Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao giá trị rừng trồng trên đất lâm nghiệp

BBK - Bắc Kạn là một trong những tỉnh có diện tích rừng sản xuất khá lớn, đã hình thành được vùng nguyên liệu bền vững, giá trị sản xuất cũng tăng dần và có nhiều nhà máy chế biến gỗ được đầu tư trên địa bàn.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn26/05/2025

4f2047610385b6dbef94.jpg
Tại xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn), nhiều diện tích rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện nay tổng diện tích rừng trồng hiện có trên địa bàn tỉnh đạt trên 102.222ha, trong đó khoảng 83.900ha rừng trồng đã thành rừng (đã có trữ lượng gỗ), chủ yếu là các loại cây như keo, mỡ, quế, thông… Mỗi năm có khoảng 3.500ha rừng sản xuất đến tuổi khai thác; sản lượng gỗ khai thác đạt 370.000m3/năm

Tuy nhiên kinh tế rừng chưa thật sự tăng trưởng như mong đợi, đòi hỏi các cơ quan quản lý đưa ra những nhận định, tư vấn chiến lược để sản xuất lâm nghiệp gia tăng giá trị trên cùng một diện tích, lựa chọn cây trồng, thay đổi cây trồng, xen canh hay thay đổi chu kỳ trồng và chăm sóc rừng.

Ngay tại thành phố Bắc Kạn, người dân phường Xuất Hóa cũng đã thay đổi loại cây trồng trên đất lâm nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế. Ông Phùng Kim Bình, tổ trưởng tổ 2 phường Xuất Hóa chia sẻ: Tổ có 88 hộ, các hộ đều đã chuyển sang trồng cây quế với khoảng 300ha. Cây quế được trồng từ những năm 1990, sau khi thấy hiệu quả kinh tế cao, người thân bắt đầu chuyển đổi từ trồng mỡ sang trồng quế. Cây quế khoảng 07 năm tuổi bắt đầu cho thu bán tỉa thưa, giá quế vỏ hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg, cây quế bán được từ lá, vỏ, cành; thân sau khi bóc vỏ thì bán làm củi. Giá trị cây quế hiện nay cao hơn hẳn các cây lâm nghiệp khác.

49a63cb25856ed08b447.jpg
Người dân tổ 2 phường Xuất Hóa lựa chọn trồng cây quế vì giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phân tích: Đối với 01ha rừng trồng keo thuần loài 6 - 8 năm tuổi, sản lượng sau khai thác trung bình 91,54m3/ha, lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí là 69,13 triệu đồng. Đối với 01ha rừng trồng mỡ thuần loài 12 -15 năm tuổi, sản lượng sau khai thác trung bình 123,83m3/ha, lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí là 123,66 triệu đồng...

Đối với cây quế trồng từ 10 năm, khi trừ hết các chi phí ước tính 01ha cho thu nhập trung bình khoảng 395,69 triệu đồng; sau trồng 15 năm khi trừ hết các chi phí ước tính 01ha cho thu nhập trung bình khoảng 644,08 triệu đồng;...

Trong cùng một giai đoạn chăm sóc từ 13 - 15 năm, nếu trồng cây mỡ, keo và bạch đàn, người dân cũng chỉ đạt thu nhập tối đa 125 triệu đồng, nhưng nếu trồng quế có thể đạt đến 600 triệu đồng. Như vậy, việc trồng quế mang lại giá trị cao gấp từ 4 lần so với các loại cây lâm nghiệp khác trong cùng một công chăm sóc. Tuy nhiên lựa chọn loại cây trồng cũng cần lưu ý đến thổ nhưỡng, khí hậu và nhiều yếu tố khác mới mang lại được giá trị kinh tế cao.

Để từng bước nâng cao giá trị kinh tế rừng trên cùng một diện tích, cùng một chu kỳ trồng cây lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện phương án sản xuất vụ Xuân năm 2025 và hoàn thành mục tiêu sản xuất nông lâm nghiệp trong năm 2025. Trong đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa, cây đa dụng có giá trị kinh tế cao tạo thành vùng nguyên liệu tập trung để quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng. Định hướng ưu tiên tập trung trồng cây quế ở những nơi có điều kiện lập địa phù hợp. Đối với cây quế được ngành đánh giá là hiệu quả kinh tế cao nhất.

Trong những năm qua, trồng rừng sản xuất đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tạo thu nhập và sinh kế cho người dân, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với điều kiện thuận lợi như hiện nay, rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Bà con cần lựa chọn loại cây phù hợp với thổ nhưỡng để trồng rừng theo hướng chuyên canh, rừng gỗ lớn để có thu nhập bền vững./.

Nguồn: https://baobackan.vn/nang-cao-gia-tri-rung-trong-tren-dat-lam-nghiep-post70969.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm