Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) cũng như Khu Thương mại biên giới Densavan (Lào) được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, chủ trương của hai Bộ Chính trị cũng như sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào trong việc lựa chọn và thiết lập một khu vực chung, cho phép áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù.
Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Densavan. Ảnh: Internet.
Trải qua 26 năm xây dựng phát triển, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có những đổi thay mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu vực. Đặc biệt, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo ngày càng tăng, thúc đẩy hoạt động giao thương trên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong xu thế phát triển, việc nghiên cứu xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan là vấn đề đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Việt Nam và Lào cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet đặc biệt quan tâm.
Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.
Quang cảnh Hội thảo – Ảnh: Internet.
Tại Hội thảo, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành hữu quan của hai nước tham mưu Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết hiệp định về thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo -Densavan làm cơ sở pháp lý để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet có căn cứ xây dựng các quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.
Đây là một ý tưởng rất tích cực và có nhiều tiềm năng phát triển cho khu vực Lao Bảo – Densavan. Những ý kiến tham góp về việc phát triển Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới được tập trung vào các vấn đề: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, điện, nước, viễn thông đồng bộ và hiện đại.
Xây dựng khu công nghiệp, khu dịch vụ logistics, khu thương mại và các công trình phục vụ hoạt động kinh tế – thương mại: Cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh: Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, đất đai, thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp trong khu vực. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin với khu vực Densavan, Lào.
Phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực: Ưu tiên phát triển các ngành hàng như nông sản, công nghiệp chế biến, logistics, thương mại dịch vụ. Khai thác thế mạnh của khu vực như vị trí địa lý, nguồn lao động, tài nguyên. Ngoài ra còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của khu vực; Hợp tác với các cơ sở đào tạo trên cả hai bên biên giới. Cùng với đó, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Khai thác, sử dụng tài nguyên có trách nhiệm, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường; tập trung làm rõ tính khả thi và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung; giới thiệu mô hình khu thương mại tự do, khu phi thuế quan; giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư vào khu vực này.
Với những ưu đãi, chính sách hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư – kinh doanh, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Densavan sẽ thu hút được nhiều dự án, đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – thương mại tại khu vực biên giới hai nước./.
Kim Oanh