Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lâm Đồng: Tiềm năng và cơ hội phát triển

Tỉnh Lâm Đồng hiện có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với ba vùng sinh thái, gồm cao nguyên, trung du và duyên hải; hội tụ đủ các yếu tố biển, rừng, cửa khẩu, cảng...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng25/07/2025

Tỉnh Lâm Đồng hiện có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với ba vùng sinh thái, gồm cao nguyên, trung du và duyên hải; hội tụ đủ các yếu tố biển, rừng, cửa khẩu, cảng biển… mở ra dư địa và tiềm năng phát triển rộng lớn.

Đây là điều kiện “vàng” để hình thành cực tăng trưởng mới, góp phần dẫn dắt xu thế kinh tế xanh và phát triển bền vững cho khu vực miền trung-Tây Nguyên và cả nước.

Mặc dù trước mắt còn gặp nhiều thách thức, khó khăn, nhưng với không gian và vị thế phát triển mới, Lâm Đồng có đủ điều kiện thuận lợi để tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và tạo sức bật trong giai đoạn tới.

Nhận diện tiềm năng, thế mạnh

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên hơn 24 nghìn km2, lớn nhất cả nước; với 103 xã, 20 phường và đặc khu Phú Quý; dân số hơn 3,87 triệu người, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 18,6%. Lâm Đồng giáp các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Vương quốc Campuchia và Biển Đông.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định: “Việc hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng mới là cơ hội lịch sử để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, tạo nên một không gian phát triển mới rộng lớn và mạnh mẽ hơn”.

Điều dễ nhận diện nhất trong những trụ cột phát triển kinh tế-xã hội Lâm Đồng là du lịch, với đa dạng cung bậc rừng và biển, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng sắc màu văn hóa của các dân tộc…

Ở vùng cao nguyên, thương hiệu du lịch Đà Lạt lâu nay đã được định vị trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Phía tây Lâm Đồng là vùng đất gắn với cao nguyên Mnông, nơi có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, cùng các thác nước hùng vĩ Đray Sáp, Liêng Nung; Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể… có thể khai thác để phát triển du lịch khám phá, sinh thái, du lịch địa chất và du lịch cộng đồng. Vùng duyên hải là những bãi biển đẹp, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, hệ sinh thái đảo phong phú, khu du lịch quốc gia Mũi Né. Lâm Đồng còn sở hữu các di sản, như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mộc bản triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang... tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười nhấn mạnh, từ nhận diện tiềm năng, lợi thế, cần tìm ra đường đi đúng để xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Lâm Đồng ngàn hoa, Lâm Đồng biển xanh, Lâm Đồng đại ngàn, tạo sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.

Dự án “Yêu lắm Việt Nam” do Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ đã hoàn thành triển khai tại Lâm Đồng.

Khám phá các điểm đến tại Lâm Đồng qua Dự án “Yêu lắm Việt Nam”

Cùng với đó, Lâm Đồng là địa phương tốp đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với hơn 107,2 nghìn ha; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 6.150 ha. Tỉnh có nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng, đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, như rau, hoa, chè, cà-phê, lụa tơ tằm, cá nước lạnh, thanh long… đưa địa phương trở thành vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và tuần hoàn quy mô lớn.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: “Nếu phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử… Lâm Đồng sẽ khẳng định vị thế trong nông nghiệp và du lịch, trở thành “siêu thị” nông sản xanh, sạch cho cả nước và điểm đến tươi đẹp, một “trạm sạc” sức khỏe cho du khách”.

Nhiều chuyên gia đánh giá, Lâm Đồng có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bôxít-alumin-nhôm của Việt Nam và thế giới. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quản lý tốt trữ lượng khoáng sản và tối ưu hóa chuỗi giá trị từ khai thác bôxít, điều chế alumin đến luyện nhôm.

Đồng thời với hơn 1,1 triệu ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,72% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, theo Tiến sĩ Phạm S, chuyên gia về nông nghiệp, tiềm năng phát triển rừng của Lâm Đồng còn lớn, không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh tế, mà còn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường và tái tạo tài nguyên rừng, góp phần đưa tỉnh tham gia tốt hơn vào thị trường tín chỉ các-bon.

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên hơn 24 nghìn km2, lớn nhất cả nước; với 103 xã, 20 phường và đặc khu Phú Quý; dân số hơn 3,87 triệu người, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 18,6%. Lâm Đồng giáp các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Vương quốc Campuchia và Biển Đông.

Một tiềm năng mới của Lâm Đồng là kinh tế biển với bờ biển dài, diện tích vùng biển và ngư trường rộng lớn. Năm 2024, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh đạt 239 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 226 triệu USD.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Chiến cho biết, địa phương đang định hướng phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp bảo tồn sinh thái, bao gồm năng lượng tái tạo (điện gió, điện sóng), sản xuất hydro xanh, công nghiệp công nghệ cao ven biển và du lịch biển đảo. Mục tiêu đến năm 2030, 80% vùng biển tỉnh Lâm Đồng được bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời nâng cấp cảng biển, hệ thống logistics và trồng rừng ven biển nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Không gian phát triển mới

Bức tranh toàn cảnh phát triển kinh tế-xã hội Lâm Đồng hiện nay được định hình khá rõ, ở vùng cao nguyên là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; vùng cây công nghiệp, cây ăn quả giá trị, công nghiệp khai khoáng… Ở phía đông nam giữ vai trò đầu mối kết nối ra biển, với lợi thế về năng lượng tái tạo và logistics.

Sự liên kết cao nguyên-trung du-duyên hải giúp hình thành chuỗi giá trị liên ngành, chuỗi đô thị liên kết, vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hóa đặc sắc, tạo nên một không gian phát triển liên thông, hiệu quả và bền vững. Đây sẽ là nền tảng để phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phân tích, tỉnh Lâm Đồng mới có nhiều lợi thế, với cảng hàng không quốc tế Liên Khương, sân bay Phan Thiết; đường sắt, cao tốc bắc-nam; đang hình thành tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương; các cảng biển và một số tuyến đường thủy nội địa có khả năng kết nối liên vùng… Nếu được kết nối phù hợp sẽ mang lại cho Lâm Đồng lợi thế rất lớn, hiếm có; đồng thời, kiến tạo nên hành lang kinh tế kết nối “rừng vàng” và “biển bạc”.

Du khách trải nghiệm vườn hoa trên địa bàn phường Lâm Viên, Đà Lạt.

Lâm Đồng huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch khu vực phường Lâm Viên-Đà Lạt

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, đây là cơ hội vàng để hình thành cực tăng trưởng mới, có quy mô đủ lớn, động lực đủ mạnh và tầm ảnh hưởng đủ sâu rộng, góp phần dẫn dắt xu thế kinh tế xanh, phát triển bền vững cho khu vực và cả nước. Lâm Đồng đang xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, tận dụng hiệu quả lợi thế tự nhiên và địa lý của ba vùng sinh thái, gồm cao nguyên, trung du, duyên hải và các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, trước mắt là cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2025-2030.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, hệ thống giao thông kết nối chính là “chìa khóa” mở ra không gian phát triển mới cho Lâm Đồng và cả khu vực. Hiện, tỉnh Lâm Đồng có đầy đủ các loại hình giao thông, nhưng kết nối nội tỉnh chủ yếu vẫn qua các tuyến quốc lộ chính, như Quốc lộ 28, 28B, 55… phần lớn là đường nhỏ hẹp, xuống cấp, đường dốc quanh co; kết nối từ cao nguyên xuống biển còn hạn chế, thiếu kết nối ngang.

Giữa tháng 7/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo xử lý kiến nghị của địa phương, với nhiều nội dung liên quan đến giao thông. Trong đó, hai dự án giao thông đáng chú ý, gồm nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc trục ngang kết nối các vùng tỉnh Lâm Đồng và đề xuất ưu tiên xây dựng tuyến đường động lực kết nối vùng nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Theo Tiến sĩ Lê Trung Chơn, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, khi giao thông Lâm Đồng được kết nối thông suốt sẽ tối ưu hóa hệ thống logistics, nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng của tỉnh, kéo theo nhiều ngành nghề khác cùng phát triển, như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp-năng lượng, kinh tế biển và rừng…

Thời gian tới, Lâm Đồng xác định phát triển du lịch xanh-thông minh là mũi nhọn; ứng dụng công nghệ cao-công nghệ xanh là nền tảng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; giao thông kết nối-hạ tầng liên vùng là động lực.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: “Địa phương đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Tỉnh sẽ phát huy tinh thần “đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng”, xem đây là giá trị cốt lõi, nguồn sức mạnh để vượt qua mọi rào cản và bứt phá đi lên, xây dựng Lâm Đồng trở thành vùng đất đáng sống, nơi hội tụ văn hóa, bản sắc, sáng tạo và thịnh vượng.

Nguồn: https://baolamdong.vn/lam-dong-tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-383627.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm