Du khách tham quan, trải nghiệm đồi cát Mũi Dinh. Ảnh: THÁI HUY |
Cung đường biển xanh mê hoặc
Sau sáp nhập, du lịch Khánh Hòa đã mở rộng hơn, giàu có hơn rất nhiều. Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi đi về vùng đất phía nam của tỉnh - nơi nhiều người vẫn hay đùa rằng: “Xứ gì mà gió như phang, nắng như rang”. Chính loại “đặc sản” khắc nghiệt ấy tạo cho xứ sở này cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngay đầu hành trình, chúng tôi đã được chiêu đãi một đại tiệc phong cảnh khi xe lăn bánh trên cung đường Bình Lập - Vĩnh Hy, với một bên biển xanh thẳm, một bên là núi đá hoang sơ lẫn trong màu xanh của rừng cây và cỏ dại của Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình. Mỗi khúc cua lại mở ra một bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp: Bãi Kinh, Bãi Chuối, Bãi Nước Ngọt, Bãi Thùng... Dừng chân ở đèo Vĩnh Hy - điểm cao nhất trên cung đường biển này, trước mắt chúng tôi là bức tranh tuyệt đẹp. Nắng vàng như rót mật. Gió thổi lồng lộng. Chiếc thuyền đánh cá như một nét vẽ chấm phá trên nền biển xanh trải dài ngút mắt, phía xa là làng chài trên đảo Bình Hưng. Tại đây, nhiều nhóm du khách dừng chân check-in, ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc diệu kỳ khi biển trời giao nhau. Chỉ như thế cũng đủ làm tôi dâng lên niềm tự hào về vẻ đẹp của đất và người Khánh Hòa ngày mới.
Du khách chụp ảnh check-in trên đèo Vĩnh Hy. |
Xe lại chạy! Trước mặt chúng tôi là vịnh Vĩnh Hy nằm nép mình bên dãy Núi Chúa hùng vĩ. Du khách thường đến đây tham quan làng chài, lặn biển ngắm san hô, đi bộ trên những bãi cát trắng hay thưởng thức hải sản tươi ngon từ biển cả. Hôm ấy, chúng tôi không ghé vào vịnh Vĩnh Hy mà đến Hang Rái - thắng cảnh đẹp say lòng người tại Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình. Hang Rái là bãi đá san hô cổ hàng triệu năm tuổi, nổi trên mặt biển như một phiến đá khổng lồ với hố đá, gai nhọn lởm chởm. Bên dưới rìa bãi đá san hô cổ là một thềm đá khác nằm về hướng bắc còn gọi là bãi Đá Muối. Mỗi lần thủy triều lên, nước tràn lên mặt đá, gặp độ dốc lại tràn ngược trở lại xuống biển, tạo nên hình ảnh những thác nước kỳ thú trên mặt biển.
Thì thầm tiếng đất
Không chỉ có cảnh sắc độc đáo, vùng đất phía nam của Khánh Hòa còn lưu giữ cả một kho tàng văn hóa Chămpa ngàn năm. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi đến tháp Pô Klong Girai khi trời còn buông nắng nhẹ. Vừa bước chân qua cổng vòm đã thấy khối tháp sừng sững hiện lên trên nền trời xanh thẳm. Tháp Pô Klong Girai hôm nay không còn vắng lặng như khi chúng tôi đặt chân đến từ nhiều năm trước. Rất nhiều du khách Hàn Quốc đang tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa Chăm huyền bí và độc đáo. “Tôi đặc biệt thích thú với kiến trúc của đền tháp ở đây, nó thật đặc biệt, nhìn thật hùng vĩ. Theo hướng dẫn viên, các tháp xây bằng gạch đất nung với chất kết dính tự nhiên chứ không phải bằng xi măng, thú vị thật”, chị Kang Min Jun (du khách đến từ Hàn Quốc) bày tỏ.
Du khách vui chơi tại đồi cát Mũi Dinh. |
Một nhà nghiên cứu nói rằng, đất, nước và lửa là những yếu tố định mệnh kiến tạo nên nền văn hóa Chăm. Cùng với tháp Chăm, gốm Bàu Trúc chính là hiện thân của sự hòa quyện giữa đất, nước và lửa qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Chăm. Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm làng gốm Bàu Trúc (xã Ninh Phước), chuyện trò cùng các nghệ nhân để rồi thấu hiểu đằng sau những chiếc bình gốm thô mộc đó là tinh hoa nghệ thuật làm gốm độc đáo. Nghệ nhân Đàng Thị Gạch chia sẻ, người Chăm lấy đất từ đất sét ở các ruộng lúa ven Sông Quao, kết hợp với cát mịn lòng Sông Quao để tạo ra hỗn hợp nguyên liệu làm gốm Bàu Trúc. Khác với đa số làng gốm ở Việt Nam và thế giới, người Chăm làm gốm bằng tay hoàn toàn và di chuyển xung quanh sản phẩm để tạo dáng, thay vì xoay sản phẩm trên bàn xoay. Gốm sau khi phơi khô được nung bằng củi hoặc rơm ngoài trời chứ không dùng lò nung kín như các nơi khác. Quá trình nung thường kéo dài vài giờ và tạo nên màu sắc tự nhiên đặc trưng cho gốm Bàu Trúc - thường là nâu đỏ, xám tro, đen bóng. Mỗi bình gốm trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc bản đầy mê hoặc.
Sự ngọt lành trên vùng đất nắng
Vùng đất phía nam của Khánh Hòa có lượng mưa thấp nhất cả nước, gần như nắng quanh năm. Chính điều đó tạo nên khung cảnh bán hoang mạc hiếm gặp ở Việt Nam, với đồi cát, đồng cỏ, thảo nguyên khô - rất lý tưởng để phát triển trồng nho, táo, nuôi cừu, dê… Trong chuyến đi lần này, chúng tôi đã kịp ghé thăm các vườn nho ở Thái An (xã Vĩnh Hải) thưởng thức nho tươi, mật nho ngay tại vườn, trò chuyện với người dân địa phương. Cái xứ gì mà lạ! Nắng như thiêu như đốt, đất đai khô cằn nhưng lại cho ra thứ quả ngọt. Và cũng như cây trái kia, những con người nơi đây phơi mình dưới cái nắng gay gắt, cần mẫn bám đất bám cát để mà sống nhưng tâm hồn ai cũng chân chất, ngọt lành!
Du khách tham quan vườn nho ở Thái An, xã Vĩnh Hải. |
Sau một ngày dài rong ruổi, chúng tôi tự thưởng cho mình những đặc sản của xứ nắng. “Về Phan Rang mà không thưởng thức dê nướng, cừu nướng, dông nướng muối ớt thì quả là thiếu sót”, một đồng nghiệp du lịch mời gọi. Dê ở đây được nuôi thả trên đồi đá, ăn cỏ rừng, thịt chắc, ít mỡ, vị thơm đặc trưng. Dông sống ở các đồi cát Sơn Hải, Phước Dinh thịt trắng, ngọt, làm mồi rất bén. Khi cánh nam giới đang nhâm nhi đĩa dê nướng với những ly vang nồng nàn hương nho mới, nhóm phụ nữ đã kịp mượn xe máy chạy đến quán bánh căn nổi tiếng ở Phan Rang. “Người Phan Rang ăn bánh căn với nước kho cá, chứ không phải ăn với nước mắm như ở Nha Trang”, cô bạn cùng đoàn kể lại với giọng thích thú.
Cánh đồng điện gió Đầm Nại thu hút sự quan tâm của du khách. |
Không hào nhoáng lộng lẫy, khí hậu chẳng dễ chịu, nhưng ai từng đặt chân đến mảnh đất phía nam của Khánh Hòa hẳn sẽ muốn quay lại - một lần, rồi thêm nhiều lần nữa. Chúng tôi cũng vậy! Xứ này không chỉ có những ngôi tháp Chăm cổ kính, những bãi biển tuyệt đẹp, mà còn có đồi cát Mũi Dinh, cánh đồng điện gió Đầm Nại mướt xanh, đồng muối Cà Ná trắng tinh, Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình hùng vĩ… và bao điểm đến khác đang chờ được khám phá!
XUÂN THÀNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202507/lang-du-tren-mien-dat-nang-68622d6/
Bình luận (0)