa hành trình cứu công chúa Huyền Trân trong hội đua thuyền truyền thống. Hình ảnh thủy quân Đại Việt đưa công chúa vượt biển trở về quê hương, trong khi quân Chiêm Thành truy đuổi phía sau được tái hiện sinh động, tạo nên kịch tính và ý nghĩa lịch sử cho phần thi.
Là nơi phát tích lễ hội Quán Thế Âm cùng sự giao thoa giữa huyền tích, lịch sử và văn hóa bản địa, với việc được chọn là nơi tôn trí xá lợi Đức Phật, chùa Quán Thế Âm càng thể hiện vai trò thiêng liêng gắn với di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lai-lich-dac-biet-cua-ngoi-chua-duoc-chon-ton-tri-xa-loi-duc-phat-185250527125712073.htm
Bình luận (0)