Thảo luận các quy định liên quan tới sửa đổi Luật Dược, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà lo ngại nguy cơ độc quyền thuốc, người dân phải mua thuốc với giá cao.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) lo ngại về nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ảnh: QH.
Sáng nay (22.10), Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - cho biết, tại Điều 2 của dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến, đây cũng là khái niệm để quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, bà Nhị Hà cho rằng, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan. Trong khi đó, dự thảo luật hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc, quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đưa ra ví dụ như trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống chuỗi bán lẻ thì người dân vẫn phải mua thuốc với giá cao. Theo quy định tại Điều 107 đã nêu những biện pháp quản lý giá thuốc, tuy nhiên, về quy trình khi tiếp nhận hồ sơ công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành. Ngoài ra, dự thảo luật quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn, vậy một câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? "Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, tuy nhiên tôi cho rằng quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc" - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu ý kiến. Vẫn theo đại biểu Nhị Hà, dự thảo luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh “tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá”. Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương có cách tổ chức thực hiện khác nhau. Hơn nữa, với các tỉnh, thành có quy mô lớn như Hà Nội, quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá... Từ những phân tích nêu trên, vị đại biểu này đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. “Trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, tôi đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia” - đại biểu Nhị Hà nhấn mạnh.Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/lo-ngai-nguy-co-doc-quyen-nguoi-dan-phai-mua-thuoc-gia-cao-1410941.ldo
Bình luận (0)