Một tòa nhà của ĐH Harvard
ẢNH: HẠNH ĐOAN
Phản ứng của các trường Mỹ sau vụ Harvard
Những ngày qua, cộng đồng học thuật trên toàn thế giới xôn xao khi biết tin Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) vừa đột ngột thu hồi chứng nhận Chương trình sinh viên và trao đổi (SEVP) của ĐH Harvard, khiến trường không được phép tuyển du học sinh ngay từ năm học này và những người nước ngoài đang học ở trường buộc phải chuyển sang nơi khác nếu muốn duy trì tình trạng cư trú hợp pháp tại Mỹ.
Đây là diễn biến mới nhất và hiện cũng là căng thẳng nhất liên quan đến cuộc xung đột giữa ngôi trường lâu đời nhất nước Mỹ với chính quyền đương nhiệm của xứ sở cờ hoa. Trong động thái mới nhất, thẩm phán liên bang Mỹ Allison Burroughs hôm 23.5 ra phán quyết tạm thời ngăn chặn chính quyền Tổng thống Donald Trump tước quyền tuyển du học sinh của ĐH Harvard, sau khi trường này đệ đơn kiện chính quyền liên bang.
Phản ứng trước cuộc xung đột nêu trên, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một ngôi trường danh giá khác tại Mỹ, mới đây phát đi thông báo với tựa đề: "Chào đón sinh viên quốc tế". Văn bản được ký bởi Chủ tịch MIT Sally Kornbluth, trong đó nhấn mạnh MIT "sẽ không thể là MIT" nếu thiếu vắng du học sinh. "Đây là một thời khắc nghiêm trọng", "...là đòn giáng mạnh vào những giá trị cốt lõi của nước Mỹ", bà Kornbluth viết.
Tương tự, Chủ tịch hệ thống ĐH Hawaiʻi (UH) với 10 cơ sở đã gửi thư đến toàn bộ sinh viên, giảng viên và nhân viên, trong đó gọi cuộc xung đột giữa chính quyền ông Donald Trump và ĐH Harvard là "bước leo thang chưa từng có", "gây chấn động khắp lĩnh vực giáo dục ĐH". Bà cũng cho biết sẽ thường xuyên phối hợp với các tổ chức giáo dục và chính quyền tiểu bang để tìm ra đối sách cho các thách thức đang diễn ra.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) có trụ sở ở Mỹ - tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới về giáo dục quốc tế và trao đổi học thuật - bày tỏ trong thông cáo chính thức rằng: "Mất đi sự đóng góp của du học sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng hiểu biết thế giới của sinh viên trong nước và kéo theo những hệ quả nghiêm trọng với sức mạnh kinh tế, an ninh và năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta".
"Harvard có thể là nạn nhân ở thời điểm hiện tại, nhưng đây là một lời cảnh báo, là hành động chưa từng có tiền lệ của chính quyền liên bang nhằm giảm dần quyền tự chủ của các trường ĐH lớn ở Mỹ," ông John Aubrey Douglass, nghiên cứu viên cao cấp ở Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH thuộc ĐH California tại Berkeley (Mỹ), nhận định với tờ The New York Times.
Nhiều trường ĐH ở Hồng Kông "hỗ trợ toàn diện" người học bị ảnh hưởng
Năm học 2024-2025, có 6.703 du học sinh từ khắp thế giới đã ghi danh vào ĐH Harvard, chiếm 27,2% tổng số sinh viên. Trong đó, 1.203 người tới từ Trung Quốc. Sinh viên và giảng viên Trung Quốc cũng luôn chiếm tỷ lệ đáng kể ở môi trường học thuật hàng đầu nước Mỹ này. Theo tờ Hoàn cầu thời báo, sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng 20% số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh ở ĐH Harvard.
Đây cũng là nguyên nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24.5 lên án chính quyền ông Trump "chính trị hóa giáo dục", đồng thời cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của du học sinh Trung Quốc ở Mỹ.
Khuôn viên ĐH Khoa học và công nghệ Hồng Kông, một trong những ngôi trường đầu tiên ra thông báo chào đón những người học bị ảnh hưởng bởi việc chính quyền Mỹ cấm Harvard tuyển du học sinh
ẢNH: HKUST
Tiếp nối động thái này, ĐH Khoa học và công nghệ Hồng Kông (HKUST) mới đây cho biết "rộng cửa chào đón sinh viên Harvard trong bối cảnh biến động học thuật trên toàn cầu". "Chúng tôi sẵn sàng chào đón người học từ Harvard đến cộng đồng ở trường, nơi họ sẽ được cung cấp nguồn lực, môi trường năng động để phát triển", giáo sư Guo Yike, Hiệu phó học thuật của HKUST, chia sẻ trong thông cáo.
Trường này cho biết thêm sẽ cấp thư mời nhập học vô điều kiện, đơn giản hóa quy trình tuyển sinh cùng nhiều hỗ trợ khác, bao gồm cả vấn đề thị thực và nơi ở, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình người học chuyển tiếp sang HKUST. Trường này thậm chí thành lập đội ngũ hỗ trợ riêng để hướng dẫn người học về các thủ tục liên quan tới chuyển đổi tín chỉ, nộp các đơn thư...
Theo bảng xếp hạng ĐH thế giới của tổ chức Times Higher Education có trụ sở tại Anh, HKUST xếp thứ 66 trong khi Harvard đứng thứ 3 toàn cầu.
Động thái này có khả năng sẽ tiếp tục lan rộng, khi người đứng đầu cơ quan giáo dục ở Hồng Kông mới đây kêu gọi các trường ĐH ở địa phương tăng cường nỗ lực thu hút sau việc Harvard bị cấm tuyển du học sinh. Bà Christine Choi Yuk-lin, người đứng đầu cơ quan giáo dục Hồng Kông, cho biết chính quyền cũng đã liên hệ tới hội cựu sinh viên Harvard ở Hồng Kông để cung cấp "hỗ trợ toàn diện" cho những ai được nhận vào học.
Tính tới thời điểm hiện tại, ít nhất 5 trường ĐH ở Hồng Kông đăng thông báo chào mời người học bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Harvard nộp đơn xét tuyển, theo đài CNA.
Theo thống kê từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), năm 2023 ghi nhận có 31.310 người Việt du học Mỹ, xếp thứ 6 về số du học sinh. Đây là lần đầu số người Việt học tại Mỹ cán mốc hơn 30.000 người sau 2 năm dưới mức 30.000. Nhưng nếu xét riêng số lượng ở các trường từ mẫu giáo tới phổ thông, Việt Nam đông thứ 5 với 3.187 người, đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico và Tây Ban Nha.
Nguồn: https://thanhnien.vn/my-cam-harvard-tuyen-du-hoc-sinh-truong-dh-o-hong-kong-rong-cua-chao-don-18525052509252372.htm
Bình luận (0)