Hiện nay, tình trạng hàng hóa hết hạn sử dụng lưu thông ngoài thị trường xảy ra khá phổ biến. Đáng chú ý, có đối tượng còn sử dụng chiêu trò xóa hạn sử dụng sản phẩm để trà trộn bán cho người tiêu dùng. Hành vi kinh doanh gian dối này cần phải lên án mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Sau Tết Nguyên đán 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Công thương chủ trì đã kiểm tra nhiều cửa hàng tạp hóa ở các địa phương và phát hiện không ít sản phẩm hàng hóa hết hạn sử dụng nhưng vẫn được bày bán trên quầy kệ.
Nhiều lý do được tiểu thương đưa ra nhằm biện minh cho hành vi vi phạm như không để ý, vội, bận chưa có thời gian rà soát, đổi trả hàng hết hạn cho nhà phân phối.
Đáng chú ý, chiêu trò xóa hạn sử dụng là hành vi gian dối trong kinh doanh đã được Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phát hiện ở các cơ sở trên địa bàn huyện Bình Xuyên.
Cụ thể, vào ngày 20/3, tại cửa hàng tạp hóa Tuệ Quế, xã Phú Xuân (Bình Xuyên), Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phát hiện nhiều gói hạt hạnh nhân rang bơ có dấu hiệu bị xóa hạn sử dụng. Dấu tích của việc làm này khá lộ liễu bởi 1 phần bao bì bị bào mòn, sần sùi ăn sâu xuống lớp bóng kính bên dưới.
Hạn sử dụng của nhiều gói hạt hạnh nhân rang bơ ở cửa hàng tạp hóa Tuệ Quế bị phát hiện tẩy trắng.
Chủ cửa hàng tạp hóa Trần Thị Tuệ cho biết, sản phẩm hạt hạnh nhân rang bơ được lấy trước Tết Nguyên đán 2024. Do cùng lúc lấy nhiều hàng hóa nên gia đình không kiểm soát được hết.
Ngoài lô hạt hạnh nhân rang bơ bị xóa hạn sử dụng, tại cửa hàng Tuệ Quế còn rất nhiều sản phẩm khác hết hạn sử dụng như đậu hà lan, kẹo, sữa bột milo, sữa và nhiều sản phẩm cận date khác.
Cũng tại một cửa hàng tự chọn khác ở huyện Bình Xuyên, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phát hiện 1 lô hàng phồng tôm mang nhãn hiệu “Nguyên Hậu” cũng bị tẩy trắng hạn sử dụng.
Nếu như ở cửa hàng tạp hóa Tuệ Quế, đối tượng thực hiện hành vi xóa sạch ngày, tháng sản xuất ở bao bì thì ở cửa hàng này chỉ xoá một số 3 (số đuôi thể hiện năm sản xuất, hạn sử dụng).
Những sản phẩm chưa kịp bị "phù phép" lộ rõ hạn sử dụng là ngày 2/11/2023.
Khi được hỏi, các chủ cửa hàng này đều đổ lỗi cho đơn vị phân phối hàng hóa khi giao hàng hết hạn; lơ là trong việc rà soát, không kịp thời thu hồi để đổi/trả các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Cũng theo phản ánh của các tiểu thương, hiện nay, các nhà phân phối đều có nhân viên tiếp thị sản phẩm giao hàng đến từng cửa hàng bán lẻ. Bộ phận tiếp thị này có trách nhiệm thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng. Phần lớn hàng hóa hết hạn sử dụng đều được nhà phân phối thu hồi, đổi trả cho đại lý.
Điều này khiến các tiểu thương có tâm lý chủ quan, không rà soát, kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm. Dù biện minh thế nào thì theo quy định, chủ cơ sở kinh doanh chính là người chịu trách nhiệm cuối cùng cũng như phải chịu các hình thức xử lý theo mức độ vi phạm.
Qua quá trình kiểm tra cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng đối với vi phạm hàng hóa hết hạn sử dụng ở các địa phương còn hạn chế. Rất ít trường hợp tiểu thương, chủ hộ kinh doanh bị xử lý lỗi vi phạm này dẫn đến tình trạng hàng hóa hết hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường còn nhiều.
Mặt khác, người tiêu dùng khi đi mua hàng chưa có thói quen kiểm tra hạn sử dụng thường xuyên, khi phát hiện mua phải sản phẩm hết hạn sử dụng chưa quyết liệt phản ánh.
Việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa hết hạn sử dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Do đó, theo quy định, hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hết hạn đều bị xử lý nghiêm.
Tuỳ thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm mà mức xử phạt hành chính được quy định khác nhau, từ 300.000 - 500.000 đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm dưới 1 triệu đồng; 40 - 50 triệu đồng với giá trị hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…
Từ những vụ việc Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phát hiện, các cơ quan, đơn vị chức năng ở huyện Bình Xuyên cần tăng cường công tác kiểm tra, sà soát các cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, tự chọn trên địa bàn để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Qua đó góp phần chấn chỉnh, từng bước chấm dứt vi phạm để đưa hoạt động kinh doanh đi vào nền nếp, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Hà Trần
Nguồn
Bình luận (0)