Chả hiểu sao dạo này nạn lừa đảo xảy ra lắm thế. Từ đài, báo, các nền tảng mạng xã hội đưa tin đến cả đầu đường, cuối phố hay quán trà đá vỉa hè cũng truyền tai nhau chỗ này, chỗ kia xảy ra vụ này, vụ nọ. Kẻ lừa đảo tinh ranh ma mãnh đã đành, nạn nhân đủ các tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề sao cũng ngờ nghệch quá thể!
Đối tượng Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1990 ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường bị Công an tỉnh khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cái sự thắc mắc còn lớn hơn nữa khi thời buổi khó khăn, kiếm được đồng tiền đâu có dễ, đổ mồ hôi sôi nước mắt còn không xong. Thế mà nhoáng cái mất ngay tiền triệu, thậm chí tiền tỷ. Quả là vô cùng khó hiểu.
Nhiều người đổ cho nguyên nhân bắt nguồn từ mặt trái của cơ chế thị trường. Nhưng thử hỏi, có cơ chế nào trên đời không có mặt trái không, nếu không muốn nói là vô khối mặt. Mà cứ cho là có đi, thế những mặt tốt của cơ chế thị trường sao không nhắc đến.
Có ý kiến thì cho rằng, tại xã hội phát triển nhanh quá, công nghệ số, nền tảng mạng đua nhau ra đời khiến thế giới ngày càng phẳng. Sự kiện gì xảy ra dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng được nhân loại biết ngay lập tức. Thế nên, tội phạm mới nắm được thông tin để giở mánh khóe lừa người.
Thậm chí người có suy nghĩ tiêu cực còn cho rằng kinh tế càng đi lên thì đạo đức càng đi xuống. Rằng tình người bây giờ còn đâu nữa, tất cả chỉ xoay quanh lợi ích mà thôi…
Tóm lại là thời gian gần đây, dù các cơ quan chức năng rất tích cực tuyên truyền về các hình thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, nhưng số vụ việc chưa có dấu hiệu giảm, ngược lại còn tăng cao. Thực trạng này khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng, cảm giác như lúc nào cũng bị bủa vây bởi nạn lừa đảo, dù ở trong nhà, đi trên phố hay đang làm việc ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Nào là giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát… dọa nạn nhân có hành vi vi phạm pháp luật để tìm cách chiếm đoạt tiền và tài sản. Có trường hợp táo tợn giả danh cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương để lừa đảo. Đê tiện hơn, có kẻ còn mạo danh quyên tiền đóng góp hỗ trợ nhân đạo để lừa tiền các mạnh thường quân. Còn chuyện dụ “việc nhẹ lương cao” hay tặng quà âm nhạc… để đưa con mồi vào bẫy là chuyện thường ngày.
Lạ một chỗ là dù lừa đảo tinh vi hay đơn giản, kiểu gì cũng có người sập bẫy, kiểu gì cũng có người mất tiền vì những chuyện trời ơi đất hỡi. Mà khi mất rồi, hiếm thấy ai nhận ra rằng lỗi tất ở mình. Hầu hết đổ tại kẻ lừa đảo quá tinh vi xảo quyệt, đổ tại đặt nhầm niềm tin vào người nọ người kia.
Thống kê mới nhất cho thấy, từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng các vụ việc liên quan đến lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ cao… Công an tỉnh đã phát hiện và khởi tố 80 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân với hơn 120 bị can.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, khi được chia sẻ về thông tin này, hầu hết người dân chỉ tập trung vào lên án tội phạm mà ít khi liên tưởng đến bản thân xem mình đã tự trang bị những gì để tránh trở thành nạn nhân của chúng.
Tổng hợp về quy mô, mức độ và tình tiết của các vụ lừa đảo cho thấy, dù tội phạm có tinh vi, xảo quyệt, thậm chí thông minh đến mấy, nếu người dân tuân thủ tốt 3 điều sau thì gần như kẻ gian không có cơ hội làm hại mình.
Thứ nhất là không tham. Cái gì không phải của mình thì nhất quyết không màng đến. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột” để nhấn mạnh về việc này. Nếu không tham, từ “việc nhẹ lương cao” cho đến lòng tốt bất ngờ của một cá nhân hay tổ chức trời ơi đất hỡi nào đó thì đời nào sập bẫy. Bởi, bản chất của kẻ lừa đảo là chỉ tìm đến những người có lòng tham trong mình.
Thứ hai là không nhẹ dạ cả tin. Hầu hết những người nhẹ dạ cả tin là những người thiếu hiểu biết nên hay hoảng sợ, lo lắng, bất an trong người. Nắm bắt được tâm lý này, bọn tội phạm sẽ “ra đòn” nặng như dọa là có vi phạm pháp luật đến mức phải ra tòa hoặc bị xã hội đen tìm đến. Muốn thoát thì chi tiền ra hoặc đưa đây… cất hộ.
Một số người nhẹ dạ cả tin khác thì thật thà đến mức ai nói gì cũng nghe, cũng tin là thật. Trong trường hợp này, chả cứ gì gặp phường lừa đảo mà ai cũng có thể lừa được, dù là lừa thật để chiếm đoạt tài sản hay lừa cho vui lấy một phen hốt hoảng.
Cuối cùng là không tò mò. Có lẽ tò mò là một trong những bản tính đặc trưng của hầu hết nhân loại trên trái đất. Dường như ai cũng thế, chưa biết thì muốn biết bằng được, biết rồi thì muốn biết thêm cho tỏ ngọn ngành. Ai đó cho rằng, tội phạm lừa đảo luôn là bậc thầy tâm lý phải chăng bắt nguồn từ yếu tố này.
Từ tò mò bấm vào đường link được giới thiệu là rất quan trọng cho đến tò mò vào xem gian hàng giới thiệu sản phẩm giá rẻ bất ngờ trên mạng. Rồi tò mò “làm thử ăn thật”, đầu tư ảo nhận tiền thật hay tham gia các hội nhóm chỉ cần có mặt là được quà... Tất cả gần như chỉ dẫn đến một con đường, ấy là tiền mất tật mang!
Lẽ đời, đã là xã hội thì quy luật tất yếu là phải được cấu thành từ mọi yếu tố. Có tốt, có xấu, có vui, có buồn. Không để mình thành nạn nhân của cái xấu nghĩa là đã trực tiếp ngăn cản cái xấu phát triển và lan tỏa cái đẹp trên đời, đâu phải làm gì cao xa, to tát hơn nữa. Thế chả hay lắm ư!
Bài, ảnh: Quang Nam
Nguồn
Bình luận (0)