Thực tế cho thấy khán giả Việt Nam sẵn sàng chi trả và tham gia các chương trình âm nhạc lớn: liveshow "Anh trai say hi" gần đây tại TPHCM cháy vé; Sơn Tùng M-TP lập kỷ lục với Sky Tour; Đen Vâu thu hút hàng vạn khán giả ở cả ba miền.v.v…
Nhiều nghệ sĩ trẻ như MONO, Mỹ Anh, Hoàng Thùy Linh, Tóc Tiên… đã được chú ý ngoài biên giới.
Khán giả đông đảo, nghệ sĩ có tài năng và tiềm năng, nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta đã nói nhiều đến Hàn Quốc như một hình mẫu tiêu biểu về phát triển ngành công nghiệp âm nhạc (K-Pop). Nhưng một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan cũng đang làm tốt việc này.
Chính phủ Thái Lan những năm gần đây đặt mục tiêu đưa Thái Lan thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của ASEAN, trong đó âm nhạc được xem là mũi nhọn cần thúc đẩy để quảng bá văn hóa Thái và thu hút du lịch. Theo Cơ quan kinh tế sáng tạo Thái (CEA), doanh thu thị trường âm nhạc Thái Lan năm 2023 đã đạt khoảng 4,25 tỷ baht (gần 126 triệu USD), tăng 18,6% so với năm 2022 - mức tăng ấn tượng này được cho là nhờ chính sách của chính phủ đưa âm nhạc trở thành một phần chiến lược sức mạnh mềm quốc gia.
Một phân cảnh trong MV Bắc Bling của ca sĩ Hòa Minzy (Ảnh chụp màn hình).
Thái Lan đã ban hành nhiều sáng kiến hỗ trợ phối hợp giữa khu vực nhà nước, tư nhân và đối tác quốc tế để nâng tầm ngành công nghiệp âm nhạc. Đơn cử, dự án "Music Exchange - Trao đổi âm nhạc" do CEA triển khai nhằm đưa nghệ sĩ Thái tham gia các liên hoan âm nhạc quốc tế, cũng như mời các đơn vị tổ chức sự kiện uy tín thế giới đến hợp tác tại Thái Lan.
Tháng 10/2024, Ủy ban chiến lược sức mạnh mềm quốc gia của Thái Lan cùng CEA đã công bố chiến lược "Push & Pull - Đẩy và kéo" đầy tham vọng để âm nhạc Thái "cất cánh" ra thế giới. Chiến lược này gồm hai vế: "Push" - chủ động đưa nghệ sĩ Thái Lan ra nước ngoài, biểu diễn trên sân khấu các festival lớn; và "Pull" - kéo các nhà tổ chức quốc tế đến Thái Lan, bằng cách mời họ trải nghiệm những lễ hội âm nhạc trong nước để kết nối và hợp tác lâu dài.
Bên cạnh nỗ lực đưa nghệ sĩ ra nước ngoài, Thái Lan cũng chú trọng xây dựng hạ tầng và thương hiệu sự kiện âm nhạc trong nước để hấp dẫn du khách quốc tế. Thủ đô Bangkok và các thành phố du lịch như Pattaya, Phuket đang trở thành điểm đến quen thuộc của các tour diễn châu Á: hầu hết nghệ sĩ Âu-Mỹ hoặc K-Pop khi tổ chức biểu diễn tại khu vực đều chọn Bangkok làm điểm dừng, nhờ cơ sở vật chất tốt (sân vận động Impact Arena, Rajamangala…), quy trình cấp phép thuận lợi và thị trường khán giả đông.
Những quốc gia có ngành công nghiệp âm nhạc lâu đời và phát triển mạnh như Mỹ, Anh… cũng không "ngồi yên" mà liên tục vận động, sáng tạo và định hình thị hiếu toàn cầu. Một ví dụ là những chuyến lưu diễn của Taylor Swift không chỉ gây sốt trong lòng nước Mỹ, mà còn là sự kiện lớn ở bất cứ nước nào nữ ca sĩ này quyết định đến biểu diễn.
Trở lại với Việt Nam, mặc dù có tiềm năng, chúng ta đang thiếu chiến lược phát triển dài hạn cho ngành công nghiệp âm nhạc. Đây đó vẫn còn ý kiến về thủ tục cấp phép biểu diễn khiến việc tổ chức chương trình lớn tốn thời gian, chi phí và rủi ro bị hủy phút chót.
Cơ sở hạ tầng biểu diễn cũng chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế: các sân vận động lớn như Mỹ Đình (Hà Nội), Thống Nhất (TPHCM) dù sức chứa hàng chục nghìn người nhưng thiếu nhiều tiện ích - chưa có hệ thống giao thông công cộng kết nối (metro, xe buýt nhanh), thiếu bãi đỗ xe, khu dịch vụ, vệ sinh hiện đại… khiến trải nghiệm khán giả không cao và khó tổ chức sự kiện quy mô. Hệ thống âm thanh, ánh sáng và kỹ thuật sân khấu trong nước cũng thường thiếu đồng bộ, chuyên nghiệp so với chuẩn quốc tế; đã có những chương trình lớn gặp sự cố âm thanh, làm giảm uy tín nhà tổ chức.
Người hâm mộ đổ xô tới sự kiện âm nhạc của Blackpink diễn ra tại SVĐ Mỹ Đình hồi tháng 7/2023 (Ảnh: Mạnh Quân).
Về đào tạo nhân lực, Việt Nam chưa có các trung tâm huấn luyện nghệ sĩ giải trí tầm cỡ như Hàn, Nhật; con đường phát triển của tài năng trẻ còn manh mún (phần lớn nghệ sĩ tự thân nỗ lực hoặc đi lên từ chương trình giải trí trên truyền hình, chưa có lò đào tạo bài bản). Thiếu vắng các công ty giải trí lớn đóng vai trò đầu tàu cũng là điểm yếu - thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay chủ yếu là các công ty nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hơi hoặc xúc tiến quốc tế cho nghệ sĩ.
Ngoài ra, kinh phí cho các hoạt động quảng bá âm nhạc ra nước ngoài từ phía nhà nước gần như chưa có, trong khi tư nhân thì còn e ngại rủi ro khi "mang chuông đi đánh xứ người".
Dù còn bất cập, bối cảnh hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để Việt Nam thay đổi cục diện. Thứ nhất, thành công từ các nước như Hàn Quốc, Thái Lan cho thấy Việt Nam có thể học hỏi mô hình và tránh được những sai lầm khi đi sau - đây là lợi thế về mặt bài học kinh nghiệm.
Thứ hai, xu hướng giao lưu văn hóa quốc tế đang bùng nổ thông qua mạng xã hội và các nền tảng số: âm nhạc không biên giới có thể lan tỏa nhanh chưa từng có. Nghệ sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng YouTube, TikTok, Spotify… để tiếp cận khán giả toàn cầu với chi phí thấp.
Thứ ba, Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng với giới trẻ đông đảo, am hiểu công nghệ - đây chính là thị trường năng động để phát triển các xu hướng âm nhạc mới mẻ, tạo sức bật cho ngành.
Về phía cơ quan quản lý, những năm gần đây đã bắt đầu có sự quan tâm, đầu tư vào "công nghiệp văn hóa" và "sức mạnh mềm" trong chiến lược phát triển quốc gia. Nhưng, để biến những tiềm năng và cơ hội nói trên thành hiện thực, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện và những hành động quyết liệt từ cấp chính sách đến thực tiễn tổ chức.
Nên chăng Nhà nước sớm ban hành một chiến lược quốc gia về công nghiệp âm nhạc và quảng bá văn hóa qua âm nhạc đến năm 2030-2040, đặt ra mục tiêu rõ ràng (ví dụ: doanh thu thị trường âm nhạc, số lượng sự kiện quốc tế, xếp hạng trên bản đồ âm nhạc thế giới...).
Việt Nam cần nâng cấp các sân khấu, sân vận động hiện có (Mỹ Đình, Thống Nhất, Trung tâm hội nghị quốc gia…) đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng, an toàn và tiện ích. Song song, khuyến khích đầu tư xây dựng thêm các tổ hợp biểu diễn chuyên nghiệp tại các thành phố lớn thông qua ưu đãi đất đai, tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng văn hóa.
Về kết nối, các thành phố nên đảm bảo có phương án giao thông công cộng phục vụ mỗi khi diễn ra sự kiện lớn (ví dụ: tổ chức tuyến xe buýt nhanh hoặc tàu điện bổ sung đến điểm diễn, bố trí bãi đỗ xe tạm và xe trung chuyển). Cần thiết lập các dịch vụ phụ trợ đầy đủ quanh khu vực diễn ra sự kiện: bãi giữ xe, nhà vệ sinh lưu động chất lượng cao, biển chỉ dẫn nhiều ngôn ngữ, đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ du khách... Những chi tiết này tuy nhỏ nhưng tạo ấn tượng chuyên nghiệp và thân thiện, đặc biệt với khán giả quốc tế.
Khi hạ tầng tốt lên và thủ tục thông thoáng, Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc quốc tế.
Con người là yếu tố cốt lõi của công nghiệp âm nhạc. Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo bài bản để cho ra đời những thế hệ nghệ sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư âm thanh… chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Có thể xem xét thành lập Trung tâm đào tạo tài năng âm nhạc trẻ theo mô hình các trường đào tạo idol (thần tượng) ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung tâm này tuyển chọn những bạn trẻ có năng khiếu ca hát, biểu diễn để đào tạo toàn diện (kỹ thuật thanh nhạc, vũ đạo, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp...) trong vài năm, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia trong và ngoài nước.
Đối với những tài năng đã thành danh trong nước, chính phủ có thể hỗ trợ kết nối với đối tác quốc tế: ví dụ, tài trợ một phần kinh phí để nghệ sĩ đi biểu diễn tại hội chợ âm nhạc lớn ở các nước; gửi đi học, thực tập tại các thị trường âm nhạc phát triển.
Việt Nam cũng nên thúc đẩy mô hình du lịch âm nhạc, chẳng hạn xây dựng các tour du lịch kết hợp xem chương trình ca nhạc. Cơ quan du lịch có thể hợp tác với ban tổ chức sự kiện để quảng bá những gói tour đặc biệt: xem một đêm nhạc tại Hà Nội rồi tham quan di sản miền Bắc, hoặc dự festival âm nhạc điện tử ở Đà Nẵng kèm kỳ nghỉ biển.
Ngược lại, tại các sự kiện du lịch, thể thao quốc tế tổ chức ở Việt Nam, nên mời các nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn mở màn hoặc bế mạc.
Để ngành âm nhạc phát triển bền vững, vai trò của khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế là không thể thiếu. Chính phủ nên có những chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghiệp âm nhạc: như ưu đãi thuế cho các công ty sản xuất âm nhạc, hãng đĩa; đơn giản hóa thủ tục tài trợ, xã hội hóa cho các chương trình nghệ thuật; bảo hộ quyền tác giả mạnh mẽ hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi kinh doanh tại Việt Nam.
Âm nhạc Việt vươn ra quốc tế không chỉ là câu chuyện của giới giải trí, mà còn là câu chuyện nâng tầm vị thế, hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè năm châu - một Việt Nam trẻ trung, sáng tạo và hội nhập. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), công nghiệp sáng tạo chiếm hơn 3% GDP toàn cầu và tạo ra hàng chục triệu việc làm - Việt Nam không nên đứng ngoài dòng chảy đó. Với định hướng đúng và quyết tâm cao, chúng ta có thể mang những tác phẩm như "Bắc Bling" vươn ra thế giới.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/lam-gi-de-mang-bac-bling-ra-the-gioi-20250502171614835.htm
Bình luận (0)