Sử sách ghi lại Tần Thủy Hoàng qua đời vào ngày 10, tháng 7 năm 221 TCN. Không lâu sau, hoàng tử Hồ Hợi dưới âm mưu và sự phò tá của Thừa tướng Lý Tư và Triệu Cao lên ngôi Nhị thế Hoàng đế (Hoàng đế đời thứ 2).
Tuy nhiên, theo phim tài liệu "Bí ẩn của những chiến binh đất nung", mãi đến tháng 9 cùng năm, thi thể Tần Thủy Hoàng mới được mai táng ở Ly Sơn, trong khu lăng mộ khổng lồ mà vị Hoàng đế đã dành cả tuổi trưởng thành để xây dựng.
Mặt khác, Tân đế Hồ Hợi bắt đầu cuộc thảm sát đẫm máu, nhắm đến những ai có khả năng đe dọa tới ngai vàng.
Những phi tần bị tàn sát
Bằng chứng về thảm kịch sau tang lễ của Tần Thủy Hoàng được phát hiện ở điểm khai quật trong lăng mộ.
Phim tài liệu chỉ rõ, ở góc đông bắc của nội thành lăng Tần Thủy Hoàng, ước chừng có hơn 100 ngôi mộ. Các nhà khảo cổ đã khai quật 10 ngôi mộ trong đó.
Một ngôi mộ đã bị phá hoại hoàn toàn, trong khi 9 ngôi mộ còn lại đều chứa đựng xương người. Xương người lẫn lộn đến mức không phân biệt được bộ này với bộ khác, dường như các bộ phận đã bị tách rời nhau trước khi được chôn cất.
Trong một bãi đất, các nhà khảo cổ tìm thấy ngọc trai, trang sức mạ vàng cho thấy chủ nhân của chúng không phải người thường. Họ là các phi tần của Tần Thủy Hoàng bị bồi táng theo Hoàng đế.
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, những người đầu tiên chịu đựng cơn thịnh nộ của Tân đế Hồ Hợi là những phi tần trẻ trong hậu cung của Tần Thủy Hoàng.
Trong lúc mai táng Tần Thủy Hoàng, Tân đế Hồ Hợi ra chiếu chỉ những người ở Hậu cung của tiên đế nếu không có con mà cho ra ngoài thì không tiện. Do đó, tất cả được lệnh phải đi theo Tiên đế. Tuy nhiên, "Sử ký" không ghi rõ họ bị ban chết như thế nào.
Chuyên gia sử học thời Tần Gou Jinsong cho rằng: “Lý do họ trở thành mục tiêu không được ghi rõ trong sử sách. Tuy nhiên trong bối cảnh chiếm ngôi, ta có thể tìm ra cách giải thích hợp lý cho điều đó.
Một số phi tần có lẽ đã tuần du cùng Tần Thủy Hoàng trong chuyến đi cuối cùng và chứng kiến những sự việc lạ lùng xoay quanh cái chết của Hoàng đế. Có thể Hồ Hợi nghĩ những phi tần này đã biết quá nhiều và quyết định thủ tiêu tất cả".
Theo kết quả khám nghiệm các bộ hài cốt, nhà nhân chủng học pháp y Chen Liang cho biết, những bộ xương trong 9 ngôi mộ tương đối mảnh khảnh. Họ có chiều cao 1m50-1m60, cân nặng được khống chế trong một phạm vi cho phép.
Quá trình khám nghiệm cho thấy, thi thể các phi tần đã bị chặt thủ tiêu một cách tàn bạo.
Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu của cuộc thảm sát đẫm máu.
Ra tay với chính anh chị em ruột
Trong quá trình thăm dò lăng mộ, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều hố chôn tập thể khác. Trong đó, thoạt nhìn là những người bị giết ở độ tuổi còn khá trẻ.
Ở thôn Thượng Tiêu, đoàn khảo cổ phát hiện 17 ngôi mộ và khai quật 8 ngôi mộ. Bộ hài cốt của người trẻ nhất chỉ khoảng 18 tuổi và lớn nhất mới chừng 30 tuổi. Không biết rõ những người này bị ai giết.
Những thi thể được nhận dạng nhờ ấn chương được tìm thấy trong mộ. Theo truyền thống, ấn chương được chôn theo thi hài của những người có địa vị cao. Đó là các hoàng tử, công chúa - con của Tần Thủy Hoàng.
Phim tài liệu tái hiện lại cảnh sau tang lễ, những kẻ chủ mưu chuyển sự chú ý tới từng mối đe dọa đến ngai vàng của Hồ Hợi. Các hoàng tử - anh trai Tân đế - hẳn đã biết việc truyền ngôi bị can thiệp. Do đó, họ trở thành những mục tiêu không được phép tồn tại.
Triệu Cao phụng mệnh Tân đế Hồ Hợi bắt giữ 12 hoàng tử vì tội bất trung với Hoàng đế, lập tức đem chém đầu thị chúng. Các công chúa cũng bị tàn sát đẫm máu. Những người may mắn không bị chém đầu chỉ còn một lựa chọn duy nhất là tự sát. Công tử Cao là một trong số đó.
Đến cuối năm trị vì đầu tiên của Hồ Hợi, sử sách nói đa số các anh chị em của ông đã chết. Ngai vàng của vị Nhị thế Hoàng đế tắm máu của chính những gia quyến, người thân ruột thịt của mình.
Cuộc thảm sát cũng là điềm báo, dấu hiệu cho thấy cả một đế chế hùng mạnh sắp rơi vào khủng hoảng, suy tàn...
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/loi-to-cao-tu-nhung-bo-hai-cot-meo-mo-khong-toan-ven-trong-lang-mo-tan-thuy-hoang-1356048.ldo
Bình luận (0)