Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lo an cư để làm việc hiệu quả

Hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng (cũ) về trung tâm TP Cần Thơ công tác sau sáp nhập 3 tỉnh, thành phố, không chỉ kéo theo sự thay đổi môi trường làm việc, mà còn đặt ra nhiều nỗi lo. Trong đó, vấn đề chỗ ở, điều kiện đi lại trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ26/07/2025

Vất vả việc ăn ở, đi lại

Thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị đồ đạc, lo cơm nước cho con, sau đó chị Nguyễn Thị Phiêu, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang (cũ) dắt xe máy ra khỏi nhà để bắt đầu hành trình vượt hơn 100km cả đi và về, để đến cơ quan mới ở TP Cần Thơ. Đó là nhịp sinh hoạt mới của chị từ đầu tháng 7-2025 đến nay.

Dự án nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần Nam Long Mekong đang mở ra cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người.

Chị Phiêu tâm sự: “Gia đình tôi sống và làm việc tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang (cũ) hơn 15 năm. Khi có chủ trương sáp nhập tỉnh và thực hiện mô chính quyền địa phương 2 cấp, tôi nhận nhiệm vụ mới tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ. Từ tờ mờ sáng đã ra khỏi nhà, chiều tối muộn tôi mới về đến nhà. Dù đi về mỗi ngày rất cực, phải gác lại chuyện gia đình, bạn bè..., nhưng tôi luôn cố gắng và ý thức cao trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan. Tôi cũng mong muốn có nơi ở ổn định tại Cần Thơ để an tâm làm việc, lo cho gia đình được chu toàn chứ hằng ngày chạy xe đi về, vừa không đảm bảo sức khỏe, vừa nguy hiểm nhất là trong mùa mưa này”.

Phía sau câu chuyện của chị Phiêu là nỗi trăn trở chung của không ít cán bộ, công chức sau sáp nhập. Nhiều người chọn giải pháp tạm thời như đi về mỗi ngày bằng phương tiện cá nhân hay xe buýt, thuê nhà trọ, nhưng về lâu dài, nhu cầu an cư vẫn là bài toán cần lời giải. Bởi chỉ khi gác lại được nỗi lo chỗ ở, họ mới có thể toàn tâm, toàn ý với công việc, sẵn sàng gắn bó và cống hiến cho bộ máy chính quyền địa phương sau sắp xếp.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Nắm bắt nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng (cũ) về TP Cần Thơ làm việc sau sáp nhập, Công ty Cổ phần Nam Long Mekong đã và đang triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội, tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sớm được sở hữu nhà.

Ông Trần Đức Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Long Mekong, cho biết: Công ty đã triển khai 1.788 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, 2 dự án là Chung cư Nhà ở xã hội Nam Long Hồng Phát và Chung cư Nhà ở xã hội Nam Long 2 có 1.117 căn hộ đã hoàn tất, bàn giao. Riêng block mới khởi công từ cuối tháng 6-2025, gồm 671 căn hộ, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm sau. Mỗi căn hộ có mức giá từ 800 triệu đến hơn 1 tỉ đồng. Khách hàng có thể liên hệ đội ngũ tư vấn của chủ đầu tư hoặc đến trực tiếp văn phòng để được hướng dẫn và nhận hồ sơ miễn phí. Việc thanh toán chỉ thực hiện sau khi hồ sơ được Sở Xây dựng xét duyệt, không phát sinh phí tư vấn từ phía Công ty.

Thông tin từ Sở Xây dựng Cần Thơ, giai đoạn 2025-2030 có 942 cán bộ có nhu cầu nhà công vụ, trong đó 87 người giữ chức Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên. Thành phố đang cải tạo nhà khách, rà soát quỹ nhà công để chuyển đổi công năng, đồng thời đầu tư xây dựng 310 căn với kinh phí khoảng 365 tỉ đồng. Ngoài ra, còn khoảng 500 căn nhà ở xã hội đang triển khai dành cho các đối tượng đủ điều kiện.

Trước mắt, Sở Tài chính Cần Thơ đề xuất hỗ trợ 4 triệu đồng/người/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp nhưng không thuộc diện được bố trí nhà công vụ, xe đưa đón (gồm 1 triệu đồng tiền xăng, 1,5 triệu đồng tiền ăn và 1,5 triệu đồng tiền thuê chỗ nghỉ). Theo kế hoạch, đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thành ít nhất 9.100 căn nhà ở xã hội, gồm ít nhất 4.100 căn giai đoạn 2021-2025 và ít nhất 5.000 căn giai đoạn 2026-2030.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, tổng hợp nhu cầu thực tế để có phương án hỗ trợ. Thành phố đang triển khai xây dựng hơn 3.000 chỗ ở nhà xã hội, hướng tới mục tiêu hoàn thành 9.000 căn theo chỉ tiêu Chính phủ giao, phấn đấu đạt 12.000 căn trong thời gian tới để cán bộ, công chức an tâm công tác, đồng hành cùng thành phố trong giai đoạn mới sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Sáp nhập tỉnh, thành phố không chỉ là thay đổi địa giới mà là bước cải cách lớn hướng đến bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn, nhưng bộ máy khó mạnh nếu cán bộ còn vướng lo ăn ở, đi lại. Những hỗ trợ như nhà ở xã hội, tiền thuê trọ, xăng xe, bữa ăn… chính là điểm tựa thiết thực giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/lo-an-cu-de-lam-viec-hieu-qua-a188875.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm