Ông Robert Franek - Tổng biên tập của tờ tin tức chuyên về giáo dục đại học The Princeton Review (Mỹ) - cho biết sinh viên quốc tế đưa lại sự đa dạng về văn hóa và trải nghiệm cho nước Mỹ.
Sinh viên quốc tế cũng là nguồn thu đáng kể cho các trường đại học tại Mỹ, bởi phần lớn trong số họ thuộc nhóm tự đóng học phí toàn phần. Do đó, việc duy trì lượng sinh viên quốc tế đến Mỹ du học là điều tối quan trọng đối với "sức khỏe tài chính" của nhiều trường đại học tại xứ cờ hoa.
Tuy nhiên, sự biến động trong chính sách visa du học cùng những gì đang xảy ra với các trường đại học danh tiếng tại Mỹ làm dấy lên làn sóng lo ngại.
"Một số sinh viên quốc tế dù đã được nhận vào các trường danh tiếng vẫn đang phân vân liệu có nên tới Mỹ nhập học trong mùa thu năm nay hay không", ông Franek nói.
Du học sinh quốc tế cân nhắc lại kế hoạch đến Mỹ sau những biến động
Ông Hafeez Lakhani - chuyên gia tư vấn du học tại New York (Mỹ) - cho biết ông đang chứng kiến xu hướng nhiều phụ huynh và học sinh quốc tế bắt đầu cân nhắc tới các quốc gia khác để du học.
"Những sự biến động không bao giờ là điều tốt cho việc lập kế hoạch dài hạn. Không ít sinh viên và phụ huynh đã chuyển hướng sang Canada hoặc Anh, vốn cũng là những quốc gia phương Tây nói tiếng Anh có nền giáo dục đại học chất lượng. Những gì đang diễn ra tại Mỹ đưa lại lợi thế cho một số quốc gia khác, cả về nguồn nhân tài lẫn nguồn thu học phí", ông Lakhani chia sẻ với CNBC.

Sinh viên quốc tế chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng cư dân người nước ngoài tại Mỹ, họ đem lại lợi ích nhưng cũng tạo ra thách thức (Ảnh minh họa: CNBC).
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), Mỹ hiện có hơn 1,1 triệu sinh viên quốc tế, chiếm gần 6% tổng số sinh viên trong hệ thống giáo dục đại học của nước này.
Trong năm học 2023-2024, Mỹ ghi nhận mức tăng lượng sinh viên quốc tế cao kỷ lục, tăng 7% so với năm học trước đó. Đáng chú ý, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia có số lượng du học sinh lớn nhất tại Mỹ với hơn 330.000 người.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), nhóm sinh viên quốc tế đã đóng góp hơn 43,8 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, tính riêng trong năm học 2023-2024.
Chuyên gia giáo dục Christopher Rim - Giám đốc điều hành công ty tư vấn giáo dục đại học Command Education (Mỹ) - nhận định sinh viên quốc tế là một "bài toán kép" đối với chính quyền Mỹ, họ vừa đưa lại lợi ích, vừa tạo nên một số thách thức trong quản lý.
"Sinh viên quốc tế chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng cư dân người nước ngoài tại Mỹ. Họ thường là nhóm có tiếng nói và thể hiện quan điểm riêng mạnh mẽ. Đôi khi, những giá trị mà họ đề cao không phù hợp với những giá trị mà nước Mỹ đề cao. Tuy nhiên, họ vẫn là nhóm mang lại lợi ích kinh tế cao cho Mỹ", ông Rim nhận xét.
Ông Rim tin rằng ngay cả trong tình hình có nhiều biến động hiện nay, Mỹ vẫn giữ được sức hút nhất định đối với những gia đình có điều kiện và muốn cho con đi du học.
"Tôi vừa có mặt tại Hong Kong (Trung Quốc) và trò chuyện với hàng trăm phụ huynh, học sinh quan tâm đến nhóm trường đại học tinh hoa hàng đầu của Mỹ. Bất chấp những thay đổi và biến động đang diễn ra tại Mỹ cũng như trên thế giới, các gia đình giàu có vẫn mong muốn đưa con đến Mỹ du học. Họ hiểu rằng Mỹ vẫn là nơi hội tụ nhiều trường đại học hàng đầu thế giới", ông Rim nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn trao "thẻ vàng" cho nhóm du học sinh siêu giàu
Chương trình mua "thẻ vàng" trị giá 5 triệu USD để trở thành công dân Mỹ do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động hướng đến những công dân siêu giàu trên thế giới, trong đó có cả những du học sinh sinh ra trong những gia đình giàu có.
Giữa bối cảnh có nhiều biến động đang xảy ra với nhóm du học sinh tại Mỹ, cánh cửa vào đại học Mỹ vẫn rộng mở đối với giới siêu giàu quốc tế.

Con trai út của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Barron Trump - đang theo học tại Đại học New York (Ảnh: Fox News).
"Thẻ vàng" là một chương trình đang được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai. Chương trình này tạo điều kiện định cư tại Mỹ cho công dân là người nước ngoài, với điều kiện những người này chi ra 5 triệu USD để mua "thẻ vàng". Đây là chương trình đang thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên quốc tế đến từ các gia đình giàu có.
Chính sách thị thực khắt khe của Mỹ trước nay vẫn là rào cản lớn đối với sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, chương trình "thẻ vàng" có thể mở ra một hướng đi khác cho những sinh viên quốc tế thuộc giới siêu giàu, để họ có thể yên tâm ở Mỹ học tập và làm việc.
"Chỉ trong thời gian ngắn sau khi chương trình "thẻ vàng" được truyền thông Mỹ đề cập kể từ hồi đầu năm, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn từ các sinh viên ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ", ông Rim chia sẻ.
Mặc dù nhóm sinh viên quốc tế siêu giàu chỉ là một nhóm rất nhỏ xét trong tổng thể, nhưng theo ông Franek, chương trình cấp "thẻ vàng" vẫn sẽ mang lại giá trị lớn, nhất là về mặt tài chính cho nhà chức trách và cả các trường đại học tại Mỹ.
Các trường đại học hàng đầu của Mỹ từ lâu đã rất để tâm tới lượng sinh viên quốc tế nhập học, bởi đa số họ không xin hỗ trợ tài chính và sẵn sàng chi trả học phí toàn phần.
"Hơn 95% các trường đại học ở Mỹ vận hành dựa vào nguồn thu từ học phí. Vì vậy, một chương trình visa "thẻ vàng" như thế này rõ ràng mang lại lợi ích thiết thực cho cả nhà chức trách và các trường đại học", ông Franek nhận xét.
Dù vậy, chương trình cấp "thẻ vàng" cũng vấp phải những ý kiến trái chiều, trong bối cảnh khả năng tiếp cận giáo dục đại học đang trở thành chủ đề được quan tâm tại Mỹ, đặc biệt khi chi phí học tập ngày càng tăng.

"Thẻ vàng" là một chương trình đang được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai (Ảnh: CNBC).
Ông James Lewis - người đồng sáng lập Hiệp hội Học sinh trung học xuất sắc Quốc gia Mỹ (NSHSS) - đánh giá: "Những gia đình có điều kiện trên thế giới sẽ tận dụng chương trình này, nhưng tôi không chắc tác động dài hạn của nó đến giáo dục đại học của Mỹ là tích cực. Hiệp hội hy vọng mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng".
Chi phí học đại học tại Mỹ hiện vượt quá năng lực tài chính của nhiều gia đình. Đa số sinh viên Mỹ phải vay nợ từ nhà chức trách để có thể theo học đại học.
Theo tổ chức hỗ trợ tiếp cận giáo dục đại học College Board (Mỹ), trong năm học 2024-2025, học phí và chi phí sinh hoạt khi theo học tại một trường đại học tư thục tại Mỹ trung bình ở mức 58.600 USD. Năm học trước đó, mức phí này vào khoảng 56.390 USD.
Đối với sinh viên lựa chọn học tập tại trường đại học công lập nằm ngay trong bang nơi họ định cư, con số này hiện vào khoảng 24.920 USD, tăng 840 USD so với năm học trước đó.
Một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) công bố hồi năm 2023 cho thấy, con cái của các gia đình thuộc nhóm thu nhập cao tại Mỹ có tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng cao gấp đôi so với những thanh niên có cùng điểm SAT hoặc điểm ACT, nhưng đến từ các gia đình có thu nhập tầm trung hoặc thu nhập thấp.
Thực tế này cho thấy những thách thức tồn tại trong hệ thống tuyển sinh đại học tại Mỹ, khi cơ hội học tập ở bậc đại học vẫn chưa thực sự rộng mở đối với mọi thanh niên Mỹ đáp ứng được tiêu chí về năng lực học tập.
Việc rộng cửa chào đón những sinh viên quốc tế có "thẻ vàng" xuất thân từ các gia đình siêu giàu có thể sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo trong môi trường giáo dục đại học tại Mỹ càng trở nên rõ rệt.
Theo CNBC
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/my-quan-chat-sinh-vien-quoc-te-nhung-rong-cua-don-sinh-vien-sieu-giau-20250527105403900.htm
Bình luận (0)