Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: TTXVN) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Morocco Rachid Talbi Alami và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sĩ; tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ; thăm chính thức Morocco và Senegal từ ngày 22 đến ngày 30/7/2025.
Senegal là chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam (từ ngày 22 đến 24/7/2025).
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất từ trước đến nay trong hơn 55 năm quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, chuyến thăm được kỳ vọng đánh dấu một bước ngoặt mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai nước.
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Senegal phát triển tốt đẹp
Việt Nam và Senegal có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/12/1969. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đang kiêm nhiệm Senegal, còn Đại sứ quán Senegal tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam.
Hai nước đã thực hiện trao đổi một số đoàn cấp cao như: Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ thăm Senegal (năm 1973); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thăm Senegal (năm 1995); Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thăm Senegal (năm 1996); Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ thăm Senegal (năm 2002); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) (ngày 25/6/2025)…
Về phía Senegal, có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Abdou Diouf và Ngoại trưởng Moustapha Niasse dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 11/1997); Quyền Bộ trưởng Truyền thông và Giao thông vận tải Senegal Basirou Guisse (tháng 7/2010); Phó Chủ tịch Quốc hội thứ nhất Ismaela Diallo dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) (tháng 1/2025)…
Gần đây nhất, nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) ngày 25/6/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko.
Nhân chuyến tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 16) ở thành phố Thiên Tân và làm việc tại Trung Quốc, sáng 25/6/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko. (Ảnh: TTXVN) |
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam và Senegal có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Thủ tướng nhấn mạnh phương châm “cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển", Việt Nam sẵn sàng tiếp tục cử chuyên gia nông nghiệp sang chia sẻ kinh nghiệm phát triển và hỗ trợ Senegal bảo đảm an ninh lương thực với cách làm mới, ngày càng hiệu quả.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã trở thành quan sát viên của Liên minh châu Phi (AU), Thủ tướng Chính phủ đề nghị Senegal hỗ trợ và làm cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước châu Phi và Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS); tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và lao động Việt Nam và người gốc Việt sinh sống, làm việc tại Senegal.
Về phần mình, Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko khẳng định Senegal luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, mong muốn hai nước thúc đẩy hơn nữa trao đổi đoàn, giao lưu nhân dân, sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa AU và ECOWAS, mong Việt Nam tăng cường đầu tư vào thị trường 400 triệu người tiêu dùng ở khu vực Tây Phi.
Lãnh đạo hai bên đã nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước, tiếp tục tăng cường các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại-đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước xâm nhập thị trường của nhau; nhấn mạnh việc hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trên bình diện đa phương, hai nước tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế mà cả hai nước cùng là thành viên như Liên hợp quốc, Francophonie, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)...
Gần đây, Senegal đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong việc đề cử danh thắng Yên Tử-Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 47 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là minh chứng sinh động cho sự phối hợp hiệu quả giữa hai nước trên trường quốc tế và cũng là một nội dung hợp tác được hai nước chú trọng, hướng tới tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Hợp tác kinh tế-thương mại có bước tăng trưởng
Là hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, quan hệ thương mại Việt Nam-Senegal trong những năm qua có những bước tăng trưởng khá. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 70,60 triệu USD, năm 2023 đạt 134,3 triệu USD, năm 2024 đạt 81,16 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2025 riêng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đã đạt 43,3 triệu USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2024.
Việt Nam xuất khẩu sang Senegal chủ yếu là hạt tiêu, hàng dệt may, rau quả và nhập khẩu từ Senegal chủ yếu là hạt điều, thức ăn gia súc…
Đánh giá về triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam hiện là thành viên tích cực của ASEAN - một khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Senegal là quốc gia có vị thế quan trọng tại Tây Phi. Đây là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, sở hữu chính sách thương mại cởi mở và là thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi - tổ chức có ảnh hưởng trong cộng đồng kinh tế khu vực.
Bên cạnh đó, Senegal cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), cơ chế hội nhập đang mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn lục địa với hơn 1 tỷ dân.
Với những đặc điểm như vậy, Đại sứ Trần Quốc Khánh cho rằng, Senegal hoàn toàn có thể đóng vai trò là cửa ngõ để hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể là điểm trung chuyển và bàn đạp quan trọng giúp Senegal tiếp cận thị trường ASEAN, từ đó mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Senegal có khoảng 3.000 người, luôn gắn kết chặt chẽ và hướng về Tổ quốc.
Bên cạnh cộng đồng gốc Việt, còn có một nhóm người bản địa Senegal gắn bó mật thiết với Việt Nam thông qua việc tập luyện môn võ Vovinam.
Senegal đã thành lập Hiệp hội Vovinam-Việt Võ Đạo trực thuộc Liên đoàn Vovinam Thế giới với hàng nghìn võ sinh tham gia tập luyện, thi đấu thường xuyên. Dù không mang dòng máu Việt, nhưng thông qua quá trình rèn luyện lâu dài, nhiều võ sinh Vovinam ở Senegal đã hiểu và thấm nhuần những giá trị đạo lý, văn hóa Việt Nam. Họ không chỉ là cầu nối trong lĩnh vực thể thao mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh tích cực về đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè Senegal.
Mở ra triển vọng hợp tác mới giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực
Theo Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh, chuyến thăm chính thức Senegal của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 22 đến 24/7/2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính lịch sử.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Senegal, quốc gia được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực Tây Phi, vừa hoàn tất quá trình kiện toàn bộ máy chính trị, thông qua bầu cử Tổng thống, chỉ định Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội trong năm 2024. Trong khi đó, Việt Nam cũng vừa tiến hành thành công việc chuyển đổi mô hình chính quyền từ ba cấp sang hai cấp, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mở ra những triển vọng hợp tác mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và đưa hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Theo Đại sứ Trần Quốc Khánh, cả Senegal và Việt Nam đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt cũng như quyết tâm rõ ràng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh sự đồng thuận và sẵn sàng hợp tác của cả hai bên.
Do đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, bên cạnh nội dung trọng tâm là tăng cường hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, chuyến thăm lần này cũng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như thương mại, nông nghiệp, khoa học, công nghệ và giao lưu nhân dân.
Đặc biệt trong lĩnh vực thể thao, Đại sứ Trần Quốc Khánh cho biết Senegal hiện là quốc gia có phong trào tập luyện Vovinam phát triển rất mạnh tại châu Phi, chỉ đứng sau Algeria.
Tính đến nay, có hơn 3.000 người đang tập luyện Vovinam tại các câu lạc bộ trải khắp các tỉnh, thành phố của Senegal. Đây là một nhịp cầu giao lưu hiệu quả giữa hai quốc gia, góp phần kết nối nhân dân hai nước cả về văn hóa và thể thao. Hai dân tộc đều có tinh thần thượng võ, yêu chuộng thể thao và sở hữu nguồn nhân lực trẻ trung - đó là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác bền vững trong tương lai.
Trong buổi tiếp Đại sứ Senegal tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam Abdoulaye Barro ngày 18/7/2025 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm chính thức Senegal của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này sẽ đạt được những kết quả thực chất, nhất là về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề để đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam với Senegal đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/mo-ra-nhung-trien-vong-hop-tac-moi-giua-hai-nuoc-viet-nam-va-senegal-155836.html
Bình luận (0)